Bộ máy phình to sau 5 năm tinh giản

BVD –  Báo cáo giám sát của Quốc hội cho rằng dù nhiều bộ, ngành địa phương thừa lãnh đạo nhưng vẫn thiếu cấp phó… đi họp. Còn đại biểu Quốc hội đề nghị cần giảm ngay cấp phó.
Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 của Quốc hội cho rằng tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải hội họp nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, quy trình xử lý công việc còn chậm.

Tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên còn nhiều đầu mối.

Vào cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian.

Trình bày báo cáo, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho hay tình trạng Trung ương có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó vẫn là phổ biến (có 17/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức “cứng” ở các địa phương, chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm của địa phương.

“Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh. Tỷ lệ người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương cũng ở mức cao, không hợp lý”, báo cáo nêu.

Nhiều địa phương cho rằng, việc quy định “cứng” số lượng cấp phó ở các sở, phòng của UBND cho mỗi sở, phòng thuộc UBND là không hợp lý, không phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế – xã hội của mỗi địa phương. Vì thực tế công việc có sở, phòng cần nhiều cấp phó, ngược lại, có sở, phòng cần ít cấp phó.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Đoàn giám sát, do phương thức làm việc trong các cơ quan hành chính hiện nay chậm được đổi mới, duy trì các cuộc họp, hội nghị triển khai công việc quá nhiều, không gắn với nguyên tắc làm việc theo chế độ chuyên viên… nên địa phương nào, cơ quan nào cũng thiếu cấp phó để đi họp…


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, nhận định quy định pháp luật ở đây “vẫn còn kẽ hở”. Chính vì vậy mới dẫn đến tình trạng hình thành một số chức danh không có trong quy định như “hàm Vụ trưởng”, “hàm Vụ phó”, hoặc là quy định các Bộ không có quá 4 thứ trưởng nhưng thực tế đều nhiều hơn, có bộ đến 9 thứ trưởng…

“Trung ương làm được, tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được; tỉnh làm được thì xã, phường, huyện làm được… từ đó cấp phó tăng nhanh, không chỉ trong cơ quan Nhà nước, mà còn cơ quan Đảng, đoàn thể”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu thực tế và đề nghị việc cần làm ngay của bộ máy hành chính là “tinh giản cấp phó”.

Bộ máy phình to sau 5 năm tinh giản Đại biểu Quốc hội nêu thực tế sau 5 năm thực kiện kế hoạch về tinh giản biên chế, bộ máy không gọn lại mà phình ra, đặc biệt là hình thành một số chức vụ không có trong quy định.

Đại biểu Phạm Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng tinh giản biên chế, bộ máy là yêu cầu khách quan và cấp thiết, tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế, cho rằng nguyên nhân vẫn do người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, chưa quyết liệt thực hiện, kỷ luật công vụ chưa nghiêm…

Đại biểu Lượng đề xuất giải pháp khẩn trương rà soát quy định về tổ chức các bộ ngành, giảm cấp trung gian, giảm đầu mối, biên chế; kiên quyết sắp xếp lại, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả, hợp nhất các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; kiểm điểm, xử lý nghiêm các sai phạm, công khai kết quả xử lý để nhân dân giám sát…

Toàn cảnh nhân lực của bộ máy Nhà nước Cả nước có 2,5 triệu biên chế, chưa kể con số trong lực lượng vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước. Chỉ cần giảm 1,5% biên chế mỗi năm, chi ngân sách sẽ giảm 800-900 tỷ đồng./.

 

(Zing)

Related Posts