Kiểm toán Nhà nước phát hiện các dự án BOT giao thông thu ‘thừa’ 22.000 tỷ đồng
BVD – Chỉ với 22 dự án BOT giao thông được kiểm tra đến cuối tháng 9 năm nay, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện các dự án đề xuất thu phí ‘quá’ so với tính toán thực của kiểm toán 22.237 tỷ đồng.
Thông tin được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết tại Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước.
Tính đến hết tháng 9/2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán 22 dự án về quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư của Bộ Giao thông vận tải (dự án BOT giao thông).
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng tại 22 dự án BOT giao thông này, tương ứng giảm doanh thu 22.237,6 tỷ đồng.
Đồng thời, KTNN phát hiện có 6 trong số 52 trạm thực hiện thu phí trước 14 năm 6 tháng, trong khi chưa đủ điều kiện thu phí, thu phí trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Toàn quốc có 31 trong tổng số 87 trạm thu phí trên cùng tuyến không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm 70 km.
Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết, theo yêu cầu, cả năm 2017 Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 252 cuộc kiểm toán. Tính đến ngày 30/9/2017, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 185/252 cuộc kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc 164 cuộc kiểm toán, xét duyệt 144 dự thảo báo cáo kiểm toán, phát hành 90 báo cáo kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước cho biết tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 108 dự thảo báo cáo kiểm toán là 22.954 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước sẽ tăng thêm 11.017 tỷ đồng do KTNN đề nghị thu về sau kiểm toán tại các dự án trên. Riêng tăng thu về ngân sách nhà nước gấp 4,05 lần so với cùng kỳ năm 2016 (2.719 tỷ đồng).
NSNN cũng sẽ giảm chi 6.783 tỷ đồng. KTNN kiến nghị xử lý khác 5.154 tỷ đồng. Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 40 văn bản (2 nghị định, 5 thông tư, 13 quyết định và 20 văn bản khác) nhằm bịt chỗ hổng tránh thất thoát, lãng phí.
KTNN cũng cho biết qua kiểm toán ngân sách địa phương của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có nhiều phát hiện việc sử dụng sai nguồn kinh phí số tiền 1.216 tỷ đồng. Các địa phương tạm ứng dự toán từ ngân sách trung ương kéo dài, quá thời hạn đến 31/12/2016 chưa hoàn trả ngân sách trung ương 1.133 tỷ đồng. Ngân sách địa phương cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi xảy ra tại một số tỉnh, thành phố được kiểm toán nhưng chậm khắc phục.
Trong đó 9/23 địa phương tạm ứng xây dựng cơ bản và tạm ứng khác đã quá hạn nhưng chưa được thu hồi 3.256 tỷ đồng trong khi hàng năm địa phương vẫn phải đi vay và trả lãi vay.
Về quản lý và sử dụng đất dự án khu đô thị, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.302 tỷ đồng. KTNN thực hiện tại một số địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai và chọn mẫu kiểm toán một số dự án khu đô thị thông qua kiểm toán ngân sách của 16 địa phương.
KTNN cũng chỉ ra tồn tại được nêu như phê duyệt, thay đổi quy hoạch sử dụng đất còn tùy tiện; một số khu đô thị, nhà ở được phê duyệt quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch chiều cao tầng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu mật độ dân số chưa phù hợp với định hướng quy hoạch chung; việc xác định giá đất chưa kịp thời, làm chậm nộp vào ngân sách nhà nước; xác định giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa phù hợp; chuyển nhượng dự án khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013…
Về việc quản lý và sử dụng biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016 tại một số Bộ, ngành và địa phương, KTNN đã phát hiện chỉ tiêu biên chế cao hơn 2.173 trường hợp so với chỉ tiêu của Bộ Nội vụ. Số thực tế tuyển dụng biên chế viên chức vượt so với số được cấp có thẩm quyền giao 3.045 người. Các đơn vị sử dụng biên chế và lao động hợp đồng vượt chỉ tiêu được giao 6.939 biên chế và 15.070 lao động, trong đó sử dụng 8.280 lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ, không đúng quy định./.
(infonet)