Tiệc ma túy của dân chơi với ‘bánh lười’: Ăn bánh để… cười
Việc công an phát hiện ‘bữa tiệc ma túy’ trong khách sạn ở Q.3 (TP.HCM) với hơn 70 người từ 17 – 25 tuổi đang tụ tập “đập đá, hút cỏ” (sử dụng các chất ma túy – PV) khiến nhiều người lớn, đặc biệt là các phụ huynh phải giật mình lo lắng.
Sự biến tướng của ‘cỏ’, một chất kích thích cấm là vô vàn. Bánh Lazy Cakes – một loại bánh ngọt có tẩm cần sa đang được nhiều homies (cách xưng hô phổ biến trong giới chơi cần, có nghĩa như là đồng đội) tìm đến. Mỗi bánh Lazy Cakes khoảng 200 gam, được đóng gói trong bao bì màu tím khá bắt mắt.
Biến tướng
Cốt bánh mềm, trộn lẫn bên trong là các loại hạt và trái cây khô. Bánh có màu nâu đen, khi ăn thấy vị ngọt thanh và thơm mùi socola, cacao. Giá bán dao động từ 200 đến 300 ngàn đồng/chiếc.
“Khoảng 20 phút sau khi ăn, chất kích thích trong cây cần sa sẽ ngấm qua máu vào người, tạo cảm giác dễ chịu, đầu óc được giải phóng. Người sử dụng bánh này sẽ nhanh thấy buồn ngủ, thích nằm một chỗ và cười”, Nguyễn Linh P. (SV Đại học H.), người từng ăn bánh Lazy Cakes, cho biết.
Trên thực tế, loại bánh ngọt “độc địa” này đã du nhập vào Việt Nam cách đây khoảng 4 năm. Bên cạnh đó, hoạt chất THC có trong tinh dầu cần sa, khiến người sử dụng cảm thấy “phê”, chỉ muốn ngồi một chỗ…và cười. Từ đó, nhiều người gọi Lazy Cakes với cái tên khác là “bánh lười”.
Tại Anh, Mỹ, “bánh lười” chỉ được bán cho những người trên 18 tuổi và kèm theo cảnh báo có thể suy hô hấp tạm thời, khiến cho người dùng lâm vào trạng thái mê man.
Ngô Hoàng L. (SV năm 3) lý giải: “Phản ứng của cơ thể của mỗi người đối với cần sa là khác nhau. Trường hợp dễ thấy nhất là đau bụng, đầu óc lâng lâng. Còn biểu hiện phổ biến nhất khi ăn lazy cakes là thấy mọi thứ xung quanh diễn ra rất chậm. Lúc đó chỉ muốn ngồi yên, nhắm mắt lại và trong đầu sẽ hiện ra hình ảnh về những thứ mình hay bận tâm. Nghĩ về những điều chưa thực hiện được và mong muốn nó xảy ra theo ý mình như thế nào. Cần sa cũng như một dạng giải tỏa cảm xúc, giảm bớt căng thẳng thôi”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được một số tài khoản chuyên buôn bán cần sa ở địa bàn TP. HCM nói riêng, và trên phạm vi cả nước nói chung, như: Cam Cần, Pin Tổng Việt, Lê Thị Phê, Cần Là Có, Trà Tiên Giảm Cân, Bánh Ngọt Niềm Vui… Tất cả những tài khoản này đều có một điểm chung là cách đặt tên dạng “chơi chữ”.
Hoặc sử dụng những tên gọi khác của cần sa và tác dụng của loại “ma túy” này như “phê”, “giảm cân”, “cảm thấy vui vẻ”… Phương thức đặt tên này giúp đối tượng bán cần qua mặt các cơ quan chức năng.
“Tình hình “căng” quá, tụi kia không nhập hàng về nhiều như trước được. Bây giờ muốn bán thì phải chơi chiêu. Mày cho hàng vào túi đựng trà hay thuốc giảm cân gì đó, lên mạng cứ rao bán bình thường. Anh giới thiệu mối cho mà bán. Còn nếu sợ, thì mày làm bánh bán đi. Anh có quen một thằng, nó chế được công thức làm “bánh lười” luôn. Nó làm bánh quy rồi socola, đủ trò hết. Hàng nhập không có, nó lại có mới hay”, anh H., một dân chơi cần chuyên nghiệp cho biết.
Được sự giới thiệu của anh H., chúng tôi liên lạc với người tên Nam Cần, qua số điện thoại 012289xxxxx. Được biết, trước đây Nam Cần là chủ trang Cần Văn Cỏ – một tài khoản sở hữu lượng lớn người mua bán, giao dịch cần sa và cỏ Mỹ tại TP. HCM.
Sau khi bị cơ quan chức năng để ý và khóa tài khoản cá nhân, Nam đã lập rất nhiều facebook với những cái tên khác nhau như: Vũ Ngô (Cần Văn Cỏ), Thanh Niên Chuyên Cần, Nam Cần…để tiếp tục kinh doanh cần sa.
Khi đặt vấn đề về việc muốn mua số lượng lớn socola và bánh ngọt để về bán lẻ lại. Người này trả lời, khách muốn mua bao nhiêu cũng có thể đáp ứng được. Ngoài ra, còn giới thiệu thêm: “Lẻ thì 200.000/bánh, mua 5 cái anh tặng 1 cái làm quen. Còn nếu em đặt từ 100 bánh trở lên, anh sẽ tính giá rẻ, 120.000/bánh thôi. Muốn thì anh sẽ chia đôi ra làm cho em 2 loại với liều lượng khác nhau. Liều nhẹ em bán cho người mới chơi, nặng đô chút thì cho homies trong giới. Không “phê” không lấy tiền”.
Ăn ‘bánh’ công khai
Như đã hẹn trước đó với lý do muốn trực tiếp gặp để kiểm tra chất lượng hàng. Đúng 20 giờ, chúng tôi có mặt tại một quán bia trong con hẻm nhỏ, trên đường Trần Quang Khải (quận 1). Nơi vốn được nhiều dân chơi cần chuyên nghiệp chọn làm điểm tụ tập. Càng về khuya, khách đến quán càng đông dần.
Phần vì không gian quán nhỏ, phần khác do không có nhân viên. Và hầu hết đều là khách quen nên mọi người đều vui vẻ, tự phục vụ bia và “bánh” cho mình. Trong tiếng nhạc xập xình và ánh đèn vàng mờ ảo, các “dân chơi” bắt đầu lấy “đồ nghề” ra…và “chill tới bến” (từ lóng dùng trong giới chơi cần, ý nói cảm giác thư giản, thoải mái).
Theo lời Nam, hiện tại loại bánh để bán cho khách tạm hết hàng, chỉ còn loại làm riêng cho nhà dùng: “Loại này anh cho liều lượng khá nhiều (ý là cần sa), nếu muốn ăn thử thì cắt nửa ra thôi. Chứ ăn nguyên miếng vậy “gãy ngay”.
Nói đoạn, Nam đứng dậy mở tủ lạnh lấy ra 1 hộp giấy màu xanh, bên trong là nửa ổ bánh, nhìn thoáng qua gần giống bánh bông lan socola. Sau đó, đi thẳng vào bếp lấy dao cắt bánh thành nhiều miếng nhỏ cỡ nắp chai nước, mời tất cả khách trong quán cùng ăn. “Mọi người cứ ăn thoải mái, mỗi người 1 miếng cho vui. Ăn xong muốn ăn thêm thì anh mới tính tiền”, Nam nói.
Để chúng tôi khỏi thắc mắc về hành động tự nhiên của Nam, anh H. giải thích: “Ở đây toàn anh em chơi với nhau lâu rồi. Tụi nó thoải mái vậy đó. Còn mấy đứa ngồi bàn trong góc kia là khách ruột, đêm nào tụi nó cũng ghé”.
Quan sát số người ngồi ở bàn trong góc, thấy cô bạn nhìn bề ngoài khá hiền, có vẻ như lần đầu tiên đến đây. Sau khi thử miếng bánh được mời được khoảng 10 phút, cô bạn kia có biểu hiện chóng mặt và buồn ngủ. Thấy vậy, Nam đứng dậy pha 1 ly nước chanh, rồi nói lớn: “Ê, mày đưa cho nó uống hết ly này. Nếu còn mệt thì thêm ly nữa, pha loãng thôi”.
Chúng tôi nhanh tay đón ly nước chanh từ Nam, đưa sang cho cô bạn kia, rồi tìm cách bắt chuyện. Được biết, cô bạn này tên Thủy T. (SV năm 2 ĐH B). Đây là lần đầu ăn thử bánh cần sa nên T. có vẻ chưa thích ứng ngay được. Sau khi uống hết ly nước chanh, cô bạn nói muốn ói ra nhưng không thể, rồi nhắm mắt ngã sang một bên.
B. (bạn trai T.) lúc này khá hoảng, quay sang nhìn Nam như muốn cầu cứu. Lúc này, Nam chỉ cười lớn, nói: “Mày ẵm nó lên gác đi, nó ngủ rồi, chưa quen nên vậy thôi. Bình thương, không phải xoắn. Ngủ giấc dậy khỏe re à”.
Nhóm 5 người, trừ T. đang mệt thì chỉ có 2 người khá tỉnh táo là B. và V. (ngụ quận 5, TP.HCM). Còn 2 người còn lại, sau khi ăn bánh lại tiếp tục hỏi còn không. Nam cắt thêm 2 miếng có kích thước lớn hơn miếng mời lúc đầu một chút và nhanh chóng thu về 400.000 đồng.
Theo lời những người có mặt trong quán lúc đó, thì “cần chứ đâu phải cỏ lúa, bán bánh vậy thì mai mốt nó có tiền mua nhà Sài Gòn ở rồi”.
“Nhạc thì dồn dập, tụi anh chỉ khoái nghe rock. Thêm cái đèn quán anh bị hư nên nó tạo hiệu ứng mờ ảo vãi ra. “Quất ngay hàng” của thằng này thì “phê” tới đỉnh rồi. Ngồi chút có chuyện vui xem”, anh H nói.
Sau khoảng 20 phút ăn miếng bánh mới mua được, 2 cậu bạn ngồi tựa lưng vào tường, ánh mắt lờ đờ nhìn lên trần nhà. Một người cứ lắc lư theo nhạc, người còn lại lâu lâu rít hơi thuốc. Song, cả hai đều có biểu hiện cười liên tục, không khép miệng lại được. Và dường như không hề biết đến sự cố của cô bạn đi cùng, cũng như không quan tâm đến sự tồn tại của mọi người trong quán.
“Trong làm ăn, anh rất quan trọng chữ tín. Hàng anh bán ở đây, đảm bảo 100% về chất lượng và giá cả luôn. Muốn Cam, Xoài, Xiêm, Thái…hay gì cũng ok hết. Em đăng lên mạng toàn hình bánh kẹo thì đố đứa nào biết em buôn cần. Cứ yên tâm”, Nam tự tin nói.
Về cách thức đặt mua và nhận hàng, Nam cho biết, đối với khách tỉnh thì toàn bộ quá trình giao dịch đều thực hiện qua điện thoại, email, facebook. Khách muốn mua hàng phải chủ động liên hệ với Nam để nhận bảng báo giá.
Nam nói thêm: “Ok thì chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho anh, nhận được tiền anh gửi hàng nhanh trong ngày. Cái này là đối với khách ở tỉnh, còn ở Sài Gòn thì ship tới nơi anh mới lấy tiền. Tuyệt đối là không “gãy” trên đường vận chuyển nha”.
Sau một hồi bàn bạc, chúng tôi ngỏ ý muốn mua lại công thức làm “bánh ngọt” của Nam. Người này cho biết, công thức cũng đơn giản thôi và sẵn sàng chia sẻ. Quan trọng là nguồn nguyên liệu “chủ chốt” để làm bánh phải là hàng loại 1.