Ván cờ Biển Đông: Việt Nam tựa “hổ thêm cánh” nhờ Ấn Độ
Ấn Độ được cho là sẽ bán cho Việt Nam loại tên lửa chống hạm Brashmos. Tên lửa này có tầm bắn tối đa 290 km, tốc độ gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh và có thể “hạ gục” một tàu sân bay chỉ trong một phát bắn. Ngoài cung cấp tàu tuần tra, Ấn Độ còn giúp Việt Nam đào tạo 500 thủy thủ tàu ngầm, phi công Su-30.
An ninh quốc phòng có thể được xem là lĩnh vực hợp tác đáng chú ý nhất giữa Việt Nam và Ấn Độ trong vòng hai năm trở lại đây. Mối bang giao truyền thống giữa hai nước giúp tạo lập nền tảng vững chắc cho các bước tiến quan hệ gần đây. Sự trỗi dậy mạnh mẽ nhưng cứng rắn của Trung Quốc mới chính là chất xúc tác khiến hai nước đẩy mạnh các trao đổi về quốc phòng.
Tiềm năng hợp tác quốc phòng rộng mở
Chuyến thăm Việt Nam vào tháng 6 vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong việc đẩy mạnh mua bán các sản phẩm quốc phòng giữa hai bên.
Đầu tiên là thông tin về khả năng Ấn Độ sẽ bán cho Việt Nam loại tên lửa chống được đánh giá là nguy hiểm nhất hiện nay: Brahmos. Một sản phẩm liên doanh giữa Nga và Ấn Độ, tên lửa này có tầm bắn tối đa 290 km, tốc độ gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh và có thể “hạ gục” một tàu sân bay chỉ trong một phát bắn do rất khó đánh chặn.
Brahmos cùng các loại tên lửa đối hạm khác trong kho vũ khí của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bất đối xứng. Trong đó, nếu được sử dụng đúng cách thì một tên lửa đối hạm (giá của Brahmos vào khoảng 2,5 triệu USD) có khả năng đánh chìm một tàu khu trục hay thậm chí một tàu sân bay có giá trị gấp hàng chục lần.
Hai dự án khác cũng lộ diện sau chuyến thăm của Bộ trưởng Parrikar. Thứ nhất là dự án trị giá 200 triệu rupee mà Ấn Độ giúp Việt Nam nâng cấp 2 trong số 5 tàu Petya. Petya là lớp tàu hộ tống chống ngầm hạng nhẹ được Liên Xô chế tạo trong thập niên 1960 và chuyển giao cho Việt Nam cuối những năm 1970 (2 tàu Petya III) đầu những năm 1980 (3 tàu Petya II). Cho tới hiện tại, đây là những tàu chiến chống ngầm duy nhất của hải quân Việt Nam.
Tác chiến chống ngầm là một trong những cấu phần quan trọng trong tác chiến hải quân. Hiện tại, khả năng chống ngầm của Việt Nam còn tương đối hạn chế. Dự án nâng cấp sẽ giúp gia tăng đáng kể sức chiến đấu của các tàu Petya hiện tại, cùng với hai tàu Gepard có khả năng chống ngầm sắp được biên chế trong tương lai. Thông tin cho rằng các tàu Petya sẽ được lắp hệ thống sonar mới, hệ thống điều khiển hỏa lực mới, thay thế ống phóng ngư lôi và các rocket chống ngầm mới.
Ngoài ra, cả hai bên cũng đã thảo luận thêm về khả năng Việt Nam mua loại ngư lôi chống ngầm mới mang tên “Varunastra” của Ấn Độ. Đây là loại vũ khí do Ấn Độ tự nghiên cứu phát triển và mới được thử nghiệm gần đây. Ngư lôi có thể tiêu diệt các tàu ngầm ở trạng thái tĩnh và hoạt động tốt ở cả môi trường nước nông và nước sâu hay môi trường biển động. Nếu dự án này thành hiện thực, hải quân Việt Nam sẽ có thêm lựa chọn vũ khí cho tàu ngầm Kilo cũng như cho các tàu chiến khác trong tương lai.
Hợp tác quốc phòng Việt- Ấn thực chất được đẩy mạnh từ năm 2014 trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới New Delhi. Khi đó, lãnh đạo của cả hai bên tuyên bố sẽ tăng cường mối quan hệ quốc phòng thông qua đối thoại an ninh song phương, đẩy mạnh hợp tác giữa các quân binh chủng, đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng năng lực tác chiến và các hoạt động nhân đạo thông qua diễn đàn ADMM+. Ngoài ra, hai bên còn ký một bản ghi nhớ về việc Ấn Độ cung cấp khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD liên quan tới mua bán trang thiết bị quốc phòng, mà cụ thể là việc Việt Nam sẽ mua các tàu tuần tra xa bờ của Ấn Độ.
Cũng trong năm 2014, Ấn Độ cũng đã hợp tác giúp Việt Nam đào tạo phi công máy bay Su-30. Năm 2013, New Delhi nhận đào tạo 500 thuỷ thủ tàu ngầm Việt Nam thực tập trên các tàu Kilo của Ấn Độ.
Việt Nam: Lựa chọn không thể tốt hơn
Trên thực thế, mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Ấn Độ được đánh giá là mối quan hệ toàn diện và có lịch sử lâu dài. Trong suốt những năm tháng chiến tranh, Ấn Độ đã giúp đỡ và ủng hộ Việt Nam về mặt ngoại giao với tinh thần đoàn kết quốc tế đặc trưng của nền ngoại giao Ấn Độ.
Lịch sử đó khiến cho quan hệ Việt-Ấn hiện tại vận hành dựa trên niềm tin rất lớn mà hai bên dành cho nhau. Trong chính sách hành động hướng Đông của mình, Ấn Độ đã nhấn mạnh rằng Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất. Không chỉ trên lĩnh vực kinh thế hay thương mại, an ninh quốc phòng trong thời gian gần đây nổi lên là lĩnh vực có tốc độ phát triển hợp tác nhanh chóng giữa hai bên.
Chất xúc tác chính cho mối quan hệ đang ngày càng khăng khít này chính là Trung Quốc. Hay nói chính xác hơn là sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường an ninh của cả Ấn Độ và Việt Nam.
Trung Quốc và Ấn Độ trên thực tế không phải là láng giềng thân thiện. Xung đột biên giới giữa hai nước vẫn còn âm ỉ, thậm chí chiến tranh đã bùng nổ vào năm 1962. Trong cuộc chiến này, Trung Quốc đã chiếm đóng vùng Aksai Chin vốn thuộc bang Jammu Kashmir của Ấn Độ. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi còn do việc Ấn Độ tiếp nhận những người Tây Tạng lưu vong (chính quyền Tây Tạng lưu vong hiện tại đặt trụ sở tại Dharamsala).
Thêm vào đó, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh xâm nhập vào khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương, vùng ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ, thông qua các dự án cảng biển và cơ sở hạ tầng tại Sri Lanka hay Pakistan. Do vậy, bản thân New Dehli cũng mong muốn tìm kiếm cho mình một đối tác, vừa có đủ năng lực và vừa đủ tin cậy, để giúp Ấn Độ hiện diện mạnh mẽ hơn tại Đông Nam Á như một đối trọng cần thiết. Việt Nam được xem là sự lựa chọn không thể tốt hơn.
Đối với Việt Nam, Ấn Độ là một trong những đối tác truyền thống đáng tin cậy, đặc biệt về mặt ngoại giao và quốc phòng. Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Ấn Độ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, trong bối cảnh Mỹ vừa dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận buôn bán vũ khí.
Thứ nhất, Ấn Độ là một trong những thị trường vũ khí lớn nhất thế giới. New Delhi cũng sở hữu một nền công nghiệp quốc phòng tương đối phát triển. Hợp tác mua bán vũ khí với Ấn Độ trước hết sẽ giúp Việt Nam đa dạng hoá danh mục nhập khẩu vũ khí, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Nga. Yếu tố này cũng quan trọng khi khác với Nga, Ấn Độ không buôn bán vũ khí với Trung Quốc.
Thứ hai, Ấn Độ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành và tích hợp các hệ thống vũ khí có nguồn gốc khác nhau. Đây là điểm mà Việt Nam có thể học hỏi khi trong tương lai quân đội sẽ đẩy mạnh mua sắm vũ khí từ các nguồn khác ngoài vũ khí Nga.
Thứ ba, hợp tác quốc phòng sâu rộng với Ấn Độ sẽ có thể giúp Việt Nam tiếp cận với các loại công nghệ quốc phòng mới nhưng vừa túi tiền. Các chương trình phát triển vũ khí của Ấn Độ rất đa dạng, khi nước này hợp tác với cả Nga, Mỹ, Pháp, Israel…trong nhiều dự án phát triển chung.
* Tác giả Nguyễn Thế Phương là Nghiên cứu viên cộng tác thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM.