Triều Tiên né các lệnh trừng phạt như thế nào?

BVD – Buôn bán ngầm và xây dựng mạng lưới công ty bình phong là 2 trong số những biện pháp Bình Nhưỡng dùng để lách cấm vận và tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân.
Liên Hợp Quốc (LHQ) gần đây đã thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần 6 của nước này. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn hoài nghi về hiệu quả và sự phù hợp của những biện pháp đó.

Nhiều báo cáo từ chính phủ Mỹ và các chuyên gia LHQ đã chỉ ra cách thức Bình Nhưỡng sử dụng để có nguồn thu ngoại tệ, đối phó lệnh cấm vận cũng như tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân.
Hàng đổi hàng
Triều Tiên dùng than đá và các khoáng sản để trực tiếp đổi hàng hóa cần thiết như linh kiện vũ khí, thậm chí là xa xỉ phẩm. Điều này giúp việc chuyển tiền tránh bị theo dõi.

Tháng 11 năm ngoái, LHQ ra nghị quyết hạn chế xuất khẩu than đá đối với Triều Tiên. Một nghị quyết mới mạnh mẽ hơn được thông qua tháng trước đã áp đặt lệnh cấm buôn bán than đá với Triều Tiên, nhưng những hoạt động thu mua nhiên liệu này vẫn tiếp tục.

Cũng vào tháng trước, một đơn kiện lên tòa án liên bang Mỹ hé lộ về doanh nhân Trung Quốc có tên Chi Yupeng đã dễ dàng qua mặt các biện pháp cấm vận từ LHQ để “tiếp tế” cho chương trình vũ khí của Triều Tiên trong nhiều năm qua.

Với công ty Vật tư Thép Dandong Zhicheng (Dandong Zhicheng Metallic Material) và mạng lưới công ty của mình, Chi đã “tài trợ” cho Bình Nhưỡng hơn 700 triệu USD thông qua hoạt động nhập khẩu than. Đổi lại, các công ty của Chi chuyển về Triều Tiên hàng loạt sản phẩm, từ điện thoại di động, đường, các mặt hàng xa xỉ, cho đến các bộ phận tên lửa và thiết bị hạt nhân.


Buôn lậu
Những người buôn lậu từ các nước khác, như Trung Quốc, vô hiệu hóa máy phát nhận tín hiệu trên tàu của họ khi đi vào vùng biển Triều Tiên, sau đó chở hàng hóa Bình Nhưỡng sang quốc gia khác rồi nói rằng hàng hóa được sản xuất tại quốc gia này. Nga là một trong số những thị trường quen thuộc.

Washington Post dẫn nhiều nguồn tin cho biết số lượng tàu vận chuyển hàng giữa các cảng biển Triều Tiên với cảng biển Vladivostok của Nga đã tăng mạnh đầu năm nay.

Giả giấy tờ đăng ký tàu biển
Triều Tiên đăng ký số lượng tàu biển lớn kể từ ngày 2/3/2016 với 70 tàu, tăng 44% trong 18 tháng. Bình Nhưỡng cũng có động thái bất thường như chuyển các tàu từ đội tàu kinh doanh quốc tế sang đội tàu nội địa, nhằm “cố tình che giấu dữ liệu quan trọng trong việc nhận dạng tàu để lách luật hàng hải quốc tế”.

Theo LHQ, hãng vận tải biển Ocean Maritime Management của Triều Tiên, được cho là chuyên vận chuyển vũ khí và hàng cấm, cũng đã đổi tên và đăng ký lại một số tàu của mình bằng giấy tờ giả.

Xuất khẩu lao động và dự án
Chính phủ Mỹ cho biết hiện có gần 100.000 người Triều Tiên làm việc trên khắp thế giới, mang về cho chính quyền Bình Nhưỡng khoảng 500 triệu USD.

Ngoài xuất khẩu lao động, LHQ cũng chỉ ra rằng tập đoàn được đăng ký kinh doanh ở nước ngoài Mansudae là một trong những nhân tố giúp Triều Tiên thu về nhiều ngoại tệ. Tập đoàn này sử dụng lao động Triều Tiên để thực hiện các dự án xây dựng ở nước ngoài, đồng thời chuyển các dự án và nhân viên của mình tới những nhà thầu khác, chủ yếu là ở châu Phi.


Nghị quyết của LHQ được thông qua tháng 11 năm ngoái kêu gọi các nước cảnh giác về việc Triều Tiên sử dụng lao động ở nước ngoài. Ảnh: China Daily.

Tận dụng thiết bị cho quân sự
Triều Tiên còn tận dụng các thiết bị nhập khẩu không chịu lệnh cấm vận, sửa chữa và tân trang chúng để phục vụ cho mục đích quân sự.

Hồi tháng 4, Triều Tiên đã ra mắt dàn tên lửa trong lễ duyệt binh lớn nhất lịch sử. Video và hình ảnh từ buổi lễ cho thấy trên thùng nhiên liệu của xe chở tên lửa Pukguksong-1 có biểu tượng của hãng vận tải Trung Quốc Sinotruk.

Năm 2015, Triều Tiên cũng dùng xe tải mang hiệu Howo của Sinotruk trong lễ duyệt binh, dù theo LHQ, nhà sản xuất xe tải Trung Quốc đã làm rõ trong thỏa thuận với Triều Tiên là phương tiện chỉ dùng cho mục đích dân sự.

Hệ thống công ty bình phong
Các công ty Triều Tiên thiết lập tài khoản ngân hàng cho hệ thống của mình ở nước ngoài để gửi tiền vào đó. Điều này giúp việc chuyển tiền cho các ngân hàng tại Bình Nhưỡng tránh khỏi con mắt của các nhà điều tra.

Theo LHQ, công ty sản xuất thiết bị truyền thông quân sự của Triều Tiên Glocom được cho là đã sử dụng một số công ty bình phong ở Singapore, Malaysia và Hong Kong để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp.

Hồi tháng 9 năm ngoái, bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc hình sự doanh nhân Trung Quốc Ma Xiaohong sử dụng công ty Dandong Hongxiang Industrial Development của mình để giúp Tập đoàn Ngân hàng Kwangson của Triều Tiên “rửa tiền” ở nước ngoài.


Xe chở tên lửa Triều Tiên có logo hãng vận tải Trung Quốc Sinotruk trong lễ duyệt binh hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Vỏ bọc ngoại giao
Giới chức Mỹ lâu nay vẫn cho rằng chính quyền Triều Tiên sử dụng tài khoản ngân hàng của các nhà ngoại giao để thực hiện các hoạt động giao dịch trên phạm vi toàn cầu. Các nhà ngoại giao Triều Tiên mở tài khoản ở nước ngoài đứng tên mình, tên các thành viên trong gia đình hoặc trên danh nghĩa công ty.

Kim Chol Sam, đại diện chi nhánh ngân hàng tín dụng Daedong ở Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, được cho là đã lập ít nhất 8 tài khoản ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong để sử dụng trong những giao dịch trị giá đến hàng triệu USD.

Bán vũ khí
Bất chấp cấm vận từ LHQ, Triều Tiên vẫn buôn bán vũ khí và đào tạo quân sự ở nước ngoài, nhất là châu Phi và Trung Đông.

Một cuộc điều tra của LHQ chỉ ra rằng trong số các “bạn hàng” của Bình Nhưỡng có Angola, Congo, Eritrea, Mozambique, Namibia, Syria, Uganda và Tanzania. Các nước châu Phi khác là Botswana, Mali và Zimbabwe cũng bị điều tra về những mối liên hệ với các công ty Triều Tiên./.

 

(Zing)

Related Posts