Thế giới quay cuồng với 5 lần thay đổi của ông Trump
BVD- Cả thế giới chao đảo chỉ trong khoảng thời gian vài tiếng, khi Tổng thống Donald Trump đã có 4 lần thay đổi về chính sách đối ngoại và 1 lần về vấn đề trong nước. Những phát ngôn mới của ông hoàn toàn khác biệt so với những gì ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử.
CNN tổng kết: về NATO, ông Trump mới nói trong buổi họp báo cách đây vài tiếng tại Nhà Trắng rằng “liên minh quân sự này không còn lỗi thời nữa”; Tổng thống Mỹ cũng từ chối gắn mác “thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc. Trong một sự thay đổi khác, ông Trump đã khen ngợi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED, Janet Yellen, người mà trước đó ông thề sẽ thay thế khi nhiệm kỳ của bà kết thúc cũng như chỉ trích bà vì giữ tỉ lệ lãi suất thấp để thúc đẩy chính trị cho người tiền nhiệm Obama.
Chưa rõ liệu sự thay đổi chính sách đột ngột của Tổng thống Trump có phải là “sản phẩm” của cách nhìn mới và quan điểm mới về thế giới của chính quyền ông hay không. Nhưng các vị Tổng thống trước thường cho biết tình hình thế giới sẽ khác rất nhiều khi nhìn từ phòng Bầu Dục so với từ một chiến dịch tranh cử.
Thế nhưng, sự thay đổi đến “chóng mặt” như của Tổng thống đời thứ 45 Hoa Kỳ thì quả là hiếm có. Những vận động chính trị xung quanh các chính sách của ông Trump không chỉ dừng lại ở đó. Vài ngày sau khi chính quyền Donald Trump dường như đã chấp nhận thay đổi mục tiêu tiếp cận trong vấn đề Syria khi cho phép Tổng thống Assad tại vị, nhà lãnh đạo tỷ phú của Mỹ đã “rung động” trước hình ảnh đau thương sau khi bị tấn công hóa học của người dân Syria và ngay lập tức ra lệnh phóng tên lửa vào căn cứ không quân của chính phủ nước này để “cảnh cáo”.
Ông Trump đã liên tục thay đổi chính sách đối với Syria trong một vài ngày qua. Nguồn: Daily Express |
Và rồi quyết định này đã dẫn tới một sự thay đổi khác, đó là chính sách với Nga của ông Trump. Nếu như trước kia, tỷ phú Donald Trump dành nhiều lời khen ngợi cho Tổng thống Nga Putin và hứa hẹn về một tương lai sáng lạn trong mối quan hệ Moscow – Washington, thì nay với tư cách là Tổng thống, ông Trump phải đối mặt với một thực tế địa chính trị “không như là mơ”.
“Ngay lúc này đây chúng ta đang không hòa hợp với Nga một chút nào cả. Chúng ta có thể đang ở thời kỳ thấp đỉnh điểm trong mối quan hệ với Moscow”, ông Trump nói trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 12/4.
Đối với Nga là vậy, còn đối với Trung Quốc, một quốc gia mà ông Trump luôn chỉ trích gay gắt về nhiều vấn đề, từ chính sách tiền tệ cho tới thương mại, lao động, xuất khẩu hay Biển Đông, thì nay lại đối tượng để Tổng thống Mỹ xây dựng quan hệ hợp tác tốt đẹp hơn.
Đối lập với Moscow, lãnh đạo Hoa Kỳ đã dành lời khen ngợi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đặc biệt là sau chuyến thăm của ông Tập tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tuần trước, cho rằng ông tin tưởng lãnh đạo Trung Quốc thật lòng muốn giúp Mỹ kiềm chế năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
Trước đây, những biện pháp trừng phạt Trung Quốc luôn là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của tỷ phú Trump. Ông trùm bất động sản cho rằng Bắc Kinh đã “cưỡng đoạt” nền kinh tế Mỹ cũng như hứa hẹn sẽ gắn mác Trung Quốc là quốc gia “thao túng tiền tệ” ngay trong ngày đầu tiên bước chân vào phòng Bầu Dục.
Nhưng cho đến hôm nay, hầu hết những cam kết của ông Trump trong chiến dịch tranh cử chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra khi ông bắt đầu vào “guồng quay” của các vấn đề an ninh quốc gia, chính trị trong và ngoài nước.
“Hoàn cảnh đã thay đổi”, thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cho CNN biết hôm 12/4 khi được hỏi về những chính sách đảo ngược rõ ràng gần đây của chính phủ.
Nhiều cam kết khi còn tranh cử của ông Trump đã không được thực hiện. Nguồn: USNews |
Về Trung Quốc, ông Spicer cho hay báo cáo của chính quyền vẫn chưa được hoàn thành và chưa đi đến kết luận cuối cùng có liệt Bắc Kinh vào danh sách “thao túng tiền tệ” hay không. Nhưng ông cũng nói rằng Trung Quốc đã có một số cải thiện về vấn đề tiền tệ trong những tháng gần đây. Chính quyền cần phải đánh giá dựa trên tình hình thực tế hiện tại của Trung Quốc chứ không phải là vào khoảng thời gian khi ông Trump còn tranh cử.
Về NATO, ông Spicer nhấn mạnh các quốc gia thành viên đã thực hiện tốt hơn các điều khoản trong cam kết tài chính khi gia nhập NATO, và điều đó đã thay đổi quan điểm của ông Trump về khối liên minh quân sự này.
Tất nhiên, một ngày điều chỉnh các chính sách không có nghĩa là bản chất tính cách hay phương pháp của Tổng thống Donald Trump đã thay đổi. Tóm lại, ông chủ Nhà Trắng đã dành phần lớn thời gian 100 ngày đầu tiên của mình để châm ngòi cho các hoạt động chính trị gây nhiều tranh cãi, tạo ra sự nghi ngờ, thổi phồng sự việc và đổ thêm dầu vào những mâu thuẫn chính trị trên Twitter.
Không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump sẽ rút lại một số chính sách gây tranh cãi như các quy định thực thi trên biên giới, trục xuất người nhập cư không có giấy tờ… Tuy nhiên, với 5 lần thay đổi chính sách chỉ trong vòng một ngày, Tổng thống Mỹ lại một lần nữa khiến cả thế giới sững sờ.