Những bí mật tình báo Xô-Mỹ: Vì tình yêu hay tiền?

Giải phẫu sự phản bội trong cuộc đối đầu giữa các cơ quan tình báo (Liên Xô) Nga và Mỹ.
 >> Vụ săn gián điệp hụt của FBI

Mấy ngày hôm nay, các báo Nga gần như đồng loạt đưa tin và bình luận về thông tin Aleksandr Poteyev, cựu đại tá Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR– viết tắt tiếng Nga), người bị tòa án Nga kết án vắng mặt 25 năm tù vì tội phản bội tổ quốc và tội đào ngũ đã chết tại Mỹ (y chạy sang Mỹ năm 2010).

Chưa biết thực hư thế nào (vì Poteyev sống ở Mỹ với hộ chiếu giả, và tại một địa điểm bí mật theo Chương trình bảo vệ nhân chứng của Mỹ). Nhưng nói tóm lại, theo ý kiến một số cựu sỹ quan tình báo Liên Xô và nay là Nga thì có 3 khả năng chính: 1/ Ông này đã chết thật, chết một cách tự nhiên (vì ốm đau, bệnh tật…, tuy hơi trẻ – sinh năm 1952).

2/ Chết thật nhưng “do sự tác động (giúp đỡ) từ bên ngoài” để dằn mặt những kẻ có ý định đi theo con đường này. Kiểu chết này đã từng xảy ra với nhiều điệp viên Liên Xô (Nga) đào tẩu ra nước ngoài sau khi đã bán các bí mật quốc gia).

3/ Thông tin giả do “ai đó” tung ra để Nga quên ông ta, nói cách khác – tung tin chết để được sống. Dĩ nhiên, còn có thể có những khả năng khác.

Có lẽ, nhân câu chuyện này ta hãy nghe ý kiến của một “người trong cuộc đích thực” nói về những người như Poteyev qua bài trả lời phỏng vấn nguyệt san “Tuyệt mật” (Nga), số tháng 7/2016. Đó là Đại tá Tổng cục Một KGB (Tổng cục tình báo đối ngoại – Cơ quan an ninh quốc gia) Liên Xô, Tổ phó Tổ điệp báo tại Washington từ năm 1979 đến năm 1986 Viktor Cherkashin. Có một điều thú vị là bài này được đăng chỉ một ngày trước khi có thông tin về cái chết của Poteyev.

(Các tiêu đề và ảnh trong bài là của “Tuyệt mật”, phần mở ngoặc là của người dịch).

Đại tá KGB Viktor Cherkashin
Đại tá KGB Viktor Cherkashin

– Viktor Ivanovich , năm nay là tròn 15 năm kể từ khi Mỹ xét xử một nhân viên cấp cao FBI là Robert Hanssen vì đã làm việc cho Tình báo chúng ta. Xin hãy cho biết, chúng ta đã tuyển mộ ông ấy như thế nào, có phải tiền là động cơ duy nhất không?

– Năm 1985 được báo chí Mỹ gọi là “Năm gián điệp”. Trong năm đó người Mỹ đã bắt giữ nhiều điệp viên của chúng ta: Chuyên gia mật mã Hải quân Mỹ John Walker, nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ Ronald Pelton, nhân viên Phòng Xô Viết CIA Li Howard, và nhân viên Cơ quan tình báo Israel Jonathan Pollard.

Cũng trong thời gian đó, qua các điệp viên được Tình báo Xô Viết tuyển mộ lúc đó đang làm việc tại CIA (Andrich Ames) và tại FBI (Robert Hanssen) chúng ta cũng đã vạch mặt được gần 20 sỹ quan KGB, GRU (Tổng cục tình báo quân đội – Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Xô Viết – nay là Nga), Bộ ngoại giao và nhiều bộ ngành khác của Liên Xô.

Còn về Robert Hanssen, thì anh ấy chủ động đề nghị làm việc cho Tình báo ta cũng trong năm đó (1985). Trong thời gian đang công tác và làm việc tại Tổ điệp báo của Tổng cục Một KGB tại Mỹ, tôi có nhận được một bức thư, trong đó một nhân viên FBI đề nghị hợp tác với Tình báo Xô Viết để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm.

Điệp viên ham làm từ thiện

Trong bức thư đó, Hanssen có thông báo về 3 điệp viên của CIA (tức công dân Liên Xô làm việc cho CIA) – tức 3 sỹ quan Tình báo Xô Viết – Đại tá Boris Iuzin, Thiếu tá Xergey Motorin và Trung tá Valeri Martynov. Ngoài ra, anh ấy còn gửi các tài liệu gốc về chi phí tài chính của CIA, NSA, Tình báo quân sự Mỹ, cũng như hoạt động của Tình báo vũ trụ Mỹ.

Trong những năm tiếp theo, chúng ta đã nhận được từ Hanssen một khối lượng lớn thông tin về hoạt động của các Cơ quan tình báo Mỹ chống Liên Xô.

Một trong những thông tin rất có giá trị, theo tôi, là thông tin về một đường ngầm mật dẫn tới Tòa đại sứ Xô Viết tại Washington và qua đường ngầm này các cơ quan đặc biệt Mỹ (các cơ quan đặc biệt – gồm tình báo, phản gián …) đã nghe trộm tất cả các căn phòng trong tòa nhà Đại sứ quán. Nói thêm, người Mỹ phải đã chi 1 tỷ đô la để xây dựng đường ngầm này.

Hanssen là một chuyên gia lớn trong lĩnh vực máy tính điện tử, vào năm 1983 anh được bổ nhiệm là Giám đốc Trung tâm phân tích hoạt động của KGB tại Mỹ và hoạt động chống Liên Xô của FBI, CIA và NSA (Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ).

Tổng cộng Robert Hanssen đã cung cấp cho KGB các tài liệu trong 27 đĩa mềm chứa một khối lượng rất lớn các thông tin cực kỳ quan trọng mà các Cơ quan đặc biệt Xô Viết (như đã nói ở trên – tình báo, phản gián…) quan tâm. Trong đó có các tin tức về trang bị của các vệ tinh gián điệp Mỹ, cũng như hoạt động của KGB nhằm tuyển mộ các công dân Xô Viết làm việc cho Tình báo Mỹ.

Khi chúng ta nói về những người như Robert Hanssen, thì rất khó nói về chỉ một động cơ duy nhất nào đó khiến ông ấy hợp tác với chúng ta – đây có thể là một tổ hợp rất nhiều các nguyên nhân.

Chỉ biết rằng khi còn trẻ ông ấy nổi tiếng là một con người chống Xô Viết, nhưng cũng cần phải thấy rằng những người dân Mỹ bình thường không quá gắn bó với một chủ nghĩa chống Xô Viết cực đoan, đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuyệt đại đa số người dân Mỹ lúc đó có thiện cảm với nước ta.

Cũng cần biết rằng, vào những năm 70 Hanssen đã có 6 năm cộng tác với GRU Bộ Tổng tham mưu Liên Xô. Tuy nhiên, các cuộc tiếp xúc bị cắt đứt do vợ ông ấy khi tình cờ biết được quan hệ của chồng với các cơ quan đặc biệt Liên Xô và đã kiên quyết phản đối.

– Có nghĩa là anh ta chủ động “ bỏ cuộc chơi?

– Đúng thế, Hanssen chủ động cắt đứt liên hệ với GRU. Nói thêm một chút, Robert là một con người không đơn giản chút nào. Đã có trường hợp anh ấy lấy số tiền nhận được từ GRU, khoảng 30.000 đôla để giúp đỡ các trẻ em vô gia cư thông qua Quỹ mẹ Tereza. Và còn nhiều việc làm từ thiện giúp đỡ nhiều người khác nữa.

Có thể động cơ thúc đẩy anh ấy hợp tác với Tổng cục Một (KGB) là do nhận thức rằng những hoạt động của FBI, CIA và NSA chống Liên Xô là không có cơ sở và thậm chí ở một chừng mực nào đó là không có tính người.

Tôi xin trích dẫn lại lời của cựu giám đốc Trung tâm các chiến dịch phản gián Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Major, người biết rất rõ Hanssen như sau: “Anh ấy (Hanssen) trước hết muốn chứng minh cho bản thân là có thể làm được điều gì đấy mà vẫn làm chủ được tình hình”.

–  Có thể tin tưởng những “người chủ động” đến mức nào – bởi vì người liên hệ với Đại sứ quán Liên Xô tại Washington, như chuyên viên mật mã John Walker chẳng hạn, cũng có thể là “cái bẫy” của FBI ?

–  Dĩ nhiên, đối với những người chủ động đề nghị hợp tác với những nhân viên các cơ quan đặc biệt, cần phải hết sức thận trọng, bởi vì họ có thể là cái bẫy và qua họ cơ quan tình báo đối phương có thể tiến hành các hoạt động khiêu khích. Khả năng phân biệt được người có thiện chí và kẻ khiêu khích phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng của cán bộ hoạt động.

Sỹ quan hoạt động khó có thể tin được những dự định tốt đẹp của “người thiện chí” (muốn cộng tác), nếu như người đó nói, ví dụ, muốn nhận tiền trước và chỉ sau đó mới cung cấp những thông tin cần thiết. Cách đặt vấn đề như vậy của một người tỏ ra muốn trở thành điệp viên chỉ có trong truyện viễn tưởng. Người muốn hợp tác với các cơ quan đặc biệt thì khi đến gặp đã có các thông tin cụ thể.

Nếu như nhắc lại vụ Hanssen, người đã thông báo cho Tổ điệp báo Tổng cục Một KGB tên tuổi 3 điệp viên CIA trong số những người đang phục vụ trong các cơ quan đặc biệt Liên Xô (chúng tôi cũng đã biết những người này làm việc cho CIA), thì chúng tôi ngay lập tức hiểu ra rằng, không thể từ chối hợp tác với anh ấy.

Cũng tương tự như vậy với John Walker, chuyên gia mật mã Hải quân Mỹ. Những thông tin của Walker được tình báo chúng ta rất quan tâm. Nếu tính tới tính cách của Boris Solomatin (Sỹ quan KGB), – người mà J. Walker đã tiếp xúc, và tính chuyên nghiệp của Solomatin, thì sẽ rất khó tin là chúng ta lại từ chối đề nghị hợp tác của một chuyên gia mật mã thượng thặng của Hải quân Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên, rủi ro trở thành nạn nhân của một trò chơi nghiệp vụ tình báo của đối phương là không thể loại trừ, nhưng bỏ lỡ cơ hội tiếp cận những thông tin mật cũng tuyệt đối không thể chấp nhận được.

Trở thành kẻ phản bội vì lời khuyên của vợ

– Có “những người chủ động” trong hàng ngũ chúng ta không?

Tướng GRU Poliakov cũng đã từng tự mình đề nghị hợp tác với Cơ quan tình báo Mỹ, vì hận lãnh đạo cấp trên đã không cho con trai bị ốm nặng của ông ấy sang New York điều trị, và khuyên đưa cậu ấy đến chữa bệnh tại Matxcova.

Con trai Poliakov chết, và để báo thù, vị tướng này đã trở thành một trong những điệp viên có giá nhất của CIA trong GRU. Vào đầu những năm 80 thế kỷ trước, CIA đã sở hữu một hàng ngũ đông đảo “những người chủ động”.

Sỹ quan hoạt động của GRU tại Bồ Đào Nga Smetanhin, sau khi “đã tư vấn với vợ” về khả năng kiếm tiền bằng việc hợp tác với Tình báo Mỹ, đã chủ động liên hệ với người Mỹ vì 1 triệu đô la.

Nhân viên Tổ điệp báo KGB tại Washington Martynov vào năm 1983 cũng quyết định “củng cố vị thế nghiệp vụ” với tư cách là một sỹ quan hoạt động của mình và đã thỏa thuận về “một sự hợp tác cùng có lợi” với FBI” – tay này được tình báo Mỹ “giúp tuyển mộ ” thành công một người Mỹ, để đổi lại Martynov đã trở thành “người cung cấp tin” tình nguyện cho FBI.

Bộ ba phản bội trong các cơ quan đặc biệt Xô Viết : Dmitri Poliakov , Valeri Martynov , Xergey Motorin . Ảnh : wikipedia.org
Bộ ba phản bội trong các cơ quan đặc biệt Xô Viết : Dmitri Poliakov , Valeri Martynov , Xergey Motorin . Ảnh : wikipedia.org

– Có nghĩa là dù sao thì đó cũng là “động cơ tiền bạc”? Có cảm giác là “những người chủ động” Mỹ ít quan tâm đến tiền bạc hơn….

Tôi muốn nhấn mạnh trường hợp nhân viên CIA (Aldrich) Ames – anh ấy đề nghị làm việc với tình báo Xô Viết hoàn toàn chỉ vì động cơ tư tưởng– Ames cho rằng CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ đã thổi phồng quy mô mối đe dọa từ phía Liên Xô, để đòi Quốc hội Mỹ tăng ngân sách chống lại nước ta.

Và chúng ta đã ngay lập tức tin anh ấy, như Solomatin đã tin chuyên viên mật mã Hải quân Mỹ J.Walker, người cũng đã từng đề nghị hợp tác với tình báo Xô Viết. Solomatin, người sau này lúc ở đỉnh cao sự nghiệp là Phó giám đốc Tình báo Xô Viết, là một sỹ quan tình báo – người tuyển mộ thực sự giỏi – ông không những đã không tin Walker một cách mù quáng, mà còn đánh giá đúng tiềm năng tình báo của anh ta và đã dám chấp nhận rủi ro khi đồng ý hợp tác với Walker.

Nhưng rất tiếc, có rất nhiều ví dụ về việc sỹ quan hoạt động, do sợ rủi ro ảnh hưởng đến con đường công danh của mình đã từ chối tiếp tục phát triển mối quan hệ với “những người chủ động”.

Năm 1978, đã có một bức thư đề nghị hợp tác của một nhân viên tình báo Mỹ được ném vào Sứ quán Liên Xô. Tổ trưởng điệp báo KGB tại Mỹ lúc đó cho rằng bức thư đó là hành động khiêu khích của Tình báo Mỹ nên giao nó cho cảnh sát (Mỹ). FBI sau khi nhận được bức thư nói trên đã tỏ ra thông minh hơn các nhân viên KGB nhiều.

Họ đã tổ chức một cuộc gặp của các nhân viên FBI dưới vỏ bọc là các sỹ quan KGB với tác giả bức thư này, và kết quả là một người chân thành muốn hợp tác với tình báo Xô Viết đã phải ngồi bóc lịch tại nhà tù Mỹ trong một khoảng thời gian khá dài.

Nhưng cũng phải nói thêm, những sai lầm như vậy, không chỉ riêng KGB mắc phải, mà cả CIA cũng vậy. Trong những năm 70, cũng có một bức thư tương tự như vậy (đề nghị hợp tác) đến được Đại sứ quán Mỹ tại Matxcova – người gửi là sỹ quan Phòng Mỹ Tổng cục Hai KGB Cherepanov.

Nhân viên Sứ quán Mỹ tại Matxcova đã copy bức thư này và chuyển cho KGB. Cherepanov bị bắt, và số phận anh ta bi thảm hơn nhiều so với số phận của nhân viên tình báo Mỹ từng đề nghị hợp tác với Tình báo Xô Viết năm 1978 như mới nói trên. Cherepanov đã bị xử bắn…

Nếu như mãi đến năm 2001 Hanssen mới bị các nhân viên phảngián Mỹ phát hiện, thế tại sao ông ấy không thông báo về Đại tá SVRPoteyev (người mới được đưa tin là đã chết như đã nói phần đầu), – kẻ đã làm việc cho tình báo Mỹ và sau này bỏ chạy sang Mỹ?

Từ lúc Hanssen và Ames – tức những người nắm được thông tin về các điệp viên của CIA trong các cơ quan đặc biệt Xô viết cộng tác với Tình báo Xô Viết đã có quá nhiều thời gian trôi qua. Năm 1986, Ames được CIA cử đi công tác ở Ý.

Hanssen được thăng chức tại FBI Mỹ, và, có thể, họ đã không còn cơ hội tiếp cận với những thông tin như vậy nữa. Theo những gì tôi được biết, trước khi Poteyev trốn sang sang nước ngoài, thì gia đình y đã sống ở Mỹ.

Vợ anh ta hình như làm công việc kinh doanh, còn chuyện Poteyev ra được nước ngoài, cũng cũng như cung cấp thông tin về 12 điệp viên Nga (đang hoạt động trên đất Mỹ) cho các cơ quan tình báo Mỹ, thì nguyên nhân của nó có thể, như chúng ta thường nói, là “một hành động chủ động”.

Nói về nguyên nhân của sự phản bội không có ý nghĩa gì, mặc dù, nếu xét từ những gì đã nói ở trên, SVR dĩ nhiên là đã có những sai sót rất nghiêm trọng. SVR đã để xảy ra những đổ vỡ của những điệp viên cực kỳ có giá trị của chúng ta như Hanssen và Ames.

Robert Hanssen đã thụ án trong nhà tù Mỹ được 15 năm .Ảnh: wikipedia.org
Robert Hanssen đã thụ án trong nhà tù Mỹ được 15 năm .Ảnh: wikipedia.org

“Chuột chũi vẫn chưa bị phát hiện ”

– Theo ông, ai là kẻ đã bán đứng một điệp viên cực giá trị như Aldrich Ames?

Ames bị FBI bắt tháng 2/1994. Báo chí đưa nhiều giả thuyết khác nhau về nguyên nhân anh ấy bị bắt do hoạt động gián điệp cho Liên Xô và sau đó là cho Nga. Báo chí viết là Ames đã sống một cuộc sống xa hoa, và không lâu trước bi bị bắt FBI đã phát hiện trong thùng rác của Ames một ghi chép nào đấy rất đáng ngờ và sau đó bám sát mọi hoạt động của Ames.

Cuối cùng, có vẻ như FBI đã có thể phát hiện anh ta là điệp viên của Nga và tổ chức kèm sát Ames. Một điều đáng chú ý là các nhân viên FBI, tuy đã phát hiện ra Ames nhưng đã không thể “bắt tận tay” được bất kỳ một mối liên lạc nghiệp vụ nào của anh ấy với các nhân viên Tình báo chúng ta. Thành thử, các nhân viên FBI đã gặp phải một số vấn đề phức tạp nào đấy.

Aldrich Ames – một trong những điệp viên giá trị nhất của Tình báo Xô Viết .Ảnh : Profusion Stock/vostock-photo
Aldrich Ames – một trong những điệp viên giá trị nhất của Tình báo Xô Viết .Ảnh : Profusion Stock/vostock-photo

Nhưng vào tháng 3/2015, mọi việc đã trở nên rõ ràng. Lúc đó tại Washington đã có một cuộc gặp giữa các phóng viên Nga với Cựu giám đốc Trung tâm các chiến dịch phản gián Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Major.

Khi nói về việc phát giác Ames vào năm 1994, ông này cho biết là FBI trong suốt 7 năm liền đã tìm mọi cách để truy ra điệp viên Nga trong các cơ quan tình báo Mỹ nhưng vô vọng.

Và mãi đến đến năm 1993, theo lời Major, Mỹ mới nhận được thông tin là Ames làm việc cho Nga từ một “chuột chũi“ trong SVR và số phận Ames lúc bấy giờ đã được định đoạt. Ai là “chuột chũi”, dĩ nhiên, Major không tiết lộ. Còn một thông tin gây sốc hơn nữa cho chúng ta qua vụ đổ vỡ của Hanssen.

Tháng 2/2001, anh ấy đã bị bắt tại Washington do làm việc cho SVR Nga. Trong thời gian xét xử Hanssen tòa đã đưa ra chứng cứ gồm tất cả các hồ sơ nghiệp vụ về Hanssen lưu trữ trong Cơ quan tình báo Xô Viết, và sau này là SVR Nga – bắt đầu từ chính bức thư anh ấy gửi cho tôi đề nghị hợp tác vào năm 1985 và kết thúc bằng bảng liệt kê các tài liệu mà Hanssen đã gửi cho chúng ta trong những năm cuối. Người Mỹ chỉ có thể nhận được các bản copy những tài liệu tuyệt mật như vậy từ những người được phép tiếp cận nó.

– Cái gì là quan trọng nhất khi tuyển mộ điệp viên? Dọa dẫm, mua chuộc ?

– Tôi nghĩ rằng, phương pháp làm việc của gần như tất cả các cơ quan đặc biệt trên thế giới là như nhau – cách thức hoạt động được xác định bởi mục tiêu nghiệp vụ và nhiệm vụ. Tôi không loại trừ là trong một số trường hợp có đe dọa.

Nói chung, những phương pháp như vậy không mang tính chất sống còn đối với việc tuyển mộ (điệp viên), nhất là khi làm việc với “những người chủ động”: bất kỳ một người nào đã đồng ý hợp tác với các cơ quan đặc biệt, thì ở đâu đó trong thâm tâm họ đã sẵn sàng cho một sự hợp tác như vậy. Hoặc là anh ta đồng ý trong những hoàn cảnh nhất định, hoặc là anh ta chủ động hợp tác.

Trong một số trường hợp này thì con người đó muốn trả thù cấp trên của mình vì đã không đánh giá đúng anh ta hoặc vì những lý do khác (như Poliakov).

Trong trường hợp thứ hai – muốn kiếm tiền nên làm việc cho tình báo nước ngoài, trong trường hợp thứ ba – muốn thông qua cơ quan đặc biệt nước ngoài để thăng tiến, trong trường hợp thứ tư, như đối với Đại tá Tổng cục một (KGB) Iurchenko chẳng hạn – người đã phản bội tổ quốc vì muốn tìm kiếm một cuộc sống mới ở Mỹ.

Vì thế mà Iurchnenko đã bán các điệp viên của chúng ta là Ronald Pelton và nhân viên Phòng Xô Viết CIA Edward Li Howard. Thực ra, cuộc sống của y tại Mỹ không được như ý và y đã quay về Liên Xô, nhưng đấy là một câu chuyện khác. Các sỹ quan tình báo Mỹ, cũng như chúng ta, thường gợi ý những món tiền rất lớn.

Nhưng, trong phần lớn các trường hợp, tôi xin nhắc lại một lần nữa, đối với những người có lòng tự trọng, họ sẽ không bao giờ và trong bất kỳ hoàn cảnh nào lại có thể phản bội. Họ thậm chí còn không cho phép cơ quan tình báo nước ngoài tạo cớ để tiếp xúc và tuyển mộ. Chỉ những người mà trong suy nghĩ đã một ý định phản bội nào đấy mới đồng ý (làm việc cho cơ quan tình báo nước ngoài).

Theo Lê Hùng

Đất Việt

Related Posts