Việt Nam điểm đến đầu tư lý tưởng của Nhật Bản
Việt Nam là một điểm đến hàng đầu thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo đó, hơn 53% các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào cuộc khảo sát này cho rằng, Việt Nam là điểm đến đầu tư lý tưởng của “đất nước mặt trời mọc”, song Thái Lan vẫn là quốc gia nhỉnh hơn, khi xếp thứ nhất với 59,7%.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ “kỳ vọng” của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường Việt Nam đã tăng khoảng 4,9%. Trong khi đó, đối với thị trường Thái Lan, con số này đã sụt giảm khoảng 2,2%.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy một con số khá ấn tượng, khi có tới 49% của công ty Nhật Bản, với vốn đăng ký hơn 10 triệu yên (khoảng 94.400 USD) đã chọn ASEAN là địa điểm để ưu tiên đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Lý giải về điều này, các nhà đầu tư Nhật Bản cho biết, Việt Nam hiện đã trở thành thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đây là động lực để họ đầu tư vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn.
Cụ thể, gần 13% số người được hỏi trong cuộc khảo sát cho biết họ sẽ chọn Việt Nam là điểm đầu tư số 1 trong số 12 nước thành viên của ASEAN.
Trong số 12 quốc gia đã ký các đối tác xuyên Thái Bình Dương, chỉ có hơn 10 % số doanh nghiệp cho rằng, họ sẽ đầu tư vào Nhật Bản, trong khi đó, con số của Mỹ cũng chỉ là 4,9%.
Theo một cuộc khảo sát bao gồm 1.027 doanh nghiệp Nhật Bản được tiến hành vào đầu năm nay bởi Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), có khoảng hơn 60% các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang đầu tư tại Việt Nam cho biết, họ sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh tại đây.
Một tín hiệu lạc quan khác, trong số đó, có khoảng 85% các doanh nghiệp Nhật Bản nói rằng họ sẽ mở rộng sản xuất để tăng doanh thu, trong khi đó, 65% số doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, họ thậm chí còn nhìn thấy tiềm năng rất lớn về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) khẳng định, các doanh nghiệp Nhật Bản rất coi trọng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, trong đó vấn đề đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thuế quan giữa các nước thành viên và thị trường lao động linh hoạt chính là động lực để Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào thị trường này.
Cụ thể, có khoảng 60% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ đã có lợi nhuận khi đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Việt Nam khi Việt Nam đang có những bước tăng trưởng “thần kỳ”, đặc biệt là khi Việt Nam đang ký kết ngày càng nhiều các hiệp định thương mại trong khu vực và trên thế giới.
Thu Hương ( Theo Báo Mới )