Xét xử đại án OceanBank: Hàng nghìn tỷ đồng vào túi ai?

BVD – Cơ quan điều tra xác định, các bị cáo chi trả lãi ngoài hợp đồng khiến OceanBank thất thoát hơn 1.576 tỷ đồng, trong đó nhiều khách hàng nhận tiền là những đơn vị có nhiều vốn Nhà nước. Việc này có sự thông đồng giữa doanh nghiệp và lãnh đạo, nhân viên Ocean Bank để hưởng lợi bất chính.

Hà Văn Thắm trước vành móng ngựa.

Bà Hứa Thị Phấn vắng mặt

Ngày 28/8, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử các bị cáo trong vụ án tham nhũng – kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank). Phiên tòa diễn ra trong sự đảm bảo an ninh nghiêm ngặt, lực lượng công an đã có mặt từ trước 6h sáng để lắp đặt cửa soi chiếu, hàng rào an ninh. Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank bị cáo buộc chịu trách nhiệm chính về 2.000 tỷ đồng thất thoát của ngân hàng này và bị truy tố về 4 tội danh với khung hình phạt cao nhất tử hình. Tuy vậy, ông Thắm tỏ ra khá bình tĩnh tại tòa và tươi cười khi bước từ “xe thùng” vào phòng cách ly. Tương tự, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trả lời rành rọt các câu hỏi của tòa, dù cũng bị truy tố ở khung cao nhất là tử hình.

Ngược lại, rất nhiều bị cáo nữ trong vụ án bật khóc ngay khi được tòa hỏi về nhân thân, lý lịch. Họ thuộc về nhóm 34 bị cáo nguyên là GĐ, PGĐ các chi nhánh, phòng giao dịch của OceanBank, bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” vì đã chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, góp phần khiến ngân hàng thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng. Tại quyết định trả hồ sơ ngày 8/3 của TAND TP Hà Nội, HĐXX cho rằng việc quy kết các bị cáo chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền là chưa chính xác. Tuy vậy, trong phiên xét xử sơ thẩm lần này cơ quan tố tụng giữ nguyên quan điểm của mình, tiếp tục truy tố 34 bị cáo trên theo kết quả điều tra trước đó.

Cũng tại phần thủ tục, một số bị cáo đề nghị tòa triệu tập 3 bị cáo vắng mặt là Hứa Thị Phấn (SN 1947, đại diện nhóm cổ đông Đại Tín tại Ngân hàng Xây Dựng), Vũ Thị Thùy Dương (nguyên GĐ Khối kế toán và Giao dịch trong nước của OceanBank), Nguyễn Viết Hiền (nguyên GĐ Phòng giao dịch Âu Cơ của OeanBank) để đảm bảo tính khách quan và để các bị cáo được đối chất tại tòa. Tuy nhiên, tòa bác yêu cầu này vì những người vắng mặt đều có xác nhận của cơ sở y tế là mắc bệnh nặng hoặc vừa sinh con.

Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (diễn viên Quỳnh Tứ) bật khóc khi được hỏi về nhân thân.

Tiền đi đâu?

Chiều 28/8, phiên tòa bước sang phần xét hỏi, mở đầu bằng việc đại diện Viện KSND công bố cáo trạng. Đáng chú ý, cáo trạng xác định các bị cáo đã chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho nhiều khách hàng (trái quy định), gây thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng cho OceanBank. Việc chi lãi ngoài bắt đầu khi PVN góp 20% vốn vào OceanBank và cử Nguyễn Xuân Sơn sang ngân hàng làm TGĐ. Sơn đề nghị và được Thắm đồng ý cho mình toàn quyền chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi (khoảng 1%/năm) để huy động vốn. Sau đó, bị cáo Sơn đã chi hàng trăm tỷ đồng cho chủ yếu là các khách hàng thuộc nhóm PVN.

Ngoài ra, Nguyễn Thị Minh Phương – nguyên Phó TGĐ OceanBank chi 263 tỷ đồng cho Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy (SBIC, tức Vinashin); Tổng Cty thăm dò khai thác dầu khí hơn 76 tỷ; Tổng Cty Bảo hiểm Dầu khí gần 20 tỷ; Cty CP Cảng Phước An hơn 3,2 tỷ… Tuy nhiên, do bà Phương mắc bệnh hiểm nghèo nên được TAND TP Hà Nội ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Tiếp đến, bị cáo Nguyễn Minh Thu – nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank bị cáo buộc nhận 125 tỷ đồng để chi lãi ngoài cho các đơn vị như Liên doanh dầu khí Vietsovpetro là 22,7 tỷ; Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn gần 10 tỷ; Tổng Cty dầu Việt Nam gần 16 tỷ đồng…

Tổng cộng, CQĐT xác định từ 2011 tới 2014, có hơn 51.000 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế nhận tiền lãi ngoài, sai quy định từ OceanBank. Công an đã gửi yêu cầu giải trình, cung cấp tài liệu tới các tổ chức kinh tế nói trên nhưng đến nay mới có 143 tổ chức trả lời. Trong đó, có 19 tổ chức kinh tế khẳng định có nhận lãi ngoài từ OceanBank và trả lại hơn 3 tỷ, 124 tổ chức trả lời không nhận tiền lãi ngoài.

Đặc biệt, CQĐT khẳng định trong số khách hàng nhận tiền sai quy định từ OceanBank có nhiều khách có tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế nhiều vốn Nhà nước. Các tổ chức này chủ yếu thuộc 2 nhóm PVN và SBIC. Việc này có dấu hiệu thông đồng giữa nhóm doanh nghiệp có vốn Nhà nước và lãnh đạo, nhân viên OceanBank nhằm nhận các khoản lãi ngoài rồi để ngoài sổ sách kế toán, hưởng lợi bất chính./.

 

(Tienphong)

Related Posts