Truyện Kiều trong quan hệ Việt – Mỹ
Ngoài việc để lại cho hậu thế tuyệt tác “Truyện Kiều”, Đại thi hào Nguyễn Du – tên hiệu Tố Như (1766-1820) còn để lại một lời nhắn cho đời sau:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như ?”
(Không biết sau hơn ba trăm năm nữa
Có ai trên đời còn khóc Tố Như đây ?)
Kính thưa cụ Nguyễn Du kính mến! Đã 250 năm trôi qua kể từ khi cụ tạm xa con cháu, nhưng các thế hệ con cháu cụ chưa bao giờ quên cụ. Hậu duệ cụ không chỉ “khóc cụ”, “nhớ cụ” mà còn sử dụng 3.254 câu thơ trong “Truyện Kiều”của cụ để “ngâm Kiều”, “vịnh Kiều” và diễn tả tâm trạng, hoàn cảnh, dự báo tương lai qua các hình thức “lẩy Kiều, “bói Kiều” phổ biến khắp mọi miền đất nước.
Đại sứ Chu Công Phùng
Cụ Tố Như kính mến! Chắc cụ sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng, sau hơn 2 thế kỷ cụ đi xa, không chỉ ở đất nước Việt Nam quê hương cụ mà tại một đất nước khác xa cách Việt Nam nửa vòng Trái đất cũng có những người nhớ tới cụ, nghiên cứu Truyện Kiều của cụ và sử dụng các vần thơ tuyệt tác trong Truyện Kiều để diễn tả mong muốn của họ về tương lai phát triển giữa hai quốc gia, hai dân tộc từng đối đầu nhau suốt nhiều thập kỷ. Đó là ai? Thưa cụ! Đó là các nguyên thủ Hoa Kỳ – những nhân vật quyền uy nhất thế giới.
Đó là, tháng 11/2000, ông Bill Clinton – Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ thực hiện chuyến thăm chính thức tới Việt Nam sau 25 năm chiến tranh kết thúc, sau 5 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, tiến tới ký kết Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA). Trong buổi tiệc chiêu đãi trọng thể phái đoàn cao cấp Mỹ tại Phủ Chủ tịch do Chủ tịch nước Trần Đức Lương chủ trì, Tổng thống Bill Clinton đã phát biểu cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Chính phủ Việt Nam và đã “lẩy” hai câu trong truyện Kiều của Nguyễn Du:
“Sen tàn Cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân”
Tổng thống Bill Clinton phát biểu tại Đại học quốc gia Hà Nội ngày 17/11/2000
Ông Bill Clinton đã mượn quy luật vận động tất yếu của tự nhiên để khẳng định sự phát triển tất yếu quan hệ Mỹ – Việt: khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tươi sáng mà cả hai nước đều có trách nhiệm xây dựng. Sen tàn là đã hết mùa Hạ, chuyển sang mùa Thu hoa cúc nở; hết mùa Thu chuyển sang mùa Đông với đặc điểm sầu dài ngày ngắn và kết thúc mùa Đông u ám là đến mùa Xuân tươi sáng… Liên hệ với quan hệ Mỹ – Việt, hết chiến tranh thì lại hòa bình, hết đối đầu lại làm bạn với nhau….
Chuyến viếng thăm của Tổng thống Bill Clinton còn nhiều nội dung quan trọng khác, nhưng chỉ với 2 câu “lẩy Kiều” thâm thúy của ông đã khiến hàng triệu trái tim người Việt Nam xúc động. Hỏi trên thế giới có những chính khách nào như chính khách Mỹ đã am hiểu và sử dụng điển tích văn học cổ điển của một quốc gia xa xôi nửa vòng Trái đất để nói về quan hệ quốc tế đương đại? Quả là tuyệt vời, độc đáo tới mức vô tiền khoáng hậu.
15 năm sau, trên nền tảng quan hệ hai nước đã được Tổng thống Bill Clinton xây dựng, chính phủ Mỹ chính thức mời Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ với mục đích rõ ràng: tôn trọng sự khác biệt chính trị giữa hai quốc gia, hai nước nhất trí xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược.
Trong tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ tối ngày 7/7/2015 do Phó Tổng thống Mỹ Joe Binden chủ trì, sau khi đọc diễn văn hoan nghênh Tổng bí thư Việt Nam và khẳng định những bước tiến lớn trong khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích, xử lý chất độc dioxin…, ông Binden tiếp tục “lẩy” hai câu Kiều rất sâu sắc để chúc mừng mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sau 20 năm chính thực bình thường hóa (1995 – 20015):
“Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”
Hai câu Kiều mà ông Phó Tổng thống Joe Binden “lẩy” quá hay, rất phù hợp với quan hệ Mỹ – Việt sau 20 năm bình thương hóa. Trong Truyện Kiều, chàng Kim và nàng Kiều sau 15 năm lưu lạc đã được “Trời” tạo cho cơ duyên tái hợp sau khi “sương đầu ngõ” đã tan và “mây giữa trời” đã được vén quang hé lộ ra vầng dương sáng tỏ.
Tương tự, trong quan hệ Việt – Mỹ cũng vậy, khi Chúa Trời đã tạo cơ hội cho lãnh đạo cấp cao hai nước có dịp “gặp nhau hôm nay” sau khi đã xua tan sương mù và mây đen trong quan hệ hai nước để Mặt Trời sẽ chứng giám và soi sáng mãi quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong buổi tiệc chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/7/2015.
Chỉ với hai câu Kiều, một lần nữa Chính phủ Mỹ đã khẳng định và tin tưởng vào tương lai có hậu của quan hệ Mỹ – Việt sau một giai đoạn lịch sử khó khăn. Quan điểm đó của người Mỹ cũng hoàn toàn trùng hợp với quan điểm truyền thống của người Việt.
Nhà nước Hoa Kỳ tuy chỉ có 200 năm lịch sử nhưng quốc gia này lại có những vị nguyên thủ quốc gia và đội ngũ cộng sự am hiểu sâu sắc về truyền thống văn học của các quốc gia khác trên thế giới. Đặc biệt, đứng trước một bữa tiệc để tiếp một vị quốc khách mà nhà lãnh đạo của nước Mỹ đã thể hiện sự tôn trọng lớn đối với vị khách của mình bằng việc dẫn ra một câu thơ bất hủ trong một tác phẩm văn học cổ điển của nước đó mà rất phù hợp với bổi cảnh quan hệ song phương đương đại. Lần thứ hai, hàng triệu trái tim người Việt Nam bên kia bán cầu lại rung động trước ứng xử đậm chất nhân văn của nhà chính khách Hoa Kỳ .
Gần một năm sau, đáp lại chuyến thăm của Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 23-25/5/2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam. Dư luận quốc tế và Việt Nam rất quan tâm tới chuyến đi lịch sử này bởi lẽ, nếu như 16 năm trước Tổng thống Bill Clinton đã đi vào lịch sử với chuyến thăm thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, thì lần này Tổng thống Barack Obama cũng đi vào lịch sử để hoàn tất quá trình đó bằng tuyên bố xóa bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam 3 ngày của Tổng thống Barach Obama tạo nên một cơn sốt và để lại rung động lâu dài trong hàng triệu trái tim người Việt Nam, nhưng rung động nhất, ấn tượng nhất là bài phát biểu đầy cảm hứng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình hôm 24/5 trước hơn 2000 trí thứ và doanh nhân Việt Nam.
Bài phát biểu cực kỳ nhân văn của ông Obama khiến gười nghe đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiện khác mỗi khi ông trích dẫn lời những danh nhân văn hóa tiêu biểu nhất của Việt Nam, các lĩnh vực chính trị, quân sự, tôn giáo, ngoại giao, khoa học, văn hóa nghệ thuật, từ Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Ngô Bảo Châu. Nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đến cả “tinh thần hoa Sen” của người Việt Nam…
Cuối bài phát biểu, Tổng thống Obama khẳng định “Mai này, khi người Mỹ – Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau, các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn” và ông đã “lẩy” hai câu Kiều để kết thúc bài phát biểu:
“Rằng trăm năm cũng từ đây.
Của tin gọi một chút này làm ghi”
Đây là hai câu thơ thề non hẹn biển của Thúy Kiều và Kim Trọng trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.Tổng thống Obama chọn 2 câu Kiều này nhằm chuyển tải thông điệp lớn nhất tới nhân dân Việt Nam đó là “niềm tin”. Cụ thể là, sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia, hai bên đã xua tan “sương mù” và “mây đen” từng làm cản trở sự hợp tác hữu nghị, hai bên đã tôn trọng thể chế chính trị, tôn giáo, văn hóa của nhau, thì hai nước phải giữ niềm tin với nhau, có vậy mối quan hệ “đối tác chiến lược” Mỹ – Việt mới trở thành hiện thực. Nói theo văn hóa phương Đông thì tiếng vỗ tay chỉ phát ra khi cả hai bàn tay cùng vỗ vào nhau.
Hoa Kỳ là là siêu cường hùng mạnh về quân sự, giàu có về kinh tế và tài giỏi về ngoại giao đa phương. Trong đó, nghệ thuật ngoại giao của họ thật đáng nể trọng. Bộ Ngoại giao Mỹ nói riêng và Nhà Trắng nói chung với đội ngũ cộng sự tài giỏi điển hình như Bà Elizabeth Phú – người Mỹ gốc Việt – Ủy viên Hội đồng An ninh Quốc gia đã chuẩn bị rất công phu nội dung phát biểu của các nguyên thủ Mỹ trong các diễn đàn cấp cao Mỹ – Việt.
Ba lần các lãnh đạo cao nhất Hoa Kỳ “lẩy Kiều”, lần nào cũng sâu sắc, giàu cảm xúc, giàu ý nghía, nhưng nhiều người Việt tâm đắc và đánh giá cao nhất là hai câu Kiều mà Tổng thống Obama đã chọn, nhất là việc lấy câu Kiều để kết thúc bài phát biểu quá hợp cảnh, hợp tình, khó có câu nào trong truyện Kiều phù hợp hơn.
Thay cho lời kết
Quá ấn tượng trước “sự chân thành làm nên sức hấp dẫn của “hiện tượng” Obama”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam một bài bình rất hay. Giáo sư đánh giá rất cao tính cách “lịch duyệt, thân thiện” và bài phát biểu ngày 24/5 của Tổng thống Obama “đã vượt qua khuôn khổ của một sự kiện ngoại giao thường thấy, trở thành một hiện tượng xã hội”. Giáo sư đã “lẩy” và gửi tặng Ngài tổng thống Obam hai câu Kiều để “nói lên ấn tượng sâu sắc của tôi cũng như rất nhiều người dân Việt Nam về ông”:
“Thiên tư, tài mạo tót vời,
Vào trong phong nhã, ra ngoài hòa hoa?
Là người làm công tác ngoại giao hơn bốn mươi năm, tôi cũng rất tâm đắc và hoàn toàn tán thành những lời bình rất sâu sắc của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về Ngài Tổng thống Barach Obama và chuyến thăm của ông tới Việt Nam. Nhân dịp này, tôi cũng xin mạo muội “lẩy” hai câu Kiều trong đoạn “Tái hồi Kim Kiều” để chúc cho quan hệ Việt – Mỹ ngày càng phát triển đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân dân hai nước:
Còn duyên may lại còn người,
Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa
Hà Nội, ngày 2/6/2016
Đại sứ Chu Công Phùng
Ông Chu Công Phùng, nguyên Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc (1987 – 1991), nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar giai đoạn 2009-2012
Đăng trên Báo Mới