Hơn 1.000 ngày điều tra đại án Hà Văn Thắm

BVD – Hà Văn Thắm có hàng loạt sai lầm liên quan đến huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, tham ô… gây thiệt hại cho Oceanbank khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ông Thắm có hàng loạt sai lầm liên quan đến huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, tham ô… gây thiệt lại cho Oceanbank khoảng 2.000 tỷ đồng.

VKSND Tối cao cho rằng trong quá trình hoạt động, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) đã xảy ra nhiều vi phạm trong việc huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách, tham ô… gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank và các cổ đông. Điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước. Nguyên nhân chính sự việc là do hành vi phạm tội của Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Tổng giám đốc Oceanbank.


Hà Văn Thắm (sinh năm 1972), quê ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Ông tốt nghiệp Đại học Thương mại, rồi học lấy bằng thạc sĩ, bảo vệ tiến sĩ tại Mỹ.

Chia sẻ với báo giới về cơ duyên đưa mình tới với ngành ngân hàng, Hà Văn Thắm kể năm 2003, khi đang là giám đốc công ty liên doanh, ông tình cờ gặp một cổ đông muốn bán cổ phần của Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng (Hải Dương). Ngân hàng thành lập trước đó 10 năm với vốn ban đầu hơn 17 tỷ đồng.

Với lý do “thích thì mua”, ông Thắm đã mua lại cổ phần của ngân hàng này và ngồi vào ghế chủ tịch HĐQT một năm sau đó. Trong thời gian điều hành, ông là người đã đưa Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng trở thành ngân hàng nông thôn đầu tiên được phép chuyển đổi mô hình sang ngân hàng đô thị.


Năm 2007, cái tên Oceanbank chính thức hiện diện với tổng tài sản khi đó tăng hơn 13 lần, đạt 13.680 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn phần tăng tài sản của Oceanbank đến từ khoản tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác, chiếm gần 70%.

7 năm sau khi chuyển đổi mô hình, tổng tài sản của Oceanbank tăng gần 5 lần, lên hơn 67.000 tỷ đồng vào cuối 2013.

Trong lịch sử 20 năm tồn tại của Oceanbank, dấu mốc đáng chú ý nhất là sự kiện Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của nhà băng này vào năm 2008. Tổng số tiền PVN đầu tư trong thương vụ này tương đương 20% cổ phần Oceanbank bấy giờ. Phía PVN sau đó cử ông Nguyễn Xuân Sơn – Tổng giám đốc Công ty tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) sang làm thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Oceanbank.

Giai đoạn 2011-2013, các chỉ số ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt. Trong thời gian này, quá trình thanh tra tại Oceanbank, thanh tra Ngân hàng Nhà nước phát hiện một số khoản vay có dấu hiệu gây mất vốn của Oceanbank. Trong đó có việc cho vay sai quy định, cho vay các khoản tiền lớn không có thế chấp tài sản. Những sai phạm này được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ.

Thời điểm Thắm bị bắt (tháng 10/2014), nhà chức trách xác định ông này sở hữu tới 63% vốn của Oceanbank thông qua nhiều tổ chức, cá nhân liên quan. Để có được lượng tiền gửi khổng lồ trong thời gian ngắn, ông Thắm đã chỉ đạo cấp dưới chi trả 1.576 tỷ đồng lãi tiền gửi vượt trần cho khách hàng. Trong đó, hơn 1.080 tỷ đồng là lãi chi trả ngoài cho khách hàng và 984 tỷ đồng chi lãi vượt trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trên toàn hệ thống.

Trước khi ông Thắm cùng nhiều đồng phạm bị bắt, nợ xấu của Oceanbank lên tới 50% tổng dư nợ, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận ngân hàng không còn khả năng bù đắp.

Tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại Oceanbank với giá “0 đồng” và chuyển đổi loại hình thành Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (CBBank).

Quyết định này khép lại hành trình 22 năm phát triển của Oceanbank dưới mô hình ngân hàng tư nhân và trở thành ngân hàng 100% vốn Nhà nước.


Trong giai đoạn trước năm 2014, các quyết định của Thắm và Sơn đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, khiến Oceanbank bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng. Với các hành vi trên, hồi tháng 2/2017, Thắm và Sơn cùng bị đưa ra xét xử tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, năm 2008, sau khi Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn được PVN cử sang Oceanbank ngồi ghế tổng giám đốc.

Qua hơn một năm “chèo lái” Oceanbank, ông Sơn nhận thấy ngân hàng này rất nhỏ bé trên thị trường, khó khăn về vốn, hoạt động phụ thuộc vào vốn huy động của nhóm khách hàng dầu khí. Trước tình hình đó, ông Sơn đã “bắt tay” với Hà Văn Thắm đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức “thu phí” của khách hàng thông qua Công ty BSC (sân sau của ông Thắm), trái quy định của Ngân hàng Nhà nước để trả lãi suất ngoài hợp đồng trên số tiền gửi của PVN tại Oceanbank. Chủ trương này được Thắm và Sơn chỉ đạo cấp dưới thực hiện, gây thiệt hại hơn 69 tỷ đồng.


Sau khi chiếm đoạt trót lọt hơn 69 tỷ đồng thông qua Công ty BCS, đầu năm 2011, ông Nguyễn Xuân Sơn được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc PVN và thôi giữ chức Tổng giám đốc Oceanbank. Tuy nhiên, ông Sơn vẫn được PVN cử là người đại diện phần góp vốn của tập đoàn tại Oceanbank, từ tháng 12/2010 đến 5/2011.

Trước khi về PVN, ông Sơn giới thiệu Nguyễn Minh Thu (Phó tổng giám đốc Oceanbank) với Thắm để bà này giữ chức tổng giám đốc thay mình. Sơn đề nghị Thắm giao cho Thu tiếp tục phụ trách việc huy động vốn như Sơn đã làm với Thắm trước đó.

Theo chủ trương của Thắm về việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền tại Oceanbank, các bị can Nguyễn Minh Thu, Lê Thị Thu Thuỷ và Nguyễn Minh Phương (đều là Phó tổng giám đốc Oceanbank) đã chỉ đạo các khối ban nghiệp vụ thuộc Hội sở Oceanbank thực hiện, gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 1.500 tỷ đồng.

VKSND Tối cao cáo buộc ông Nguyễn Xuân Sơn đã thống nhất chủ trương với Hà Văn Thắm về việc chi lãi ngoài, tiếp tục tham gia điều hành việc chi lãi ngoài khi đã rời khỏi Oceanbank. Hành vi này của ông Sơn phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Hà Văn Thắm được xác định là đồng phạm tích cực.

Trong phiên tòa sơ thẩm lần 1 xét xử đầu năm 2017, Thắm khẳng định nếu không chi số tiền hơn 1.500 tỷ đồng thì khách hàng sẽ gửi tiền chỗ khác và ngân hàng không thể có nguồn thu. Bị cáo Thắm khẳng định đã bàn bạc, nhất trí với ông Nguyễn Xuân Sơn về việc cần trả chênh lệch, chi tiền để hút khách hàng. “Dường như lúc đó thị trường tài chính khó khăn, họ gửi tiền kỳ hạn ngắn, nếu không có lãi cao là chuyển ngân hàng khác. Vì vậy, cần có khoản tiền chăm sóc khách hàng”, Thắm nói.

Ngoài 2 tội danh trên, Hà Văn Thắm phải đối mặt thêm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng. Hai đồng phạm với Thắm (theo cáo trạng mới) là Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn. Trong phiên tòa sơ thẩm lần 1 tổ chức hồi tháng 2/2017, ông Danh và bà Phấn tham gia với vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, Hà Văn Thắm là chủ mưu trong vụ thâu tóm ngân hàng Đại Tín, với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn cho Oceanbank.

Theo đó, đầu năm 2012, khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, do muốn thâu tóm một số nhà băng về Oceanbank, Hà Văn Thắm thỏa thuận với bà Hứa Thị Phấn (cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng Đại Tín) về việc chuyển giao Đại Tín.

Tuy nhiên, phát hiện Đại Tín có một số khoản vay lớn cùng nợ xấu, ông Thắm không còn muốn “ôm” ngân hàng này và tìm cách bán lại cho ông Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh, bạn của Nguyễn Xuân Sơn). Hai bên thỏa thuận, sau khi hoàn tất thủ tục, ông Danh sẽ tiếp nhận điều hành ngân hàng và đổi tên được thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng (VNCB) thì Thắm sẽ nhận được 800 tỷ đồng tiền môi giới.

Để phi vụ chuyển nhượng thành công, Thắm chuyển cho ông Danh vay 500 tỷ đồng để dùng trả cho nhóm bà Phấn, dưới danh nghĩa hợp đồng cho vay giữa Oceanbank và Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung (công ty của ông Danh). Từ tài sản đảm bảo cho khoản vay 500 tỷ của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung, cơ quan điều tra xác định Oceanbank bị thiệt hại hơn 343 tỷ đồng.

Sau 10 ngày xét xử sơ thẩm Hà Văn Thắm và 47 đồng phạm, chiều 8/3/2017, thẩm phán quyết định trả lại hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.


Theo chủ tọa phiên tòa Trần Nam Hà, Oceanbank là ngân hàng cổ phần, trong đó PVN là cổ đông, là đối tác chiến lược với số vốn góp 20% tương đương 800 tỷ đồng. Từ cuối 2009 đến đầu 2010, Nguyễn Xuân Sơn đã bàn bạc và thống nhất với Hà Văn Thắm đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức thu phí của khách hàng thông qua Công ty BSC trái quy định của Ngân hàng Nhà nước. Sơn được xác định đã nhận 69 tỷ đồng từ BSC. Hành vi này có dấu hiệu của tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (tội đang bị truy tố là Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ).

Đối với khoản tiền 246 tỷ đồng của Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn với chức vụ là Tổng giám đốc, ủy viên HĐQT Oceanbank và đại diện phần vốn góp của PVN tại ngân hàng, đã cùng Hà Văn Thắm bàn bạc và chi lãi suất ngoài hợp đồng. Từ 11/5/2011, Sơn đã chuyển về PVN nhưng vẫn chỉ đạo Nguyễn Minh Thu tiếp tục chăm sóc một số khách hàng là doanh nghiệp của PVN.

Lợi dụng uy tín và địa vị, cơ chế chính sách chi lãi ngoài, sự phụ thuộc của Oceanbank vào nguồn tiền gửi huy động từ PVN, bị cáo Sơn đã rút số tiền nói trên. Hội đồng xét xử nhận định hành vi của Sơn có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, ban hành và tổ chức, chỉ đạo những hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt số tiền 246 tỷ. Trong số đó có ít nhất có 20% là phần đóng góp của PVN, nhưng cáo trạng lại truy tố bị cáo về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, là chưa chính xác.

Về số tiền thất thoát 800 tỷ đồng của PVN, HĐXX cũng cho rằng cần thiết làm rõ trách nhiệm của Sơn và những người có trách nhiệm liên quan trong việc đầu tư, góp vốn, quản lý số tiền này để xử lý theo quy định.

Sau 4 tháng điều tra, với bản cáo trạng mới ký ngày 19/7, Hà Văn Thắm bị truy tố thêm tội danh thứ tư – tội Tham ô tài sản. Như vậy, đến nay, ngoài hai tội danh Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank bị truy tố thêm tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (tội danh trước đó là Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ).

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sơn – cựu Tổng giám đốc Oceanbank, ngoài tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cũng thêm tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Lý giải về cáo buộc Tham ô tài sản của Thắm và Sơn, cáo trạng mới thể hiện tổng số tiền Oceanbank đã sử dụng để chi lãi ngoài là hơn 1.500 tỷ đồng, được lấy từ các nguồn tại ngân hàng này. Trong đó, có hơn 246 tỷ đồng được chi cho Nguyễn Xuân Sơn để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN theo yêu cầu của cựu tổng giám đốc. Số tiền này đã bị Sơn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt

Trong số tiền hơn 246 tỷ đồng mà Sơn chiếm đoạt có hơn 49 tỷ là tiền của Nhà nước mà ông này là người đại diện để quản lý. Do vậy, hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 49 tỷ đồng này của Sơn đã cấu thành tội Tham ô tài sản. Hà Văn Thắm là đồng phạm giúp sức cho Sơn để tham ô số tiền này – cáo trạng nêu rõ.


Trong bản cáo trạng mới, ngoài 47 bị can cũ, còn có thêm 4 người khác. Họ gồm: Phạm Công Danh (cựu chủ tịch Ngân hàng Thương mại CP Xây dựng Việt Nam), Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Ngân hàng Đại Tín – TrustBank), Trần Văn Bình (cựu Tổng giám đốc Công ty Trung Dung) cùng bị truy tố tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Hoàng Thị Hồng Tứ (cựu Chủ tịch Công ty BSC – công ty sân sau của Hà Văn Thắm) bị truy tố tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, ngày 28/8, dự kiến sẽ có 51 bị cáo bị đưa ra xét xử trong phiên tòa sơ thẩm lần 2. Họ bị truy tố về 4 tội danh: Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tàn sản. Trong đó, Hà Văn Thắm bị truy tố cả 4 tội danh, Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố 3 tội danh với mức án cao nhất có thể là tử hình.

Related Posts