Tin tức tình hình Biển Đông mới nhất ngày 8/8
Theo New York Times ngày 8/8 cho biết:
Những ảnh chụp vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc dường như đã trắng trợn xây các nhà chứa kiên cố dành cho máy bay trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
ew York Times dẫn phân tích các ảnh chụp vệ tinh hồi cuối tháng 7 của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Washington, cho biết, các nhà chứa này được xây dựng trên Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc Trường Sa của Việt Nam.
Theo CSIS, trên mỗi Đá này, Trung Quốc sẽ sớm hoàn thiện khu nhà chứa đủ cho 24 máy bay chiến đấu cùng với 3 đến 4 máy bay cỡ lớn hơn.
Ảnh chụp vệ tinh ngày 22/7/2016 cho thấy hoạt động xây dựng trái phép nhà chứa máy bay của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn. (Ảnh: CSIS)
“Nhà chứa nhỏ nhất có thể chứa bất cứ loại máy bay chiến đấu nào của quân đội Trung Quốc, trong đó J-11 và Su-30. Loại thứ hai lớn hơn có thể chứa máy bay ném bom H-6 và máy bay tiếp liệu H-6U, máy bay vận tải U-8 và máy bay cảnh báo sớm KJ200. Nhà chứa lớn nhất có thể chứa các máy bay lớn nhất trong phi đội của Trung Quốc như Y-20, máy bay vận tải II-76, máy bay tiếp liệu II-78 và máy bay trinh sát KJ200”, ông Gregory Poling, giám đốc bộ phận sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS, cho biết.
Ảnh chụp vệ tinh ngày 24/7/2016 cho thấy hoạt động xây dựng nhà chứa máy bay trắng trợn của Trung Quốc ở Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: CSIS)
Các dấu hiệu cho thấy tất cả nhà chứa này đều được gia cố. “Chúng dày hơn bất cứ nhà chứa nào dùng cho mục đích dân sự. Chúng được gia cố để đủ sức chống chịu một cuộc tấn công”, ông Poling nói.
Tuy nhiên, ở thời điểm chụp ảnh vẫn chưa phát hiện bất cứ máy quan quân sự nào ở khu vực này.
Những hình ảnh trên được tiết lộ chỉ khoảng 1 tháng sau khi tòa trọng tài quốc tế ở La Hay (Hà Lan) ra phán quyết bác “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây được coi là một đòn pháp lí giáng mạnh vào tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Mỹ đã hối thúc Trung Quốc ngừng cải tạo và quân sự hóa trên Biển Đông đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra tự do hàng không hàng hải trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc đã trắng trợn xây 3 đường băng trên Biển Đông, trong đó có đường băng dài 3km đủ để một máy bay quân sự cất và hạ cánh, điều này làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh có thể biến khu vực này thành một tiền đồn quân sự nhằm phục vụ tham vọng bá quyền trên Biển Đông.
Báo Nga bình luận về kêu gọi chuẩn bị cho chiến tranh của Trung Quốc?
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. |
Tân Hoa Xã cho biết, mới đây, trong một chuyến công du tới thăm các căn cứ nằm tại khu vực ven biển của tỉnh Chiết Giang, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã đưa ra lời kêu gọi “công nhận sự nghiêm trọng của tình hình an ninh quốc gia, đặc biệt là mối đe dọa từ ngoài biển” và quân đội, cảnh sát, nhân dân “chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ” trong một cuộc “chiến tranh nhân dân trên biển”.
Theo tờ Tầm nhìn của Nga, rõ ràng tuyên bố trên của ông Thường Vạn Toàn nhằm vào Biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, và Biển Đông với các nước Đông Nam Á.
Svpressa dẫn lời Alexei Maslov, người đứng đầu Trường Phương Đông thuộc Đại học Kinh tế Nga cho rằng tuyên bố của Bộ trưởng Thượng Vạn Toàn chỉ là một lời đe dọa, trong đó Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh quân sự và khả năng răn đe của mình sau khi đã khẳng định được sức mạnh kinh tế.
Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc không leo thang căng thẳng ở Hoa Đông
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 7/8, Nhật Bản khẳng định sẽ phản ứng kiên quyết với việc tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vào khu vực mà Tokyo cho là lãnh hải của mình ở gần quần đảo tranh chấp với Trung Quốc Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết tổng cộng 14 tàu của chính phủ Trung Quốc đã xâm nhập vào “vùng biển tiếp giáp” quần đảo tranh chấp Nhật Bản gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, một động thái được Tokyo xem là “vi phạm lãnh hải” nước này trong những ngày gần đây.
Ông Suga khẳng định Tokyo sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc không leo thang tranh chấp ở biển Hoa Đông, đồng thời duy trì các biện pháp phản đối một cách kiên quyết và bình tĩnh.
Trung Quốc ‘tự bắn vào chân’ khi bỏ qua phán quyết về Biển Đông
(Ảnh minh họa) |
Trên trang tin quốc phòng Ấn Độ IDN, tác giả Udit Dobhal, nhà nghiên cứu về các vấn đề quốc phòng cho rằng Trung Quốc đã “tự bắn vào chân” khi bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA về Biển Đông.
Theo tác giả bài viết, thái độ phủ nhận phán quyết PCA của Trung Quốc không chỉ chọc tức các quốc gia láng giềng ở Biển Đông mà còn đối phó với toàn thế giới. Những quốc gia bắt đầu coi việc Trung Quốc phát triển sức mạnh quân sự là mối đe dọa cho thế giới.
Bài viết nhấn mạnh rằng dù sức mạnh quân đội của Trung Quốc có lớn đến đâu cũng không thể chống lại quân đội của 8 nước và trong khi không có sự hỗ trợ đáng kể từ các nước bạn bè khác.
Tàu khu trục Mỹ lần đầu thăm Trung Quốc sau phán quyết PCA
Tàu hải quân Mỹ. (Ảnh: Getty Images) |
Hãng tin AP cho biết, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Benfold của Hải quân Mỹ đang tới thăm Trung Quốc lần đầu kể từ khi Bắc Kinh phản đối phán quyết của PCA bác bỏ những yêu sách phi lý của nước này trên Biển Đông.
Sáng 8/8, chiếc tàu đã neo đậu ở Thanh Đảo, là nơi đóng quân của hạm đội phương Bắc của Trung Quốc.
Sĩ quan hải quân Just L. Harts cho biết chuyến thăm nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ với Hải quân Trung Quốc, nhưng ông cũng đề cập đến những câu hỏi về căng thẳng ở Biển Đông đối với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii.
Đô đốc Scott Swift, sĩ quan hải quân hàng đầu của Mỹ ở châu Á, dự kiến sẽ có cuộc gặp với truyền thông ngày 9/8.
Hà Huy (Tổng hợp)