Người phát ngôn Chính phủ: 471 dự án thủy điện đã bị loại bỏ

Khẳng định quan điểm của Chính phủ là tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát toàn diện về quản lý và vận hành các hồ chứa thủy điện trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, đến nay đã loại bỏ được 471 dự án thủy điện không hiệu quả, có tác động lớn đến môi trường.

Trận mưa lũ lịch sử vừa qua ở miền Trung đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhà máy thủy điện Hố Hôxả lũ không báo trước là nguyên nhân khiến người dân nhiều xã ở Hương Khê (Hà Tĩnh) bị động, thiệt hại lớn.

Từ vụ việc trên cũng cho thấy các bất cập trong quản lý và vận hành hệ thống thủy điện ở Việt Nam.


Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Ảnh: VGP)

Trả lời câu hỏi báo chí liên quan đến vấn đề này, chiều nay (29/10), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, vấn đề xả lũ của thủy điện Hố Hô vừa qua đã có phản ánh của chính quyền và nhân dân địa phương.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện trong đợt mưa lũ vừa qua (trong đó có việc xả lũ của thủy điện Hố Hô) để chấn chỉnh kịp thời các sai phạm và xử lý trách nhiệm (nếu có).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương cũng đã có đoàn kiểm tra làm việc trực tiếp tại nhà máy cùng với các cơ quan chức năng tại địa phương để có kết luạn cụ thể, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nếu có thiếu sót, sai phạm.

“Quan điểm của Chính phủ là tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát toàn diện về quản lý và vận hành các hồ chứa thủy điện trên phạm vi cả nước trong điều kiện biến độ khí hậu hiện nay”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng cho biết, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tăng cường giám sát vận hành các hồ chứa nước (xả lũ, cấp nước trong mùa kiệt), thực hiện theo đúng quy trình, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước, bảo đảm an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân vùng hạ du.

Theo thông tin từ người phát ngôn Chính phủ, nước ta có tiềm năng thủy điện khá lớn, có thể khai thác được khoảng 25.000 MW công suất và điện năng khoảng 100 tỷ kWh/năm. Đây là nguồn tài nguyên quốc gia quý giá, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác hợp lý góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Chính phủ đã nghiêm túc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 62 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Theo đó, đến nay đã loại bỏ được 471 dự án thủy điện không hiệu quả, có tác động lớn đến môi trường (trong đó có 8 dự án lớn và 463 dự án nhỏ). “Các dự án thủy điện được triển khai đầu tư xây dựng, quản lý vận hành cơ bản bảo đảm an toàn và hiệu quả”, theo ông Mai Tiến Dũng.

Bích Diệp ( theo Dân Trí ) 

Related Posts