Cách mạng công nghiệp 4.0 – Được …và mất
BVD – Cách mạng công nghiệp 4.0, hay Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đang diễn ra tại nhiều nước phát triển và mang lại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, loài người đã chứng kiến 3 cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lớn: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ năm 1784) xảy ra khi loài người phát minh động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải. Động cơ hơi nước được đưa vào ôtô, tàu hỏa, tàu thủy, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (từ năm 1870) ra đời khi loài người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước.
Tương tác thực tế ảo đưa đến nhiều ứng dụng
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (từ năm 1969) xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… là những công nghệ hiện nay chúng ta thụ hưởng là từ cuộc cách mạng này.
Bước nhảy vọt “không có tiền lệ lịch sử”
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Cụm từ “Công nghiệp 4.0” bắt đầu nổi lên từ năm 2013 trong một báo cáo của chính phủ Đức đề cập đến chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục nhắc tới cụm từ này tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos hồi tháng 1/2015. Hiện nay, Công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham gia của nhiều nước và trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Công nghệ đám mây đã trở nên rất phổ biến và tiện dụng
Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra trên ba lĩnh vực chính gồm công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối Internet (IoT) và dữ liệu lớn (Big data).
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab nhận định: “Cách mạng Công nghiệp 4.0 kết hợp các công nghệ, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”. Theo ông Schwab, tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện “không có tiền lệ lịch sử”. Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tiến triển nhanh hơn nhiều và đang tác động mạnh mẽ tới hầu hết ngành công nghiệp ở các quốc gia.
Thành tựu đột phá
Cách mạng công nghiệp là khái niệm về cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất, xuất phát ở nước Anh trong thế kỷ XVIII, sau đó lan tỏa ra toàn cầu. Từ những phát minh thuở sơ khai như động cơ hơi nước cho đến những công nghệ hiện đại ngày nay như công nghệ xe tự lái hay robot lắp ráp tự động đều để lại dấu ấn đậm nét, những thay đổi mang tính đột phá đối với không chỉ nền sản xuất công nghiệp mà cả cuộc sống con người nói chung.
Cũng giống như ba cuộc cách mạng trước, Cách mạng Công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ tiếp tục giải phóng con người khỏi dây chuyền sản xuất công nghiệp, đồng thời tạo đột phá bằng cách cung cấp cơ hội phát triển cho từng cá nhân lên tầm cao hơn, với sự hỗ trợ của nhiều loại thông tin, tri thức và công nghệ mới.
rên thực tế, không thể phủ nhận rằng Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã mang lại những thành tựu đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ số như điện toán đám mây, thiết bị di động thông minh… Cuộc cách mạng này có khả năng tự động hóa một số kỹ năng mà trước đây chỉ con người mới có thể làm, trang bị cho máy móc có khả năng của trí thông minh con người, ví dụ như khả năng lập luận, khả năng ngôn ngữ, khả năng tự học…
Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra lợi ích lớn nhất khi xử lý những khối dữ liệu lớn, xử lý ngôn ngữ và hình ảnh, điều mà thế hệ máy tính hiện nay không dễ dàng làm được. Hiện nay những ứng dụng công nghệ đang sử dụng AI có thể kể đến như ứng dụng dịch văn bản tự động hay dịch thuật qua giọng nói của Google và Facebook.
Cùng với tự động hóa cực độ, robot có trí tuệ nhân tạo có thể cùng tham gia vào quy trình sản xuất, phân tích các kết quả, đưa ra những quyết định phức tạp và thích nghi với các yếu tố môi trường. Trong khi đó, kết nối cực độ cho phép truyền dữ liệu nhanh hơn, xa hơn, tạo điều kiện phát triển những mô hình kinh doanh mới như Uber, Facebook, WhatsApp, Pinterest, Snapchat, Twitter và Instagram hay công nghệ xe tự lái đang được thử nghiệm rộng rãi trên toàn thế giới.
Sự cải tiến công nghệ cao, được coi là nền móng cho Cách mạng Công nghiệp 4.0, đang làm thay đổi nhiều lĩnh vực từ bán lẻ, chế tạo đến vận tải…, ngành công nghiệp dầu khí và điện truyền thống cũng không nằm ngoài xu thế chung này. So với những cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, ngày nay, khả năng quản lý các hệ thống phức tạp ngày càng thông minh hơn, phân tích dữ liệu và tự động hóa đang một lần nữa làm thay đổi ngành công nghiệp, tăng năng suất và tính linh hoạt của các công ty năng lượng.
Những thay đổi này được ghi nhận không chỉ ở các ngành công nghiệp sản xuất hàng hoá như ngành công nghiệp dầu khí mà còn thay đổi cách thức các công ty sản xuất và cung cấp điện. Một ngành công nghiệp điện mới đang nổi lên, đó là ngành công nghiệp điện phi tập trung, thân thiện với người tiêu dùng hơn và có thể tích hợp nhiều nguồn điện khác nhau vào các lưới điện có độ tin cậy cao. Trong các năm tới, những xu hướng này có khả năng sẽ góp phần giữ cho giá năng lượng rẻ và dồi dào, đáp ứng với các điều kiện thị trường và hiệu quả hơn bao giờ hết.
“Không con đường nào trải đầy hoa hồng”
Đúng như câu nói “Không con đường thành công nào trải đầy hoa hồng”, các nhà phân tích đã chỉ ra một cách rõ nét nhất về những rủi ro mà nền kinh tế vĩ mô toàn cầu phải đối mặt trong kỷ nguyên số.
Cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp khác, lỗ hổng về trình độ cũng như nguy cơ tụt hậu là những rủi ro lớn của lao động trong giai đoạn chuyển tiếp, bởi Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ triệt tiêu lao động giản đơn và đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong lĩnh vực việc làm, đối tượng chịu thiệt thòi nhất từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 có lẽ là những lao động phụ trách những đầu việc có chuyên môn ở tầm trung như văn thư, dịch vụ khách hàng… trước sự “đổ bộ” của robot.
Trí tuệ nhân tạo đã có thể cùng tham gia vào quy trình sản xuất, phân tích kết quả, đưa ra những quyết định phức tạp và thích nghi với các yếu tố môi trường
Đối với những lao động chuyên môn thấp hơn, tự động hóa sẽ tác động tiêu cực nhiều đến thị trường mới nổi ở Mỹ Latinh và Ấn Độ, vốn được hưởng lợi nhờ nguồn lao động giá rẻ, khi đánh mất lợi thế cạnh tranh này vào tay những chú robot thông minh, hơn là những nền kinh tế đã phát triển của Thụy Sỹ, Singapore và Vương quốc Anh.
Các công ty sử dụng nhiều lao động sẽ tính cách nâng cao lợi nhuận bằng việc thay thế những nhân công này với thế hệ robot thông minh có chi phí thấp hơn. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng phân cực trong lực lượng lao động và khoét sâu hơn nữa khoảng cách về thu nhập trong xã hội.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), tiến trình tự động hóa sẽ đe dọa 57% việc làm của 35 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), con số này đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 47% và 77%. Trong khi nhiều công việc sẽ bị xóa bỏ hoặc chuyển đổi, đặc biệt là những công việc thủ công và thường nhật dễ thay thế, thì những công việc mới cần kỹ năng khác biệt sẽ phát triển.
Do đó, khả năng ứng biến linh hoạt là vô cùng quan trọng trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0. Ở tầm cỡ quốc gia, hưởng lợi nhiều nhất sẽ là những nền kinh tế có khả năng linh hoạt cao. Trong khi đó, những nền kinh tế mới nổi với lao động tay nghề thấp và khả năng linh hoạt kém sẽ phải hứng chịu “cơn gió ngược” từ tự động hóa nhiều hơn so với những nước đã phát triển.
Trong lĩnh vực năng lượng, sự chuyển đổi về công nghệ có thể gây bất ổn đối với các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào doanh thu từ các nguồn năng lượng truyền thống như Nga, các nhà sản xuất lớn của vịnh Ba Tư và Venezuela.. Bên cạnh đó, nhiên liệu hóa thạch giá rẻ cũng sẽ gây khó khăn nhiều hơn trong việc tiến hành cắt giảm sâu lượng khí thải cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu…/.
(tổng hợp)