Sếp Mỹ đau đầu vì nhân viên phản đối Tổng thống Trump

Nhiều giám đốc điều hành đang phải ngồi trên ‘ghế nóng’ vì áp lực nội bộ, thậm chí là các lời đe dọa nghỉ việc, trừ phi doanh nghiệp cắt đứt quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

1000x-1_VFDR

Theo Bloomberg, chỉ vài giờ sau khi CEO IBM Ginni Rometty chúc mừng ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và đề nghị hỗ trợ ông trong việc xây dựng mục tiêu kinh tế, kỹ sư phần mềm IBM Daniel Hanley soạn một bản kiến nghị. Bản kiến nghị trên thúc giục bà Rometty “làm điều đúng đắn cho nhân viên IBM”, trong đó có việc “tôn trọng quyền từ chối tham gia vào bất kỳ hợp đồng với chính phủ nào vi phạm quyền tự do hiến pháp và dân sự”. Bản kiến nghị đến nay nhận được hơn 1.600 chữ ký.
Từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, giám đốc điều hành tại nhiều công ty, trong đó có Cleveland Clinic, Facebook và Uber, chịu áp lực nội bộ về việc phản ứng về mặt chính sách lẫn chính trị. Nhiều nhân viên giống như ông Hanley đang thúc giục các sếp cắt đứt liên hệ cá nhân hoặc chuyên môn với chính quyền, thể hiện qua thư ngỏ, biểu tình và đình công. Một số người thậm chí đã từ chức.
Giới doanh nghiệp Mỹ đã từng là mục tiêu của các cuộc biểu tình chính trị. Đơn cử, các nhà thầu quốc phòng gặp khó thời chiến tranh Việt Nam và hãng Coca-Cola thì chật vật với vấn đề phân biệt chủng tộc. Song các nhân viên thường tránh xa những vấn đề này. Giáo sư Roger Gottlieb thuộc Worcester Polytechnic Institute cho hay: “Đây có thể là sự phản ánh của một nền kinh tế mới, nơi nhân viên ít trung thành hơn và cho rằng họ nên có tiếng nói”.
Những người bất đồng với doanh nghiệp không hẳn là phải ra đi trong lặng lẽ. Sau khi đồng giám đốc điều hành Oracle Safra Catz tham gia nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump, ông George Polisner, 57 tuổi, bỏ vị trí quản lý mảng hoạt động điện toán đám mây của mình. Chi tiết về lý do ông nghỉ việc được đăng tải trên trang LinkedIn hiện đã được xem hơn 350.000 lần. Elizabeth Holli Wood, 31 tuổi, thì là người chỉ trích IBM sau khi nghỉ việc tại đây để phản đối.
Ngay cả những ứng viên xin việc cũng tham gia. Một luật sư 39 tuổi vừa qua hủy hẹn phỏng vấn tại hãng luật Morgan, Lewis & Bockius sau khi đọc được rằng công ty này có hỗ trợ cho ông Trump và thắng giải “Công ty luật Nga của năm”. Lý do ứng viên trên bỏ ngang là vì ông không thể làm việc được cho một nhà tuyển dụng không chia sẻ cùng nguyên tắc với mình. Phát ngôn viên Morgan, Lewis & Bockius cho biết: “Các luật sư của Morgan Lewis hỗ trợ mọi khách hàng, theo mọi đảng phái chính trị và trong nhiều bối cảnh khác nhau”, nói thêm rằng hãng không “níu kéo” những người không muốn làm việc cho công ty.
Các đợt biểu tình nội bộ đến nay đem lại nhiều kết quả khác nhau. Sếp IBM Rometty tiếp tục tư vấn cho Tổng thống Mỹ và CEO Cleveland Clinic Tony Cosgrove cũng làm tương tự. Trong khi đó, CEO các hãng khác đang lắng nghe nhân viên của họ. Ở Uber, CEO Travis Kalanick viết thư thông báo cho nhân viên hồi đầu tháng này rằng ông đã rời khỏi hội đồng tư vấn kinh doanh của Tổng thống, tách biệt bản thân với sắc lệnh cấm di trú của Tổng thống sau nhiều đợt biểu tình của tài xế, nhân viên và khách hàng.
Rất ít doanh nghiệp Mỹ làm theo cách của hãng Comcast là cho nhân viên nghỉ việc có trả lương để biểu tình chống sắc lệnh di trú, nhưng “nhiều hãng muốn giữ người tài tốt nhất họ có sẽ phải tìm cách giải thích, phát huy các giá trị mà công ty họ tán thành, từ sự đa dạng cho đến việc bảo vệ môi trường”, Phó chủ tịch Subha Barry của hãng Working Mother Media nhận định. Làm như thế, các sếp sẽ gửi được thông điệp đến nhân viên và tránh được việc bị chú ý ngoài mong muốn.

Related Posts