Sau khi đề xuất của Bộ KH&ĐT về vay 300 triệu USD vốn ODA Trung Quốc thực hiện dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các nhà quản lý và dư luận, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị tiếp tục giao cho tỉnh này là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án Đường cao tốc Vân Đồn- Móng Cái.
Dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ kết nối với các tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn. (Ảnh minh họa: KT) |
Cơ sở cho đề nghị này của tỉnh Quảng Ninh là từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư tuyến cao tốc quan trọng này.
Hơn nữa, mặc dù ngày 26/1/2016, Bộ GTVT có Văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT thẩm quyền đầu tư và vận động vay vốn ODA Trung Quốc để thực hiện đầu tư, tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai.
Trong khi tuyến Vân Đồn- Móng Cái nếu thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA sẽ làm chậm tiến độ, mất tính kết nối đồng bộ, phát huy hiệu quả sau đầu tư của các tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn, thúc đẩy kinh tế vùng nói chung, của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Móng Cái nói riêng.
Trước khi UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản đề nghị Chỉnh phủ, vừa qua, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quảng Nghĩa cũng đã nêu ý kiến, cần thiết sớm hoàn thành đồng bộ tuyến cao tốc trên đã được quy hoạch. Bộ trưởng Nghĩa thống nhất với tỉnh Quảng Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Đầu tư theo hình thức hợp tác công tư sẽ khả thi?
Cho biết quan điểm của UBND tỉnh Quảng Ninh về dự án, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trả lời trên báo Vietnamnet rằng, trước đây, trong quan hệ Chính phủ 2 nước Việt Nam và Trung Quốc có đặt vấn đề vay 300 triệu USD cho cao tốc Vân Đồn – Móng Cái bằng nguồn vốn ưu đãi của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư con đường này dự kiến là 16.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 800 triệu USD. Như vậy, nếu có vay 300 triệu USD vốn ODA cũng không đủ để đầu tư. Ngoài ra, để vay 300 triệu USD này nếu phía Trung Quốc đưa ra các điều kiện về nhà thầu hay những điều kiện khác sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện dự án. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có khả năng làm con đường này.
“Hiện nay, một số nhà đầu tư trong nước đã quan tâm đến việc đầu tư con đường này. Các nhà đầu tư đã đến báo cáo và tỉnh đang xem xét. Các nhà đầu tư đưa ra phương án cho thấy con đường này hoàn toàn có thể huy động nguồn lực theo hình thức hợp tác công tư. Ngân sách chỉ cần bỏ ra một khoản vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng và một số việc khác. Còn nhà đầu tư sẽ đầu tư con đường 4 làn xe.
Từ bài toán kinh tế này, chúng tôi đang hoàn chỉnh phương án đầu tư dự án, khả năng huy động với tỷ lệ 70-30, tức nhà đầu tư bỏ ra 70% vốn, còn ngân sách bỏ ra 30%. Tính khả thi của dự án là rất cao”, ông Long cho biết.
Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái: Nguồn vốn vay Trung Quốc gặp nhiều phản ứng
Trước đó, trao đổi với VnExpress về đề xuất vay Trung Quốc gần 7.000 tỷ đồng thực hiện tuyến cao tốc Móng Cái – Vân Đồn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu Tư – ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cần xem xét, đàm phán lại để thay đổi điều kiện vay thuận lợi hơn, như mức lãi suất vay thấp hơn và bỏ chỉ định cho nhà thầu Trung Quốc…
“Trung Quốc họ thoả thuận cho Việt Nam vay nhưng nhiều nhà thầu song phương thường ra kèm các điều kiện ưu đãi, chỉ định thầu. Chính phủ đang đa dạng hoá tất cả các nguồn vay nhưng điều kiện vay thế nào, vay ai. Quyết định cuối cùng phụ thuộc vào từng dự án cụ thể, vay thế nào, sử dụng vốn ra sao… Tuy nhiên, đến nay mới chỉ mới có Trung Quốc đề xuất tham gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến
Trong khi đó, Bộ Tài chính cho rằng các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc đều có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc thiết bị Trung Quốc. Trong khi đó, đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp. Do đó, cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm tránh rủi ro trong quá trình xây dựng dự án.
Mới đây, trả lời về vấn đề đầu tư dự án Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT – ông Đào Quang Thu cũng cho rằng, Dự án Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là một dự án rất quan trọng, không những thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đối với tỉnh Quảng Ninh mà cho cả các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cũng như các tỉnh phía Bắc.
Do đó, quan điểm của Chính phủ là muốn tìm kiếm và thu xếp nguồn vốn để triển khai dự án. Mặc dù phía Trung Quốc quan tâm và bày tỏ ý định cho Việt Nam vay vốn thực hiện dự án này, tuy nhiên, về phía Bộ KH&ĐT nhận thấy, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được đàm phán, thảo luận thêm với phía Trung Quốc xung quanh dự án này như đàm phán về các điều kiện vay, lựa chọn nhà thầu, lãi suất và các điều kiện khác…
Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có chiều dài trên 91km, điểm đầu đấu nối với đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, điểm cuối giao với đường dẫn cầu Bắc Luân II (nối sang thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).
Dự án đi qua 5 địa phương của tỉnh Quảng Ninh gồm Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Thời gian hoàn thành là trước năm 2020./.