Không có thủy điện Hố Hô, không ảnh hưởng ngành điện
– Hố Hô là nhà máy rất nhỏ, có hay không có thì hệ thống điện không bị ảnh hưởng, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nói.
Xem lại quy trình
Làm việc với tổ điều tra cùng chủ đầu tư sáng nay, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, Hố Hô là nhà máy rất nhỏ, chỉ 14MW, không có khả năng cắt lũ, có hay không có thì hệ thống điện Việt Nam không bị ảnh hưởng.
Nhưng nếu Hố Hô vận hành không tốt, ảnh hưởng mấy chục nghìn hộ dân hạ du thì là vấn đề rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng: Mọi quy trình đều hướng tới đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân |
“Cần làm rõ, nếu đúng quy trình mà vẫn bất lợi cho hạ du thì phải rà soát lại quy trình. Mục tiêu là điều hành thủy điện, đảm bảo an toàn công trình, phát điện nhưng phải giảm thiểu tác hại của xả lũ đến đời sống người dân”, ông Vượng nói.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Đỗ Đức Quân báo cáo, từ chiều đến đêm 14, lũ lên nhanh đột ngột. Theo dõi báo cáo lưu lượng đến của phía đập tràn, thì trong 5 tiếng lũ tăng 4 lần, từ 550 lên 1.843 m3/s.
“Lũ lên rất nhanh, nguyên tắc vận hành là xả ít hơn lũ đến, do tình huống bất ngờ, bên phải đập sạt lở, nguy cơ phá vỡ tường chắn, tràn đến trạm biến áp. Lúc đó nếu mất điện toàn bộ nhà máy thì nguy cơ không mở được cửa van nữa.
Giai đoạn đó chưa được phép mở nhưng nhà máy quyết định mở. Chúng tôi cho rằng quyết định đó là phù hợp. Nếu không mở, không biết lũ lên bao lâu nữa, mất điện mà khối trượt đổ xuống thì còn nguy hiểm hơn”, ông Quân nói.
Đại diện tổ công tác nói thêm, công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn trước mùa mưa lũ làm chưa chi tiết. Năm 2010 đã xảy ra vấn đề xả lũ sạt lở, nhưng năm nay vẫn còn sót, dẫn đến việc rơi vào tình huống đặc biệt. Công tác dự báo phòng chống lụt bão chưa được chu đáo.
Ông Lưu Đình Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nêu ý kiến, nhà máy đã cấp tiền cho 47 thôn để mua kẻng nhưng không kiểm tra xã, thôn đã mua kẻng chưa.
“Trong ngày 10/10 và 12/10, có công văn báo cáo tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, nhưng văn bản báo cáo nặng về vận hành hơn là cảnh báo nguy cơ lũ lụt”, ông Phúc nói.
An toàn tính mạng, tài sản dân hàng đầu
Thứ trưởng Vượng cho biết, sáng nay khi thăm dân, họ nói lũ về quá nhanh. Nhận tin nhà máy thủy điện xả lũ thì 30 phút sau lũ về đến nhà rồi. Thời gian ngắn như vậy người dân không kịp đi đến chỗ an toàn, phải leo lên gác nhà.
Để có giải pháp lâu dài, hạn chế tối đa thiệt hại, bảo vệ tốt nhất tính mạng tài sản người dân, Bộ đã thành lập ngay tổ công tác, rà soát, đánh giá việc tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, nêu rõ việc vận hành hồ chứa thủy điện Hố Hô có vi phạm quy trình hay không.
Cho dù dung tích hữu ích nhà máy nhỏ, nhưng lúc mưa lũ lớn thế mà không vận hành đúng quy trình gây hại cho hạ du thì nhà máy phải chịu trách nhiệm
Trường hợp đã tuân thủ các quy trình vận hành hồ chứa mà hậu quả vẫn xảy ra thì cần xem lại quy trình, có chỗ nào chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên của Hương Khê thì cần xem lại.
Qua báo cáo sơ bộ, nhà máy cũng có những khiếm khuyết nhất định trong vận hành.
“Trước khi vào mùa mưa bão thì phải kiểm tra độ an toàn của nhà máy, xác định được rủi ro”, ông Vượng nói thêm.
Theo Thứ trưởng, khu vực miền Trung, sông ngòi có độ dốc lớn, nước về nhanh, vừa thông báo xả hồ Hố Hô thì 15-30 phút sau nước đã về đến nhà. Người dân không có thời gian di dời tài sản đến chỗ an toàn. Phải xây dựng phương án di dời dân trong trường hợp lũ bão. Bộ đã yêu cầu các nhà máy thủy điện, đặc biệt nhà máy lớn có ngay phương án đó.
“Mọi quy trình đưa ra đều phải hướng tới đảm bảo tính mạng, tài sản người dân”, Thứ trưởng nói thêm.
Theo Vietnam Net