Trung Quốc bị Đức và Mỹ dồn ép trong cuộc cạnh tranh toàn cầu

Sau Đức, đến lượt Mỹ ép Trung Quốc mở rộng cửa đầu tư vào nền kinh tế? Đây là cuộc chơi nghiệt ngã trong cạnh tranh thương mại toàn cầu?

Trung Quoc bi Duc va My don ep trong cuoc canh tranh toan cau - Anh 1

Cuộc chơi toàn cầu luôn khắc nghiệt

Trung Quốc có đang bước vào giai đoạn yếu thế trong cuộc chiến cạnh tranh thương mại toàn cầu? Câu trả lời dường như đang là “Có”.Một sự kiện rất đáng chú ý đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới nhưng lại đang bị chìm khuất bởi những tranh cãi xung quanh câu chuyện Brexit ở châu Âu, đó là việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành các cuộc đàm phán về đầu tư song phương. Đó là thông tin chính thức được Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) công bố vào ngày 17.6 vừa qua. Một tiết lộ quan trọng đã được một phát ngôn viên của USTR cho biết, đó là cả hai nước đang đàm phán về một danh sách điều chỉnh các lĩnh vực đầu tư cho phép, theo đó Trung Quốc sẽ phải mở rộng cánh cửa nền kinh tế của mình hơn nữa cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ.

Phát ngôn viên của USTR đã tuyên bố trong cuộc họp báo vào ngày thứ Sáu rằng “Trung Quốc sẽ cần phải chứng minh sự tự do hóa đáng kể trong thị trường đầu tư, để đảm bảo rằng các công ty Mỹ có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng, và giải quyết các vấn đề quan trọng khác, tạo thuận lợi cho sự tiến triển và kết thúc thành công các cuộc đàm phán đầu tư song phương để đảm bảo lợi ích cho cả hai bên”.

Lý do chủ yếu cho tuyên bố này là việc Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quan chức Mỹ phàn nàn rằng hiện Trung Quốc đang phân biệt đối xử với các công ty và nhà đầu tư Mỹ trong nền kinh tế Trung Quốc. Cụ thể, có tới hơn 100 lĩnh vực trong nền kinh tế Trung Quốc hiện đang không cho phép hoặc hạn chế tối đa các doanh nghiệp Mỹ vào đầu tư, điển hình là các lĩnh vực như: dịch vụ tài chính, bảo hiểm y tế, nông nghiệp, nghe nhìn. Theo giới truyền thông và quan điểm của chính quyền Mỹ thì tình trạng này đem đến sự bất công bằng rõ rệt trong mối quan hệ kinh tế – thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi mà số lĩnh vực hạn chế trong nền kinh tế Mỹ với các nhà đầu tư Trung Quốc là ít hơn rất nhiều so với chiều ngược lại. Trong vài năm qua thế giới đã chứng kiến một số tiền đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào nền kinh tế Mỹ trong hàng loạt các lĩnh vực, từ bất động sản, chứng khoán, công nghệ và giải trí. Đó là lý do áp lực của Mỹ đòi hỏi chính phủ Trung Quốc phải mở rộng thêm cánh cửa đầu tư vào nền kinh tế của mình cho các doanh nghiệp Mỹ đang ngày càng mạnh hơn.

Như vậy, Mỹ đang là quốc gia có nền kinh tế phát triển thứ hai sau Đức gây áp lực với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán đầu tư song phương, trong đó chủ yếu là yêu cầu Trung Quốc mở rộng cửa đầu tư cho các doanh nghiệp ở hai quốc gia này. Cách đây một tuần, trong chuyến công du tới Trung Quốc lần thứ chín trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã yêu cầu Trung Quốc mở cửa một loạt lĩnh vực cho các doanh nghiệp Đức như một điều kiện để đảm bảo tính minh bạch cần thiết để duy trì quan hệ kinh tế – thương mại song phương hiện tại. Đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hiện các nhà đầu tư Đức mới chỉ được mua tối đa 20% cổ phần của các ngân hàng Trung Quốc, và bà Merkel muốn nới mức trần cho phép này. Trong chuyến công du của bà Merkel lần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã phát biểu một câu đáng chú ý: “Trung Quốc không muốn bị rơi vào một cuộc chiến thương mại”.

Việc các nước phương Tây như Đức và Mỹ đang đẩy mạnh gây sức ép lên Trung Quốc trong vấn đề điều chỉnh lại các lĩnh vực đầu tư trong đàm phán đầu tư song phương, một phần cũng vì Trung Quốc đang vi phạm một số quy định trong quan hệ kinh tế – thương mại với các nước phương Tây như Đức hay Mỹ. Điển hình gần nhất là việc Mỹ đã tăng mức áp thuế với mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc lên hơn 500%, còn Đức và liên minh châu Âu cũng đang chuẩn bị những động thái tương tự, sau khi thép giá rẻ được chính phủ Trung Quốc trợ giá ngầm đã ồ ạt xâm nhập thị trường Mỹ và châu Âu gây ra một loạt những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho các nền kinh tế này.

Mặt khác, nó cũng đang cho thấy vị thế của Trung Quốc trên bàn cờ thương mại toàn cầu đang giảm đi đáng kể. Trung Quốc đang giảm tốc tăng trưởng và dư thừa công suất, trong khi môi trường đầu tư kinh doanh không thuận lợi đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có phương Tây đang rời khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều hơn.

Nếu như trước đây, các nước phương Tây sẵn sàng nhượng bộ Trung Quốc trong các vấn đề thương mại để đổi lấy việc các doanh nghiệp nước mình được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư vào thị trường Trung Quốc; thì giờ đây điều đó đã không còn nữa. Làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi thị trường Trung Quốc, cộng với việc kinh tế nước này giảm tốc và ít nhập khẩu hàng hóa nước ngoài hơn, đang khiến cho vị thế của Trung Quốc giảm hẳn trong con mắt các nước phương Tây.

Khi Trung Quốc đã không còn là thị trường đầu tư béo bở, và cũng không còn là người nhập khẩu hàng hóa tiềm năng, thì cũng không còn lý do gì để các nước phương Tây như Đức và Mỹ nhượng bộ Trung Quốc nữa. Có lẽ, sau Đức và Mỹ, sắp tới sẽ có một làn sóng yêu cầu đàm phán lại đầu tư song phương với Trung Quốc của các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Giới truyền thông quốc tế đã nói nhiều về chuyến công du lần thứ 9 tới Trung Quốc của Thủ tướng Đức Angela Merkel cách đây ít ngày, để bàn về quan hệ kinh tế thương mại giữa Đức và Trung Quốc, trong đó Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nói một câu rất đáng chú ý: “Trung Quốc không muốn bị rơi vào một cuộc chiến thương mại” như một dấu hiệu của sự nhượng bộ. Sau Đức, có vẻ như Mỹ đang là quốc gia tiếp theo đang ép buộc Trung Quốc trong một cuộc chiến thương mại, trong đó thông điệp then chốt được Washington gửi tới Bắc Kinh là: Nếu Trung Quốc muốn duy trì quyền lợi thương mại ở Mỹ, thì điều cần thiết là cánh cửa đầu tư vào thị trường Trung Quốc phải mở rộng hơn dành cho các doanh nghiệp Mỹ.

Nhàn Đàm

(theo Reuters/ Một thế giới)

Related Posts