Quả ‘bom nước’ Trung Quốc có thể dùng để uy hiếp Ấn Độ

BVD – Trung Quốc đã từng đe dọa các nước láng giềng trong đó có Việt Nam về “quả bom nước” là những đập nước thủy điện khổng lồ trên thượng nguồn các dòng sông. Hiện nay, tình hình biên giới Trung Quốc – Ấn Độ đang căng thẳng, chẳng cần đại bác máy bay, Trung Quốc đồng loạt xả lũ các đập ở thượng nguồn, Ấn Độ có thể hứng chịu lũ lụt với sức tàn phá nặng nề.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực cao nguyên Doklam chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Bắc Kinh dường như đang âm thầm khởi động một chiến dịch khác nhằm gây sức ép với New Delhi, theo TopYaps.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ mới đây cho biết Trung Quốc từ tháng 5 đã ngừng việc chia sẻ dữ liệu thủy văn về lượng nước của các con sông bắt nguồn từ nước này chảy qua Ấn Độ, vốn được hai nước thực hiện từ năm 2006 theo một thỏa thuận nhằm ngăn chặn thiên tai trong mùa lũ.

Một đợt lũ lụt tại miền bắc Ấn Độ. Ảnh: TopYaps.

 

Theo các chuyên gia về môi trường và phát triển bền vững, với động thái này, Trung Quốc đang tìm cách treo một quả “bom nước” trên đầu Ấn Độ nhằm gây sức ép buộc New Delhi phải rút quân khỏi Doklam.

“Mặc dù Trung Quốc là một quốc gia có trách nhiệm, nhưng chúng tôi không thể thực hiện đúng nghĩa vụ với Ấn Độ nếu nước này không tôn trọng chủ quyền của chúng tôi”, chuyên gia Hu Zhiyong, thuộc viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội Thượng Hải, tuyên bố trên Global Times.
Giới chuyên gia cho biết Trung Quốc từ lâu đã xây dựng nhiều đập ngăn nước trên ba con sông lớn bắt nguồn từ Tây Tạng và chảy qua Ấn Độ là Brahmaputra, Sutlej và Indus. Đây đều là những con sông chính của Ấn Độ.

Nhà nghiên cứu Santosh Rai thuộc viện Địa chất Himalaya nhận định, nếu Trung Quốc xả lũ tất cả con đập trên sông Brahmaputra, toàn bộ khu vực phía đông của Ấn Độ có thể bị tàn phá bởi lũ lụt trong vài giờ, trong khi nước từ hai con sông Sutlej và Indus có thể nhấn chìm toàn bộ phía bắc nước này.

Theo chuyên gia quốc phòng Anil Gupta, trong trường hợp Bắc Kinh khởi động một cuộc “chiến tranh nước” bằng cách xả lũ đồng loạt các đập, không chỉ toàn bộ vùng Punjab bị ngập lụt mà đập Bhakra Nangal của Ấn Độ cũng bị đe dọa, có thể gây ra vụ vỡ đập có sức tàn phá không kém gì một vụ nổ hạt nhân.

Chuyên gia chiến lược người Ấn Độ Brahma Chellani đánh giá trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới hai nước bước sang tháng thứ 3, Bắc Kinh có thể sẽ dùng thủy lợi như một thứ vũ khí chính trị để kìm hãm sức mạnh của New Delhi.

Nếu Trung Quốc đồng loạt xả lũ các đập ở thượng nguồn, Ấn Độ có thể hứng chịu lũ lụt với sức tàn phá nặng nề.

55 năm tranh chấp biên giới Trung – Ấn. Đồ họa: Việt Chung.

 

 

Theo VnExpress

Related Posts