Đại biểu tranh luận chuyện buôn lậu thuốc lá

BVD – Giơ túi thuốc lá lậu tự tay mua ở An Giang, đại biểu Phạm Sỹ Cương đặt vấn đề về tình trạng trên nóng dưới lạnh, địa phương thờ ơ với chỉ đạo. 2 đại biểu An Giang tranh luận lại.
Trong 3 ngày 31/10 đến 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đại biểu Long An nói lại về chuyện buôn lậu thuốc lá
Tại hội trường, 2 đại biểu của Long An là bà Mai Thị Ánh Tuyết và Phan Thị Mỹ Dung cùng lên tiếng phân trần về nỗ lực chống tham nhũng của địa phương.

Theo bà Dung, tỉnh Long An đã tăng cường tiến hành kiểm tra xử lý tình trạng buôn lậu. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã xử lý các vụ buôn lậu gần bằng số lượng cả năm 2016.

Việc giám sát tình hình buôn lậu trên địa bàn có sự tham gia của nhiều lãnh đạo. Qua giám sát, hoạt động buôn lậu trên địa bàn tỉnh đã đc kiểm soát, giảm 50% so với năm trước.

Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu tại Long An rất phức tạp với hơn 134 km tiếp giáp với Campuchia với nhiều ngõ ngách, đường mòn gây khó khăn cho việc quản lý, thuận lợi với các đối tượng buôn lậu. Đặc biệt, hiện nay các đối tượng buôn lậu thuốc lá còn sử dụng ôtô để vận chuyển với số lượng lớn nhưng khi kiểm tra thì cũng chỉ có thể tịch thu và xử lý hành chính vì quy định phải tới năm 2018 mới được phép xử lý hình sự.

Điều này dẫn tới chưa đủ tính dăn đe với các hoạt động buôn lậu.

‘Làm 10 đồng đóng thuế gần 4 đồng’
Đại biểu Lê Minh Chuẩn – Quảng Ninh, nêu thực tế người dân đang phải cõng nhiều loại thuế, phí trên thu nhập. Người dân làm 10 đồng thì phải nộp thuế gần 4 đồng.Thực tế năm 2017 đã áp dụng tối đa phương pháp tận thu nhưng ngân sách vẫn giảm, thu không đủ chi. Dù đã tăng tối đa xong kết quả thu NSNN không đạt mong muốn đề ra, vì vậy cần xem xét lại phương pháp.

Thay vì tận thu doanh nghiệp nên chuyển sang dưỡng thu để ổn định nguồn thu các năm. Từ đó, tạo một trường kinh doanh thuận lợi, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển như vậy sẽ cải thiện được nguồn thu.
1 giờ trước
Phần nhiều doanh nghiệp FDI báo thua lỗ

Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng sau cơn địa chấn thu hút FDI lại là mối lo về mối liên hệ giữa FDI và tăng trưởng. Đột ngột giảm rồi đột ngột tăng GDP vì biến động sản phẩm của một vài doanh nghiệp FDI là đáng lo ngại.

Điểm lại những đóng góp của GDP cho nền kinh tế, ĐB Nhân chỉ ra khu vực này chỉ đóng góp 15-19% cho ngân sách, thấp nhất trong các khu vực. Phần nhiều doanh nghiệp FDI báo thua lỗ, nhưng điều ngược đời là càng thua lỗ thì càng mở rộng sản xuất.


Nhiều doanh nghiệp mang tiếng công nghệ cao nhưng phần lớn là gia công, lắp ráp. Chúng ta cung cấp nhiều ưu đãi đặc thù cho FDI nhưng có xứng đáng.

Trong khi đó, theo ông Nhân, doanh nghiệp tư nhân chưa được quan tâm. Viettel vỡ mộng khi bị Bộ Tài chính từ chối ưu đãi thuế như Samsung, gốm sứ Minh Long bị từ chối khoản hỗ trợ tài chính vì thiếu một vài thủ tục… thì có công bằng cho nền kinh tế.

Có 1 triệu doanh nghiệp mà không có thay đổi cách tiếp cận, thì chỉ tăng về lượng mà khó tạo đổi về chất.

“Đến bao giờ chúng ta có thể rời vai những gã khổng lồ, tự đứng vững được trên chân của mình”, ông Nhân nêu.

Doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị đến đâu?
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho biết năm 2017 Chính phủ nỗ lực, quyết liệt, kiên định trong thực hiện các mục tiêu nên kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực. Nhưng một số vấn đề có đề cập, theo đại biểu Hải, chưa đậm nét.

Mô hình sản xuất, quản lý, nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm tiêu thụ VietGAP, GlobalGAP chưa có nhiều tiến triển, giải cứu nông sản chưa triệt để. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ đi kèm chưa tốt.

Thu hút nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Formosa nhưng phải xem DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị này đạt đến đâu, giá trị nội địa đến đâu.

Tiếp đó, ông băn khoăn về kết nối giữa DN Việt và DN FDI. Ông Hải cho rằng cần quan tâm xúc tiến đầu tư, tập trung xây dựng mạng lưới phân phối, nếu có mạng lưới tốt thì mới tránh được tình trạng giải cứu nông sản ồ ạt như gần đây. Môi trường đầu tư cần được cải thiện, nâng cao trách nhiệm bộ máy công quyền, tránh nhũng nhiễu.

Đại biểu lo tình trạng trên nóng dưới lạnh, bộ máy bên dưới thờ ơ
Hơn 10 phút phát biểu tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) dành thời gian để nói về vấn đề mà ông cho rằng nhược điểm đã rõ của bộ máy: Tình trạng trên nóng dưới lạnh. Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ quyết liệt, quyết tâm nhưng bộ máy bên dưới thờ ơ, không làm tròn nhiệm vụ.

Hai dẫn chứng được nêu ra là tình trạng buôn lậu, cụ thể là buôn lậu thuốc lá và nạn phá rừng.

Mang một bịch thuốc lá mà ông mua được trong 3 ngày đi khảo sát, mục sở thị tình trạng buôn thuốc lá lậu tại các tỉnh phía Nam, ông Cương cho biết, tình trạng buôn lậu đang rất sôi động, trên đất liền và trên biển, thiệt hại lớn nhưng không có thống kê, và có giải pháp hữu hiệu.

“Tôi thấy vận chuyển công khai ở những cung đường nhất đinh, theo giờ nhất định. Ở Châu Đốc, thuốc lá lậu được chở xe máy 1-4h sáng. Còn qua Long An, đoạn quốc lộ 62, cách cửa khẩu chỉ vài trăm mét, thì thời gian là trước 13h. Đó là khung giờ bọn buôn lậu mua được, xe máy chạy rầm rầm với tốc độ kinh hoàng, dù chúng tôi chụp ảnh, quay phim”, đại biểu Cương cho biết. “Tôi chỉ mong 1 lần được gặp lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát trong 3 ngày nhưng đáng tiếc là không gặp. Nếu tăng cường chống tiếu cực, thì việc này sẽ còn gia tăng, đặc biệt sắp Tết”.

Chuyện phá rừng cũng là minh chứng của trên nóng dưới lạnh. Quyết định của Chính phủ bị vô hiệu hóa.

“Nếu không có tiếp tay của chính quyền sở tại, của kiểm lâm, thì không thể có chuyện lâm tặc tàn phá như vậy. 1 trạm kiểm lâm 80-100 xe máy đi qua đoạn rừng. Còn bao lâu thì hết rừng? Chính quyền địa phương phá rừng mới khủng khiếp”, ông Cương trăn trở.

Rừng bị phá tan hoang, lãnh đạo địa phương mới đến xem xét, chỉ đạo mà không phải chịu trách nhiệm gì, thì bao giờ mới đóng cửa được rừng như chỉ đạo của Thủ tướng.

GDP quý I/2018 có lại rơi tự do như vài năm qua?
Đó là câu hỏi của ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) trước thực tế biến động chỉ số tăng trưởng GDP vài năm gần đây.


Dẫn ra chỉ số tăng GDP từng quý của các năm 2015, 2016, ông Hàm đặt ra thực tế GDP có xu hướng rơi tự do vào các quý đầu năm trong khi thường tăng cao dần vào cuối năm.

Tăng trưởng GDP quý IV/2016 đang gần 7% rồi lại đột ngột rơi về hơn 5,1% của quý I/2017. Sau đó, chỉ số tăng GDP tăng tốc thần kỳ ở các quý cuối năm. Liệu quý I/2018 có thoát được quy luật bất thường này?

Đại biểu Hoàng Quang Hàm: GDP quý I/2018 có lại rơi tự do? Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng sự bất thường trong biến động tăng trưởng GDP thể hiện việc tăng trưởng có điểm nghẽn bất hợp lý, trái quy luật thông thường.
Ông Hàm cho rằng nếu không có sai sót về số liệu thống kê, thì sự bất thường trong biến động tăng trưởng GDP thể hiện việc tăng trưởng có điểm nghẽn bất hợp lý, trái quy luật thông thường. Chính phủ cần làm rõ để tránh câu chuyện tương tự.

Thiên tai như giặc, cuốn phăng công sức phát triển

ĐBQH Nguyễn Đắc Kình (Sơn La) đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ, có cơ sở để kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng khi GDP quý sau cao hơn quý trước. Tuy nhiên, nhiệm vụ còn lại nặng nề.

Theo ông, cần cách tiếp cận thực tế, với chuẩn bị đầy đủ và quyết tâm, với biện pháp linh hoạt, nhất là đối phó với thiên tai.

Bài học từ Sơn La cho thấy thiên tai như thứ giặc, cuốn phăng, vùi lấp công sức phát triển kinh tế, tính mạng nhân dân… Vì thế, bên cạnh phát triển kinh tế, cần tính tới các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai.

GDP có khả năng đạt mốc cao nhất 5 năm
Theo báo cáo mà Chính phủ gửi Quốc hội ngay đầu kỳ họp, Chính phủ dự báo toàn bộ 13 chỉ tiêu được Quốc hội giao cho năm 2017 sẽ đạt và vượt, trong đó 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP có thể đạt con số 6,7%, vốn được xem là thách thức. Nếu đạt, con số tăng trưởng GDP năm 2017 sẽ là cao nhất trong 5 năm gần đây.

Dù hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2017 từ 6,5% xuống còn 6,3%, Ngân hàng Thế giới cho rằng quá trình tái cơ cấu kinh tế sẽ giúp cải thiện tiềm lực tăng trưởng.

“Mặc dù có sự suy giảm nhẹ trong tăng trưởng, nhất là trong quý I, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện đà tăng trương khá vững chắc”, báo cáo của Ngân hàng thế giới viết.

Trong khi đó, tại báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đặt câu hỏi về chất lượng tăng trưởng gắn với chỉ số ấy cũng như các chính sách để tránh các rủi ro phát sinh.

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cũng chia sẻ mối lo này khi tăng trưởng phu thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI, tăng trưởng đi liền với tăng nhập siêu cao… Một số vấn đề tồn tại lâu năm của nền kinh tế vẫn chưa được khắc phục mà nợ công là một trong các thách thức lớn.

Theo báo cáo của Chính phủ, dư nợ công hiện khoảng 62,6%, nợ Chính phủ 51,8%, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP.

 

(Zing)

Related Posts