Bộ trưởng Bộ XD nói về xử lý sai phạm của Mường Thanh

BVD – “Tôi dám nhận trách nhiệm của mình về lĩnh vực này song cá nhân tôi không dám cam kết trong một thời gian ngắn tới đây có thể chấm dứt được tình trạng xây dựng không phép, trái phép”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã thừa nhận như vậy trước câu hỏi khó của đại biểu về việc cam kết chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép…

Sáng nay (16-8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn về công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị và việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông. Người chịu trách nhiệm trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng và Bộ trưởng các bộ GTVT, TN&MT, KH&ĐT cùng tham gia phiên chất vấn. Ngoài ra, do nội dung chất vấn hôm nay có liên quan đến các TP lớn, Hà Nội và TP.HCM. Có cho mời lãnh đạo 2 TP, khi cần có thể trả lời các nội dung liên quan.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: “Thực tế cho thấy quy hoạch đô thị ở nước ta rất thiếu tầm nhìn, các đô thị lớn thiếu khu vui chơi giải trí, nhiều đô thị mới đường rất to đẹp nhưng phố xá vẫn nhếch nhác… Bộ trưởng nhìn nhận thế nào, giải pháp ra sao?”. ĐB Thúy hỏi tiếp: “Tình trạng vi phạm quy định về trật tự xây dựng rất phổ biến, Bộ Xây dựng có trách nhiệm thanh kiểm tra, quản lý. Vậy Bộ trưởng đã chỉ đạo việc này thế nào, xử lý được ai chưa?”.

Còn ĐB, Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) thì đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có cam kết không để tình trạng xây dựng trái phép, sai phép xảy ra như trong thời gian qua hay không?”.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết Quy hoạch đô thị thời gian vừa qua được quan tâm, kể cả văn bản pháp luật lẫn triển khai trên thực tế, tốc độ đô thị hóa của nước ta năm 2017 rất nhanh, đạt 37% với 805 đô thị, đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Song nó cũng thể hiện hai hạn chế lớn. Đó là chất lượng quy hoạch, tầm nhìn quy hoạch, đặc biệt tầm nhìn quy hoạch chưa đảm bảo. Có những quy hoạch ngắn quá, có những quy hoạch lại tầm nhìn dài quá nên chưa phù hợp với điều kiện đất nước và chưa tính khả thi chưa tới.
Thứ 2 là tính khớp nối, đồng bộ chưa tốt ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch.

Thứ 3 là tính toán các điều kiện thực hiện chưa đảm bảo, nhất là điều kiện về nguồn lực dẫn đến tiến độ không đảm bảo, nhiều quy hoạch treo.

Cũng theo Bộ trưởng Hà, hạn chế nữa là thực hiện quy hoạch chậm, không đồng bộ, chắp vá. Cái đáng lẽ làm trước thì lại làm sau, đáng lẽ làm toàn phần thì chỉ làm một phần. Nguyên nhân do các cơ quan nhà nước chưa thực hiện đúng chức trách của mình.

Chẳng hạn, khi đã có quy hoạch phải thực hiện công khai quy hoạch, thông tin về quy hoạch, cắm mốc giới quy hoạch, tổ chức kế hoạch thực hiện, thanh kiểm tra… đều chưa tốt, xử lý nhiều vụ việc chưa kịp thời. Có lúc công tác quản lý quy hoạch bị buông lỏng quản lý. Từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy như sử dụng đất không hiệu quả, lấn chiếm đất vào các mục đích khác nhau, cấp phép xây dựng không đúng, xây dựng sai phép.

“Có trục lợi hay không, tôi cho rằng về cơ bản thì không có nhưng ở một số bộ phận, một số đơn vị có tình trạng này” – Bộ trưởng Hà nói. Cũng theo ông, về vấn đề này Bộ Xây dựng có trách nhiệm vì những hạn chế trong công tác xây dựng thể chế, tính toán quy chuẩn, tiêu chuẩn… về quy hoạch đô thị chưa phù hợp; thủ tục, trình tự quy hoạch có những điểm còn phức tạp, nặng về mục tiêu quản lý nhưng thiếu tính khả thi trong thực tiễn; chưa thực hiện thanh kiểm tra chặt chẽ nên chưa phát hiện, xử lý sớm được các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn…

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay tới đây Bộ sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện các thể chế, quy định pháp luật về lĩnh vực này, chống thất thoát, tiêu cực, lãng phí nguồn lực của đất nước. Cùng đó, loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết, một số nội dung còn chồng lấn, tránh mâu thuẫn giữa các luật liên quan.

“Qua rà soát hiện có đến 22 điểm liên quan đến quy định về xây dựng giữa các luật liên quan có chồng lắp hoặc chưa phù hợp, chưa đồng bộ. Mặt khác, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra. Trong đó, sẽ tập trung vào điều chỉnh quy hoạch tùy tiện có tư tưởng lợi ích nhóm, trục lợi, nhằm đảm bảo sự điều chỉnh này phải phù hợp với quy hoạch và mục tiêu sử dụng đất của chúng ta, đảm bảo quản lý chặt chẽ” – ông Hà nói.

Về câu hỏi vi phạm xây dựng nhiều, Bộ đã xử lý trường hợp nào chưa, Bộ trưởng Hà cho hay: “Bộ đã chỉ đạo thanh tra một số vụ việc lớn. Chúng tôi đã thanh tra vụ Mường Thanh (Linh Đàm) đã nói nhiều. Còn xử lý trách nhiệm của Mường Thanh thì hiện Hà Nội đang thực hiện việc này”.

Bộ trưởng Hà cũng thừa nhận xây dựng không phép, sai phép, đây cũng là một trong những hạn chế của ngành. Đây là thực tế có thật. Theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về vấn đề này là phải tăng cường quản lý, đặc biệt là các đô thị lớn. Hiện tốc độ xây dựng sai phép, không phép đã giảm dần song vẫn còn rất lớn. Năm 2016, có khoảng trên 15.000 trường hợp vi phạm, chiếm khoảng 12%-13% xây dựng sai phép, không phép.

Theo ông, nguyên nhân trước hết do giấy phép được cấp chưa đúng với quy hoạch chi tiết ở khu vực đó. Thứ hai là cấp đúng nhưng chủ đầu tư cố tình sai phạm, trong khi cơ quan quản lý nhà nước chưa thanh kiểm tra, phát hiện kịp thời. Nhiều vụ đã thanh kiểm tra rồi nhưng lại chưa xử lý dứt điểm. Giải pháp tới đây, Bộ Xây dựng phải có những quy định quản lý để xử lý các vi phạm hành chính về lĩnh vực này mạnh mẽ hơn, có các công cụ kiểm soát tốt hơn, chế tài có sức răn đe hơn… để thay thế cho Nghị định 21 hiện nay. Ngoài ra phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ đầu tư…

“Đại biểu hỏi Bộ trưởng có cam kết không, chúng tôi nhận trách nhiệm của mình về lĩnh vực này song cá nhân tôi không dám cam kết trong một thời gian ngắn tới đây có thể chấm dứt được tình trạng xây dựng không phép, trái phép. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các cấp ngành, địa phương. Song chắc chắn chúng tôi sẽ đẩy mạnh quản lý, tập trung thanh kiểm tra, trong năm nay sẽ tập trung kiểm tra một số dự án bất động sản có quy mô sử dụng đất lớn, rồi một số quy hoạch đô thị” – ông Hà nói./.

 

(PLO)

Related Posts