Nhiều người Quảng Bình ăn cơm trắng, mì tôm sống trên mái nhà
Nước lũ bủa vây, điện lưới cắt, nhiều gia đình ở Tuyên Hóa (Quảng Bình) chỉ nấu được nồi cơm ăn với muối trắng. Có nhà ngập tới 3 m, không thể nấu trên căn gác sát mái, đành ăn mì tôm sống.
Nằm sát sông Gianh, Văn Hóa là xã trũng nhất của huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. 22h đêm qua, nước sông dâng cao gây ngập xóm làng, tràn vào nhà dân. Đến trưa 1/11, hơn 1.000 ngôi nhà trong xã đã bị ngập gần hết tầng 1, nhà cấp 4 chỉ còn nhìn thấy chỏm.
Nước lũ mênh mông xóa nhòa mọi ranh giới ao hồ, đường đi, việc di chuyển đều phải dùng thuyền hoặc bè mảng. Tại cầu Văn Hóa bắc qua sông Gianh, nhiều gia đình đưa ôtô tải, trâu bò và xe máy lên tránh lũ. Bà con căng bạt, mang thêm chuối xanh cho gia súc ăn.
Lũ khiến hàng chục nghìn ngôi nhà ở Quảng Bình ngập sau từ 0,5 đến 3 m. Ảnh: Hoàng Táo |
Sống chung với lũ nhiều năm nay, đa phần người dân xã Văn Hóa gác thêm mấy thanh gỗ sát mái nhà, gọi là “tra”, để cất giữ tài sản. Cơn lũ lần này lên chậm nên nhiều gia đình có thời gian di dời đồ đạc, trâu bò.
Ngồi bó gối trên tầng 2 ngôi nhà ở thôn Thượng Phú, xã Văn Hóa, chị Trần Thị Thời buồn bã nói: “Trong 15 ngày chạy 2 cái lũ quá khổ. Trận lũ trước vừa ra khỏi sân thì lũ mới đã vào, nước tiếp tục dâng không biết khi nào mới dừng”.
Trưa nay, chị Thời nấu nồi cơm nhưng nửa sống nửa chín vì mưa lũ mất điện, thức ăn không có, phải ăn với muối trắng. Hai đứa con không ăn được cơm sống, đành nhai mì tôm sống. Muốn mượn đồ gì của hàng xóm, chồng chị Thời như nhiều người khác đu mình trên dây điện, di chuyển từ nhà này qua nhà kia.
Chuồng bò nhà chị Thời xây cao 3 m vẫn ngập, gà vịt nhốt vội vào chuồng rồi đặt lên phao, một số con không kịp nhốt bị lũ cuốn trôi, hoặc tự tìm chỗ đậu cao ráo. “Sau lũ chưa biết làm sao để khôi phục cuộc sống đây”, chị Thời thở dài nói.
Nhà bị ngập sát mái nhưng chị Trần Thị Hoa vẫn trụ lại để trông giữ tài sản khỏi bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Hoàng Táo |
Nằm sát con sông Gianh, nhà bà Cao Thị Xuyên ở thôn Thượng Phủ, xã Văn Hóa, nước ngập sát mái nhà, cuồn cuộn chảy. Phía bên ngoài, chiếc tivi nổi bồng bềnh, chú chó nằm tạm trên mấy tấm lưới đánh cá.
Bà Xuyên đưa chút đồ đạc, áo quần còn sót lại từ trận lũ trước lên “tra” để tránh ngập. Chiếc bếp dựng tạm bên trong chậu nhôm dùng nấu cơm cầm cự qua đợt lũ. “Nếu nước tiếp tục dâng thì phải trổ mái tôn chui lên thôi”, bà Xuyên nói khi mực nước chỉ cách bà chừng 0,5 m.
Cạnh đó, gia đình chị Trần Thị Hoa cũng phải sống sát mái nhà tránh lũ. Không kê được bếp, chị Hoa và 3 con ăn mì tôm sống từ tối qua đến trưa nay. “Tài sản trôi gần hết nhưng tôi vẫn phải ở lại nhà trông giữ chút ít còn lại”, chị Hoa lý giải việc không di dời đến nơi cao hơn.
Ông Nguyễn Tiến Hạnh, Chủ tịch xã Văn Hóa cho hay, được cảnh báo mưa lũ do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ hai hôm trước, người dân đã chủ động di dời tài sản, trâu bò lên nơi cao. Vì vậy xã chưa ghi nhận thiệt hại về người, nhưng một số trâu bò, gà vịt đã bị nước cuốn trôi.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh, đến trưa nay Quảng Bình có 10.000 nhà dân ở 6 huyện, thị xã bị ngập sâu 0,5-3 m. Quốc lộ 12 bị chia cắt nhiều đoạn, nhiều xã bị cô lập do nước lũ. Tuyến đường sắt bị sạt lở 5 điểm, dài 700 m khiến tàu phải di chuyển với tốc độ hạn chế 5 km/h.
Bà Cao Thị Xuyên kê mấy thanh gỗ sát mái nhà để tránh lũ. Bữa cơm giữa lũ ăn với muối trắng. Ảnh: Hoàng Táo |
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió đông trên cao, 3 ngày qua nhiều tỉnh miền Trung có mưa to, khiến nước lũ dâng cao.
Trưa 1/11, lũ trên sông Gianh, Kiến Giang (Quảng Bình) đã đạt đỉnh và đang xuống. Đỉnh lũ trên sông Gianh tại Mai Hóa là 7,93 trên báo động 3 (mức nguy hiểm nhất) là 1,43 m; trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 2,93 m, vượt báo động 3 khoảng 0,2 m.
Dự báo tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục xảy ra tại Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, Lệ Thủy (Quảng Bình) với độ sâu ngập khoảng 1-2,5 m. Tại Hà Tĩnh, các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ cũng bị ngập sâu.
Hoàng Táo ( VN+)