Gian nan hành trình “vẽ hình Tổ quốc”
Giờ đây, nơi biên cương vẫn còn có rất nhiều người lính không quản gian nan, ngày đêm xây dựng và bảo vệ cột mốc để hình hài Tổ quốc mãi mãi được vẹn nguyên.
“Biên phòng hảo vị trù phương lược”
Do công tác phân giới cắm mốc là một công việc nhạy cảm, đòi hỏi tính chuyên nghiệp và kỹ thuật cao nên Ban chỉ đạo phân giới cắm mốc từ Trung ương đến địa phương đều có cơ cấu bao gồm các thành phần như: Ngoại giao, Tài nguyên môi trường, Quân đội, Công an, Tài chính, Xây dựng… trong đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng có vai trò chủ chốt do đặc thù nhiệm vụ của họ là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh Tổ quốc và trật tự an toàn xã hội trên khắp nẻo biên cương.
Mỗi nhóm phân giới cắm mốc đều do một đồng chí sỹ quan biên phòng làm nhóm trưởng, vì mục tiêu có đường biên giới quốc gia rõ ràng, ổn định, bình yên cho hôm nay và cho muôn đời sau, những người tham gia công tác phân giới cắm mốc đã vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ.
Tuyến biên giới trên đất liền tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc trải dài trên 1.400km từ ngã ba biên giới A Pa Chải (tỉnh Điện Biên) tới mũi Sa Vĩ (tỉnh Quảng Ninh), được chia theo địa giới hành chính gồm các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Sau nhiều năm bền bỉ thực hiện nhiệm vụ, toàn tuyến đã phân giới xong và cắm xấp xỉ 2.000 cột mốc, trong đó có hơn 1.500 mốc chính và trên 400 mốc phụ; đã tiến hành nghiệm thu thành quả phân giới cắm mốc, đăng ký mốc giới, mô tả hướng đi của đường biên giới và hoàn chỉnh bản đồ đính kèm Nghị định thư phân giới cắm mốc có sự đồng thuận của Chỉnh phủ hai nước.
“Cõng” mốc lên non
Cách đây vài năm, trong niềm vui chung của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang khi công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới của tỉnh đã hoàn thành, Đại tá Nguyễn Xuân Hồng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Giang nói với chúng tôi rằng: “Tư tưởng “Biên phòng hảo vị trù phương lược, xã tắc ưng tu kế cửu an” (tạm dịch: Biên phòng cần có phương lược tốt/Đất nước nên có kế lâu dài), do vua Lê Thái Tổ truyền lại đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của việc bảo vệ biên giới đối với sự thịnh vượng ổn định vững bền của nền độc lập dân tộc! Hơn ai hết, những người lính Biên phòng chúng tôi rất thấm thía điều đó”.
Nhắc đến công tác phân giới cắm mốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang, không thể không nhắc đến vai trò của vị chỉ huy này. Anh Hồng đã từng cùng đồng đội trải qua khói lửa của cuộc chiến tranh vệ quốc để giữ từng tấc đất biên cương cực Bắc, nhiều nhóm phỉ và bè đảng đã từng treo đầu anh với giá 50.000 nhân dân tệ. Gắn bó với vùng biên viễn ngót 40 năm, dường như mỗi nhánh sông, đỉnh núi giữa trập trùng cao nguyên đá đã trở nên quen thuộc với anh.
“Xã tắc ưng tu kế cửu an”
Để hoàn thành được việc phân giới cắm mốc tại một điểm cụ thể cần phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi người làm nhiệm vụ này phải hết sức thận trọng. Sau chiến tranh, khu vực biên giới còn chứa trong lòng đất, khe núi, đáy sông hàng tấn bom mìn, lựu đạn, thuốc nổ… có thể phát nổ bất kỳ lúc nào. Trước khi bắt tay vào thực hiện khảo sát địa bàn, lực lượng công binh của các Quân khu, Bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới phía Bắc phải tiến hành rà phá bom mìn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác phân giới cắm mốc.
Trên khắp các tuyến đường biên, có cả trăm loại bom mìn nằm rải rác trên các mỏm núi, hốc đá lâu ngày bị che phủ dưới lá rụng, cỏ dại cần được tháo gỡ theo nhiều phương pháp khác nhau tùy theo đặc tính phát nổ của từng loại. Những công cụ đặc dụng dưới đôi tay quả cảm, kiên trì, khéo léo của người chiến sỹ công binh Bộ đội Biên phòng đã tháo kíp nổ an toàn.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp do mìn ở quá sâu, độ nguy hiểm khi tháo gỡ cao nên các anh phải kích nổ. Với sức công phá lớn đến như vậy thì thật quá nguy hiểm đối với bất cứ ai vấp phải, riêng tại Hà Giang đã có 3 đồng chí hy sinh và 33 đồng chí bị thương thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Lữ đoàn 543 và Quân khu 2.
Cụ Hoàng Lý Phình, 71 tuổi, ở bản Thiên Hương (Đồng Văn, Hà Giang) chỉ tay sang ngọn núi bên kia: “Toàn là người thân cả đấy (đồng bào hai bên biên giới thường có quan hệ thân tộc, dân tộc với nhau – PV), nhưng bây giờ đã có đường biên giới rồi, đã thành người của hai nước rồi thì cái tình thân ấy cũng phải đặt sau tình đất nước. Quyết không vì thân tộc mà làm trái quy định của Nhà nước, của bộ đội”.
Thì ra cái lý của người dân tộc rõ ràng, mạch lạc là thế, đúng là làm, theo lẽ phải và ưng cái bụng mọi người thì làm. Nghìn suối trăm sông rồi cũng đổ về biển lớn. Người muôn nơi, thuộc dân tộc nào thì cũng vẫn là người Việt Nam mình, phải một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ không dám đơn sai. Chẳng thế mà hơn 100 năm qua, trải nhiều biến cố nhưng tất cả những cột mốc trên tuyến biên giới Hà Giang vẫn “thi gan cùng tuế nguyệt”, vững vàng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Người dân nơi đây còn nghèo, còn thiếu ăn thiếu mặc nhưng lúc nào cũng tự hào vì truyền thống giữ đất, giữ nước ngàn đời của cha ông và cả sự no ấm đang đến với vùng đất này.
Những người lính đứng chào cột mốc
Trên đỉnh cao Lũng Cú, sắc cờ bay lồng lộng trên trời xanh, kiêu hãnh in bóng xuống dòng Nho Quế. Bố của Trưởng bản Séo Lủng, ông Sùng Chìa Kha mang lại cho tôi một ấn tượng khó quên. Tài sản mà ông truyền lại cho con trai chính là chức trưởng bản ông đã từng đảm nhận 16 năm và lời dặn dò của bố ông, rằng: “Đất của ta bắt đầu từ dòng suối này. Bao đời nay tiên tổ nhà mình đã ở đây, bảo vệ từng tấc đất, từng cái cây, ngọn cỏ. Con đừng có học con hươu, con nai nhảy nhót mà xa lìa bản quán. Phải chăm chút, bảo vệ đất đai của tổ tiên, đó là tài sản vô giá truyền lại cho con cháu”.
Lời dặn ấy đến nay vẫn còn tươi rói trong ông và các con, như dòng suối kia vẫn chảy giữa hai đất nước. Dòng suối nhỏ đến nỗi nếu nhìn từ vệ tinh, nó sẽ nhỏ như không hề tồn tại trên trái đất. Vậy mà với đồng bào ở bản Séo Lủng, nó là dòng nước của Trời, của tổ tiên. Giữ gìn dòng suối là giữ gìn đất nước, giữ gìn mạch sống cha ông để lại.
Trách nhiệm lịch sử đặt trên vai
Theo chân nhóm phân giới cắm mốc mới thấy hết các lực lượng chuyên trách phân giới cắm mốc, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng đã phải đối mặt với vô vàn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi, đây không chỉ là vinh dự của người lính biên phòng mà còn là trách nhiệm lịch sử của cả dân tộc đặt trên vai các anh. Tuyến biên giới phía Bắc nước ta có địa hình tương đối phức tạp, địa bàn tác nghiệp trên thực địa hầu hết là khu vực núi cao, vực sâu, địa hình hiểm trở, chưa có đường giao thông và điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt… Mỗi chuyến đi khảo sát thường phải mất hàng tuần đi bộ với quãng đường hàng chục km vượt qua núi đá tai mèo nhọn hoắt và đường lầy trơn trượt.
Vùng cao nguyên đá này vốn luôn là một thử thách với bất cứ ai ngại khó, sợ khổ, nhất là mỗi khi trời đổ sang đông. Trong hơi đá lạnh đến run người, mặt nước đóng băng và bụi tuyết bay trắng trời, anh em trong nhóm phân giới cắm mốc vẫn lặng lẽ đi khảo sát. Họ phải tự tìm đường lên vị trí xác định trên bản đồ có độ cao trên 2000m. Nhìn thấy đỉnh núi rồi mà phải mất cả tuần mới mở đường lên được tới nơi. Cây rừng chắn lối, ken dày tới mức những người dân bản địa được thuê dẫn đường vốn được mệnh danh là bố bản, nghĩa là người giỏi đi rừng như con sơn dương cũng phải chào thua, còn các anh vẫn phải động viên nhau bứt lên phía trước. Lên tới đỉnh, nhìn xuống dưới chân chỉ thấy ba bề bốn bên chỉ thấy vực sâu hun hút, vách đá dựng rợp mắt nhìn.
Có những đận rét, anh em làm nhiệm vụ cắm mốc nai nịt kỹ càng trước khi lên đường, vậy mà chỉ đi được nửa chặng thì chiếc áo bông nặng trĩu vì ngấm nước do sương mù và bông tuyết, chai nước mang theo cũng lếnh láng đông. Đêm, những người lính biên phòng phải dựng trại ngủ giữa lưng chừng núi trong cái lạnh xuống đến 0 độ. Chưa hết, nửa đêm mưa bất chợt đổ xuống, dòng nước đỏ ngầu đất núi chảy thành từng dòng suối nhỏ quanh lán trại. Cả nhóm đành ngồi sát bên nhau, chia sẻ hơi ấm của tình đồng đội chờ cơn mưa dứt….
Nhìn cột mốc mang ý tưởng dáng hình cây tre và quốc hiệu của Việt Nam sừng sững trên đỉnh cao 2000m mới thấy hết bao công sức của quân dân vùng biên đã làm nên những phên giậu vững vàng trên biên cương. Lên biên giới vào những ngày này, bạn sẽ nhớ mãi màu xám lạnh của đá, màu trắng của dải mây vắt ngang trời, màu xanh của cỏ cây và nhất là những cột mốc uy nghi mang dáng hình Tổ quốc.
Báo Công Lý