465 thầy thuốc đăng ký hiến tạng cứu người bệnh

BVD – Chiều 25-8, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã trao thẻ hiến tạng cho 465 thầy thuốc, nhân viên y tế Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đăng ký hiến tạng.
Việc gần 500 thầy thuốc đăng ký hiến tạng đã góp phần cổ vũ, động viên các cán bộ viên chức ngành y tế cùng mọi tầng lớp nhân dân tham gia đăng ký hiến mô, tạng cứu người và phục vụ nghiên cứu khoa học…

GS Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, ngành ghép tạng Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là khan hiếm nguồn tạng, số người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời còn rất ít ỏi (tính đến thời điểm này mới có 7.400 người trên cả nước đăng ký hiến tạng sau khi qua đời). Một khó khăn nữa là thiếu hệ thống tư vấn, đăng ký hiến mô, tạng tại các bệnh viện ghép tạng, cơ sở y tế trong cả nước” – GS Sơn cho biết.

Để người dân thấy được ý nghĩa to lớn và nhân văn của việc hiến mô, tạng sau khi chết não, theo GS Sơn cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền. “Bản thân tôi đã đăng ký hiến tạng khi chết não, nhưng giả sử khi tôi chết đi, gia đình tôi không đồng ý hiến thì không giải quyết được vấn đề gì. Do vậy, việc này cần phải tuyên truyền, vận động để mọi người thấy rằng, việc hiến mô, tạng của người chết não sẽ giúp bao sự sống hồi sinh…” – GS Sơn chia sẻ.

Cũng theo GS Sơn, ở các nước đang phát triển như Singapore, Nhật Bản…, việc người dân hiến mô, tạng sau khi chết não là điều hiển nhiên. Trong trường hợp người nào không muốn hiến thì phải đến các bệnh viện, trung tâm đăng ký.

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Giám đốc Viện Huyết học – Truyền máu TW, muốn phong trào hiến tạng phát triển, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người dân hiểu, hiến tạng là hành động mang ý nghĩa nhân văn. “Phải vận động từng cán bộ thuộc các cơ quan Nhà nước hiến, ghép mô tạng, vì bản chất của việc này là một cuộc cách mạng. Điều đầu tiên nên vận động các cán bộ y tế tham gia…” – GS Trí chia sẻ.

GS Trí cho biết, chính nhờ truyền thông mạnh mẽ mà nước ta từ chỗ mỗi năm chỉ mua được vài trăm lít máu từ những người bán máu chuyên nghiệp, đến nay, hoạt động hiến máu nhân đạo đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân. Đến năm 2015, 97% lượng máu có được từ những người hiến máu tình nguyện.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, ngoài Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, trên cả nước mới chỉ có 1 cơ sở y tế là bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM có hệ thống truyền thông, tư vấn, đăng ký hiến tạng. Điều này đã hạn chế quyền được đăng ký hiến tặng mô, tạng của công dân cũng như hiệu quả công tác truyền thông, vận động người dân đăng ký hiến tạng sau khi chết não.

Theo đó, GS Trịnh Hồng Sơn mong muốn thời gian tới sẽ nhận được sự cộng tác ngày càng chặt chẽ của các bệnh viện ghép tạng, các cơ sở y tế trong cả nước trong việc xây dựng hệ thống tư vấn, đăng ký hiến tạng…

 

(PLO)

Related Posts