Hillary chuyển bại thành thắng, chuyện không tưởng?

Theo số liệu tới ngày 23/11, bà Hillary Clinton có được nhiều hơn ông Donald Trump tới hơn 2 triệu phiếu phổ thông.

Cụ thể, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ giành được 64.223.958 phiếu, trong khi Tổng thống đắc cử Donald Trump giành được 62.206.395 phiếu. Con số chênh lệch giữa hai người hiện đã lên mức 2.017.563 phiếu.

Đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng và độ chênh có thể còn cao hơn nữa, vì nhiều phiếu chưa được kiểm ở những nơi bà Hillary chiến thắng, đặc biệt là ở bang California, bang lớn nhất của Mỹ nằm ven bờ Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, cho dù bà Hillary có giành được nhiều hơn ông Trump bao nhiêu phiếu phổ thông đi nữa, thì người chiến thắng trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ vẫn là ông Donald Trump, bởi ông được hơn 270 phiếu đại cử tri.

Theo luật pháp Mỹ, tổng thống được quyết định bởi số phiếu đại cử tri, không tính số phiếu phổ thông. Mỗi bang có số đại cử tri nhất định hợp thành Cử tri đoàn dựa trên quy mô dân số của bang đó. Mỹ có tổng cộng 538 đại cử tri.

Và như vậy, bà Hillary ứng viên tổng thống đầu tiên từ năm 2000 thua cuộc dù thắng số phiếu phổ thông. Năm 2000, ứng viên đảng Dân chủ Al Gore cũng thua theo cách tương tự trước đối thủ từ đảng Cộng hòa George W. Bush.

Clinton cũng là ứng viên tổng thống thứ 5 trong lịch sử Mỹ không chiến thắng tranh cử khi có số phiếu phổ thông nhiều hơn đối thủ.

Hồi năm 2012, ông Trump từng đưa ra lời chỉ trích nhằm vào hệ thống cử tri đoàn khi Tổng thống Barack Obama tái đắc cử. Khi đó, ông Trump so sánh hệ thống bầu cử với thảm họa của nền dân chủ và là “sự bất công ghê tởm”.

Sau kết quả bầu cử hôm 8/11 vừa qua, với chiến thắng nghiêng về ông Donald Trump, một số nhà phân tích lập tức đưa ra quan điểm cho rằng, bà Hillary Clinton vẫn có thể lật ngược tình thế nếu như được các đại cử tri thông qua.

Trên thực tế, cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 chưa chính thức đưa ông Donald Trump vào ghế tổng thống Mỹ mà chỉ xác định 538 đại cử tri hợp thành Cử tri đoàn. Dự kiến, những người sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 19/12 tới.

Nếu có 37 đại cử tri của đảng Cộng hòa không bỏ phiếu cho Trump, ông sẽ chỉ còn 269 phiếu, không đủ mức tối thiểu 270. Nhiều người đã kêu gọi các đại cử tri từ bỏ cam kết bỏ phiếu cho ông Trump, mà bỏ phiếu cho bà Hillary.

Nếu các đại cử tri bất trung với Trump, quay sang ủng hộ Hillary thì bà mới có thể lật ngược tình thế. Tuy nhiên, cơ hội này rất mong manh. Thêm vào đó, nhiều người không ủng hộ Trump, nhưng cũng chưa chắc ủng hộ Hillary.

Trong trường hợp cả Trump, Hillary và các ứng viên độc lập khác đều không có đủ 270 phiếu, Mỹ phải kích hoạt Tu chính án thứ 12 để Hạ viện quyết định ai sẽ là tổng thống trong số ba ứng viên có được nhiều phiếu đại cử tri nhất.

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 2 đại cử tri đảng Cộng hòa tuyên bố không bỏ phiếu cho Trump, trong khi có 6 đại cử tri đảng Dân chủ cho biết họ dự định sẽ bỏ phiếu cho một ứng viên đảng Cộng hòa khác, không phải ông Trump.

Cả 2 nhóm này đều thừa nhận ít có cơ hội đảo ngược tình thế, bởi khó có thể thuyết phục được 37 đại cử tri đảng Cộng hòa không bỏ phiếu cho ông Trump, con số cần thiết để có thể chặn đường vào Nhà Trắng của tỷ phú bất động sản.

Thêm vào đó, hiện cán cân quyền lực ở Hạ viện Mỹ đang nghiêng về phía đảng Cộng hòa, nên việc để cho một ứng viên đại diện đảng Dân chủ lên nắm chiếc ghế Tổng thống lại càng là chuyện khó có thể xảy ra.

Chưa hết, theo kết quả thăm dò dư luận mới đây do CNN/ ORC tiến hành từ ngày 17 đến ngày 21/11, có tới 53% số người tham gia cho rằng, tỷ phú bất động sản Donald Trump sẽ làm rất tốt hoặc khá tốt công việc tổng thống.

40% số người nói đặt nhiều niềm tin vào cách ông giải quyết vấn đề kinh tế. Theo CNN, tỷ lệ người đặt niềm tin vào Trump còn cao hơn Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton và Ronald Reagan trước khi họ nhậm chức.

Trong một diễn biến khác, một số nhà khoa học máy tính hàng đầu đang hối thúc bà Hillary kêu gọi kiểm phiếu lại ở ba bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, với lý do nghi vấn kết quả có thể đã bị tin tặc tấn công và chỉnh sửa.

Họ cho rằng, Hillary nhận được ít hơn 7% phiếu bầu tại các hạt của Wisconsin, các nơi phiếu được kiểm bằng máy. Theo họ, tin tặc có thể đã ra tay với máy đếm, khiến Hillary mất 30.000 phiếu cùng 10 phiếu đại cử tri ở Wisconsin.

Ông Trump đã giành thắng lợi tại bang Wisconsin và Pennsylvania, trong khi Michigan chưa gọi tên người chiến thắng. Đáng chú ý, Wisconsin và Pennsylvania là hai bang mà đảng Dân chủ chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu năm 2012.

Hạn chót để Hillary yêu cầu tái kiểm phiếu đang hết dần, tại Wisconsin là ngày 25/11, ở Pennsylvania là ngày 28/11 và Michigan là ngày 30/11.

Related Posts