‘Ông trùm Nhà Trắng’ ra đi: ‘Nước Mỹ trên hết’ có tiêu tan?

BVD – Việc Steve Bannon bị sa thải khỏi vị trí chiến lược gia trưởng cho thấy tổng thống không còn trọng dụng ông và có thể sẽ tách khỏi học thuyết “nước Mỹ trên hết”.
Cuối cùng, chính bản ngã của Steve Bannon đã mang đến cho ông kết cục ngày hôm nay.

Politico cho hay sau nhiều tuần xem xét, Chánh văn phòng John Kelly quyết định sa thải Bannon, chiến lược gia trưởng của tổng thống, người cổ xúy tư tưởng cực hữu và chủ nghĩa dân túy giúp ông Trump giành chiến thắng ít ai ngờ nhất trong cuộc đua tổng thống.

“Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Steve Bannon nhất trí rằng hôm nay sẽ là ngày làm việc cuối cùng của ông Bannon”, thư ký báo chí Sarah Huckabee Sanders cho biết trong một tuyên bố hôm 18/8. “Chúng tôi biết ơn vì sự đóng góp của ông ấy và chúc ông ấy điều tốt đẹp nhất”.

‘Cánh tay phải’ bị thất sủng

Hồi đầu tuần trước, Tổng thống Donald Trump tỏ ra không hề giấu giếm về chuyện vị trí của Bannon đang lung lay. Sau cuộc trò chuyện với Trump trong những ngày gần đây, các đồng minh của tổng thống cho biết ông rất giận dữ khi tác giả Joshua Green, trong cuốn sách mới phát hành “The Devil’s Bargain”, đã tung hô Bannon là người làm nên chiến thắng cho Trump trong cuộc bầu cử 2016.

“Ông Bannon tham gia (vào chiến dịch tranh cử) rất muộn”, tổng thống nói với phóng viên tại cuộc họp báo ngày 15/8 ở sảnh Tháp Trump.

“Các bạn biết rằng tôi đã vượt qua 17 nghị sĩ, thống đốc, và tôi đã chiến thắng tất cả các cuộc bầu cử sơ bộ. Ông Bannon đến muộn hơn thế nhiều”, Trump gần như phủ nhận vai trò của Bannon trong chiến dịch tranh cử.

Khi được hỏi liệu ông có còn tin tưởng vào chiến lược gia trưởng của mình hay không, Tổng thống Trump trả lời một cách phũ phàng: “Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy đến với Bannon”.

Bìa cuốn sách “The Devil’s Bargain”, trong đó tác giả Joshua Green cho rằng Bannon là người làm nên chiến thắng cho ông Trump trong cuộc bầu cử 2016. Ảnh: Courtesy Penguin Press.

 

Bannon là cựu sĩ quan hải quân, từng làm việc cho ngân hàng Goldman Sachs và là chủ tịch trang tin cực hữu Breitbart News trước khi gia nhập chiến dịch tranh cử của ông Trump. Dưới sự điều hành của Bannon, Breitbart trở thành tiếng nói của phong trào cực hữu tại Mỹ và thường xuyên bị chỉ trích vì những bài viết thể hiện quan điểm phân biệt chủng tộc và giới tính.

Bannon và Trump thực tế đã từng có chung những cột mốc vinh quang. Được bổ nhiệm làm giám đốc chiến dịch tranh cử vào giữa tháng 8/2016, ông này đã giúp tỷ phú giành được chiến thắng áp đảo trước bà Hillary Clinton, người luôn dẫn trước Trump trong các cuộc thăm dò trước bầu cử.

Vị thế của ông tiếp tục được củng cố sau khi ông Trump đắc cử, Bannon được tân tổng thống bổ nhiệm là một trong 4 cố vấn hàng đầu ở Nhà Trắng.

Những ngày đầu ở Cánh Tây, Bannon rất được ông Trump trọng dụng. Mỗi quyết định lớn của chính quyền Trump đều có bóng dáng Bannon. “Ông trùm Nhà Trắng” là người thiết lập “kế hoạch hành động” của tổng thống trong tuần đầu tiên ở Nhà Trắng, tác động đến quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bannon cùng cấp phó của mình là Stephen Miller cũng để dấu ấn rõ nét trong sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi của tổng thống.

Thậm chí hồi tháng 1, “cánh tay phải” của tổng thống còn được xếp chỗ trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), cơ quan cố vấn quan trọng nhất về an ninh. Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Bannon được người ta gọi là “tổng thống trong bóng tối”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng Bannon đã sai lầm khi ngủ quên bên chiến thắng. Ông xuất hiện nổi bật quá mức so với vai trò là một cố vấn âm thầm.

Một trong những lý lẽ quan trọng của ông Trump là không ai có thể cao hơn sếp, và ông Bannon vì thế mà thất sủng.

Hồi tháng 1, trong tình thế hỗn loạn sau khi Tổng thống Trump đưa ra sắc lệnh hạn chế nhập cư mà Bannon có vai trò quan trọng, từ khóa #PresidentBannon (Tổng thống Bannon) được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội Twitter.

Hình ảnh Bannon là người điều khiển rối đang giật dây Trump cũng trở nên phổ biến. Nổi bật nhất phải kể đến hình ảnh Bannon trên trang bìa tờ báo Time với dòng chữ “Kẻ thao túng vĩ đại”.

CNN bình luận một trong những lý lẽ quan trọng của ông Trump là không ai có thể cao hơn sếp, và ông Bannon vì thế mà thất sủng.

Cô độc ở Nhà Trắng

Bannon, người đưa quan điểm dân túy và chống toàn cầu hóa từ trang tin bảo thủ Breitbart News tới Nhà Trắng, đã tồn tại ở Cánh Tây lâu hơn đối thủ là cựu Chánh văn phòng Reince Priebus. Nhưng cuối cùng ông cũng chỉ trụ được chưa tới 1 tháng sau khi John Kelly được bổ nhiệm làm tân chánh văn phòng Nhà Trắng và thiết lập trật tự mới.

Kelly không hiểu được những gì mà Bannon đã làm, vì sao Bannon gây ra quá nhiều rắc rối với các cộng sự như vậy, và vì sao nhiều người không ưa Bannon. Tân chánh văn phòng đã đặt nhiều câu hỏi về Bannon trong những ngày đầu ở Nhà Trắng và nhận ra rằng có quá nhiều sự khinh ghét dành cho vị chiến lược gia trưởng.

“Không một ai thích ông ta”, một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói. “Mọi người chẳng biết gì hơn ngoài việc ông ta đâm sau lưng các đồng nghiệp”.

Mặc dù Bannon đậm đặc tư tưởng bảo thủ, dân túy, phân biệt chủng tộc, Washington Post nhận định vấn đề của ông ta còn là ở tính cách. Rất nhiều người coi Steve Bannon là người khó làm việc cùng

Bannon là chủ tịch trang tin cực hữu Breitbart News trước khi gia nhập chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ông nhận nhiều sự chỉ trích vì tư tưởng bảo thủ, dân túy, phân biệt chủng tộc. Ảnh: Getty.

Theo Politico, việc sa thải Bannon đã được sắp xếp từ lâu, thậm chí trước cả khi Kelly được bổ nhiệm là chánh văn phòng Nhà Trắng. Ông ta ngay từ đầu đã xung đột với các cố vấn khác và không lôi kéo được đồng minh ở Cánh Tây.

“Tôi không ở đây để kết bạn”, Bannon nói với tạp chí New York hồi đầu năm. Ông so sánh công việc ở Nhà Trắng với việc làm nhiệm vụ trong Hải quân Mỹ. “Đây không phải là sống, mà là một kiểu sinh tồn”.

Hồi đầu tuần trước, khi dự đoán về số phận của Bannon dưới “thời Kelly”, Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ viện và là đồng minh của ông Trump, nói: “Tôi nghĩ điều đó phụ thuộc vào việc ông Bannon học cách cư xử như thế nào”.

Học thuyết ‘nước Mỹ trên hết’ tiêu tan?

Giới quan sát nhận định sự ra đi của ông Bannon cho thấy sự thắng thế của phe chống bảo thủ tại Nhà Trắng. Cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng được cho là có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với con gái ông Trump là Ivanka, con rể tổng thống kiêm Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner, Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Gary Cohn.

Những phản ứng đối với việc sa thải Bannon thể hiện rõ ông bị xem là nhân tố gây bất ổn ở Cánh Tây, vốn trải qua hết khủng hoảng này tới khủng hoảng khác.

“Ông ta là kẻ phá hoại và không tuân theo tiến trình. Bây giờ mọi thứ sẽ dễ dàng hơn cho chánh văn phòng, thư ký Nhà Trắng và các hội đồng chính sách trong việc hoạch định chính sách”, một quan chức Nhà Trắng cho biết.

Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của tổng thống, từng là “cánh tay phải” của ông Trump ở Nhà Trắng. Ông được cho là người đứng sau học thuyết “nước Mỹ trên hết” giúp tỷ phú New York giành thắng lợi trong cuộc bầu cử 2016. Ảnh: Getty.

 

Sau sự ra đi của Bannon, nhiều nhà quan sát trông đợi Nhà Trắng sẽ có quá trình xây dựng và triển khai chính sách chặt chẽ hơn trong tất cả các lĩnh vực bao gồm thuế, thương mại, sức khỏe.

Tuy nhiên, một số người bày tỏ quan ngại sa thải Bannon sẽ làm gia tăng quyền lực cho các nhân vật ôn hòa hơn như Cohn, Kushner và Ivanka Trump.

Một số khác lo ngại sự thiếu vắng của Bannon sẽ khiến cho Cánh Tây chẳng còn quan chức cấp cao nào là thành viên đảng Cộng hòa, và không có ai định hình hệ tư tưởng thống nhất để định danh “chủ nghĩa Trump”.
“Sự ra đi của Bannon có vẻ sẽ khiến Trump tách khỏi học thuyết dân túy ‘nước Mỹ trên hết'”, Brian Fallon, người phát ngôn cho Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Bannon được xem là nhân vật trung tâm đứng sau chính sách “nước Mỹ trên hết” (America First) từng giúp ông Trump thu hút cử tri và giành chiến thắng trong cuộc đua tổng thống.

Steve Bannon là hiện thân kế hoạch hành động của ông Trump. Với sự ra đi của Bannon, không có gì đảm bảo ông Trump sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch hành động.

Biên tập viên Joel Pollak của trang Breitbart News cảnh báo Tổng thống Trump có thể sẽ làm thất vọng những người ủng hộ khi trở thành một người theo chủ nghĩa tự do.

“Steve Bannon là hiện thân kế hoạch hành động của ông Trump. Với sự ra đi của Bannon, không có gì đảm bảo ông Trump sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch hành động”, Pollak bình luận./.

 

(Zing)

Related Posts