Nga mua 38% vàng thế giới: Triệt sức mạnh đồng dollars Mỹ

BVD – Giới chuyên gia quốc tế đang nỗ lực giải mã việc Nga thu mua vàng ở mức kỷ lục nhằm mục tiêu gì?
Nga mua vàng kỷ lục thế giới

Giới truyền thông Nga cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2017, Ngân hàng Trung ương nước này đã mua vào tới 4,2 triệu Troy Ounce vàng, có tổng trị giá lên tới hơn 5 tỷ USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng vàng mua vào đã tăng thêm 15%.

Ngân hàng trung ương Nga đã tăng cường mua vàng sau khi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu áp đặt trừng phạt chống Nga.

Kể từ đó, cơ quan chuyên trách của Nga đã mua hơn 100 tấn kim loại quý mỗi năm, nhiều hơn bất kỳ cơ quan tương đương nào khác trên thế giới.

Tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten của Đức mới đây cũng đã có bài viết nhận định rằng, dưới thời Tổng thống Nga Vladimir Putin, “kỷ nguyên vàng” đã đến với nước Nga.

Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Nga trở thành người mua vàng lớn nhất của thế giới.

Theo số liệu chính thức, năm 2016 Nga đã mua vàng nhiều hơn Trung Quốc (80 tấn) và Kazakhstan (36 tấn). Khối lượng mua vào lên đến 201 tấn, chiếm khoảng 38% tổng doanh số bán toàn cầu.

Hiện tại, vàng chiếm khoảng 17% trữ lượng vàng ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của hướng đầu tư này đối với Moscow.

Ở các nước đang phát triển khác, chỉ số này thấp hơn nhiều, ví dụ như tại Ấn Độ là 6%, ở Trung Quốc là 3% và ở Brazil chỉ là 1%.

Đồng thời với việc tích cực mua vàng, Nga còn phát triển khai thác vàng trong nước. Quốc gia này hiện đứng thứ 3 trong danh sách các nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Từ năm 1995 đến nay, khối lượng sản xuất đã tăng gấp đôi và đạt khoảng 300 tấn mỗi năm.

Hoạt động tích cực của Nga trên thị trường vàng trong thời gian qua đã đẩy giá kim loại quý lên mức đỉnh cao nhất kể từ năm 2012. Bởi nợ của các nước phương Tây vẫn không ngừng tăng, trong khi hệ thống tài chính do Hoa Kỳ chi phối ngày càng bất ổn định, nhiều quốc gia có nhu cầu tìm kiếm sự đảm bảo đáng tin cậy hơn đồng USD.

Ngoài việc mua vàng ra, Ngân hàng trung ương Nga trong 10 năm trở lại đây đã có thay đổi nghiêm túc về chính sách quản lý dự trữ ngoại hối của đất nước, trước hết là giảm tỷ trọng của đồng euro từ 40 xuống 26% cùng với việc tăng khối lượng vàng từ 8 đến 73,6 tỷ USD.

 

Triệt tiêu sức mạnh đồng dollars Mỹ

Hãng thông tấn Nga Sputnik đã đàm đạo với ông Gabriel Rubinstein, chuyên viên tư vấn tài chính, cựu đại diện Ngân hàng Trung ương Argentina và cựu Giám đốc điều hành Sở Giao dịch chứng khoán của Buenos Aires, về nguyên nhân của động thái đạt nhịp độ kỷ lục như vậy.

Theo ông, các đất nước nhìn xa trông rộng sẽ tích lũy vàng từ ý định chiến lược và phòng thủ, phòng ngừa trước trường hợp nếu giữa các quốc gia phát sinh tình huống hoàn toàn đổ vỡ, khi đồng tiền có thể bị mất bản thể giá trị của nó.

Do đó, tốt hơn hết là phải có những thoi vàng, sẽ tạo thành cơ sở quy đổi ra bất kỳ loại tiền tệ hoặc bất kỳ khoản tín dụng có tài sản giá trị nào khác trong tương lai. Đây là nguồn lực tài chính vĩnh cửu có giá trị hiện thực khi so sánh với những tài sản khác.

Giả sử Hoa Kỳ muốn gây thiệt hại cho một đất nước nào thì người Mỹ chỉ việc dùng đồng USD làm phương tiện thao túng và chi phối hành động của những nước dùng đồng tiền đó và kết quả là những nước phụ thuộc vào đồng dollars sẽ rất dễ bị sụp đổ dưới đòn đánh tài chính của Mỹ.

Vị chuyên gia này kết luận rằng, trong trường hợp Nga cho rằng trữ vàng tốt hơn là trữ USD, Nga tích rất nhiều USD thì khi đó, Mỹ sẽ không có bất cứ công cụ kinh tế và tài chính nào có thể là suy yếu nền kinh tế của Nga.

Các nhà quan sát cho rằng, tích tụ trữ lượng vàng là một yếu tố đảm bảo của Nga trong trường hợp các biện pháp trừng phạt tài chính từ phương Tây. Các thỏi vàng còn là sự đầu tư an toàn và đáng tin cậy về mặt địa-chính trị, không để bị lệ thuộc các chính phủ và quốc gia khác.

Các chuyên gia nhấn mạnh, đối với Moscow, việc tăng lượng dự trữ vàng trở thành ý nghĩa chiến lược vì tính độc lập không phụ thuộc vào ngoại hối của nó, cùng với việc chuẩn bị giao dịch dầu mỏ không bằng USD sẽ cho phép họ ảnh hưởng mạnh tới cán cân trong nền kinh tế toàn cầu.

Ngân hàng Nhà nước Nga còn công bố kế hoạch tăng khối lượng dự trữ vàng và ngoại tệ của Liên bang Nga lên mức 500 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới, nhưng thời hạn cụ thể phụ thuộc vào các kịch bản kinh tế vĩ mô khác nhau.

Như vậy, cùng với khoản tiền mua tương đương 90 tỷ USD trái phiếu chính phủ, trong tổng số gần 20.000 tỷ USD nợ nước ngoài của “Chúa chổm” Mỹ, vàng đang là một vũ khí tài chính quan trọng của Moscow, có khả năng làm suy yếu sức mạnh của Washington và châu Âu./.

 

(Đất Việt)

Related Posts