Những cô gái tuổi 20 rà phá bom, mìn trong thời bình

BVD – Với công việc rà phá bom, mìn và các vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh, những nữ nhân viên trẻ tuổi của dự án Renew – NPA đang góp phần hồi sinh mảnh đất Quảng Trị.

Những cô gái phá bom trong thời bình Những nữ nhân viên rà phá bom, mìn của dự án Renew – NPA chia sẻ về công việc đặc biệt.

“Bà con chú ý, chúng tôi chuẩn bị hủy nổ vật liệu nổ cực kỳ nguy hiểm. Đề nghị bà con ở cách xa 200 m, tìm nơi ẩn nấp an toàn…”, lời cảnh báo được lặp lại nhiều lần, dồn dập vang khắp cánh đồng bình lặng thôn Hà My (Triệu Hòa, Triệu Phong, Quảng Trị).

Nhiều người dân vội quay đầu, đạp xe về phía ngược lại hay tìm nhà dân nấp tạm khi họ đến gần khu vực nguy hiểm.

3…2…1… Sau hiệu lệnh vang to của người đội trưởng là tiếng nổ đinh tai của đạn M79, khói xám phủ kín một góc ruộng.

Việc hủy nổ kết thúc, Hoàng Thị Ngọc Anh lại cầm chiếc loa tay, đi dọc con đường thôn, thông báo với người dân là đã hết nguy hiểm. Đây là công việc hàng ngày của nữ nhân viên y tế thuộc đội xử lý bom mìn lưu động, dự án Renew – NPA.

9X rà phá bom mìn
Ở tuổi 25, Ngọc Anh đã có 2 năm tham gia đội rà phá bom, mìn. Là y sĩ đa khoa, cô chuyên hỗ trợ y tế và kiêm trách nhiệm rải dây điện hỏa để đội trưởng kích nổ khi phát hiện vật liệu nổ.

Nữ y sĩ chia sẻ khi còn bé, thấy những nhân viên của các đội rà phá bom, mìn làm nhiệm vụ ở nơi gia đình mình sinh sống, chị đã mong muốn được làm công việc giống họ.


Ngọc Anh rải dây điện hỏa để đội trưởng kích nổ vật liệu nổ. Ảnh: Hoàng Như.

“Tôi sinh ra khi đất nước hòa bình nên không hiểu được tầm nguy hiểm trực tiếp của bom, mìn, vật liệu nổ. Tuy nhiên, có rất nhiều tai nạn đã xảy ra khiến nhiều người chết và bị thương vì phế liệu chiến tranh còn sót lại. Điều đó khiến tôi hiểu rằng công việc của mình sẽ góp phần làm sạch quê hương”, nữ y sĩ 9X bộc bạch.

Cùng đến thôn Hà My làm nhiệm vụ hôm đó là đội khảo sát phi kỹ thuật. Cô gái duy nhất của đội này là Nguyễn Thị Thu Vân (25 tuổi). Khác với vẻ nữ tính, e dè của Ngọc Anh, Vâm có vẻ ngoài rắn rỏi, tự tin.

Một mình đi sâu vào thôn, Vân vào từng nhà dân để hỏi về những nơi họ biết hay nghi có bom, mìn. Những ghi chép của cô sẽ giúp xác định vị trí của vật liệu nổ để lập phương án xử lý.


Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Vân cho biết mỗi ngày, cô có thể đi 1-2 thôn, gặp khoảng 20-30 người để thu thập thông tin. Những chuyến đi tiếp xúc với người dân như vậy khiến cô biết và hiểu được tai nạn bom, mìn đã gây ra rất nhiều hoàn cảnh thương tâm.

Nữ nhân viên kể có trường hợp cả gia đình gặp nạn, không ai sống sót. Hay trường hợp chết cả mẹ lẫn con khi cuốc đất, để lại người bà già yếu… Vậy nên, khi một vật liệu nổ được xử lý, Vân cảm thấy rất hạnh phúc.

Cô gái 25 tuổi bày tỏ những nơi cô từng đến, đa phần người dân đều nhiệt tình, chu đáo đón tiếp, trả lời vì biết mục đích công việc của đội. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, người dân vẫn dè chừng, họ sợ bị… lừa nên không chịu chia sẻ. Khi đó, Vân phải kiên nhẫn, tiếp xúc nhiều lần để họ hiểu và mở lòng.

Theo Vân, cô đỡ vất vả và nguy hiểm hơn những nhân viên làm nhiệm vụ rà vật liệu nổ – công việc tiếp xúc thường xuyên với phế liệu chiến tranh.

“Nhân viên rà vật liệu nổ phải đối diện với nguy hiểm thường trực. Họ trực tiếp đưa xẻng xuống đất, tiếp xúc với bom, mìn. Chỉ không may chạm vào là tai nạn xảy ra”, Vân nói.

Vân giãi bày sự ra đi của người đội trưởng đội khảo sát kỹ thuật Ngô Thiện Khiết khi đang làm nhiệm vụ cách đây hơn một năm luôn khiến chị và những đồng nghiệp ám ảnh. Kinh nghiệm lâu năm hay sự cẩn trọng đã không cứu được người đội trưởng kỳ cựu. Ranh giới giữa sống và chết chỉ cách nhau trong gang tấc, dựa vào may rủi.

Khi chiến tranh kết thúc năm 1975, hàng triệu tấn bom, đạn chưa nổ còn nằm rải rác khắp đất nước. Những người như Vân, Ngọc Anh hiểu rõ việc Quảng Trị là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 84% diện tích đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ – gấp 4 lần mức bình quân cả nước.


Thu Vân thu thập thông tin từ người dân. Ảnh: Hoàng Như.Đối mặt tử thần

11h, giữa cái nắng gay gắt của ngày cuối hạ, nhìn từ con đường mòn, nhiều bóng người thấp thoáng, ẩn hiện sau những thân cây mọc thưa thớt trên triền cát trải rộng của thôn Linh Chiểu (Triệu Sơn, Triệu Phong, Quảng Trị).

Lại gần, không gian bị chế ngự bởi tiếng rò rò của máy rà kim loại. Những người điều khiển chúng mặc đồng phục bảo hộ, đầu đội mũ, khuôn mặt bịt kín bởi khăn che, không thể đoán được giới tính. Hoàn toàn im lặng, họ chậm rãi đưa máy rà trên khu vực đã định.

Bất chợt, phá tan không gian bình lặng là tiếng kêu chói tai của máy rà khi phát hiện vật thể đáng nghi trong lòng đất, đó có thể là bom, mìn hay bất cứ phế liệu chiến tranh nguy hiểm nào.

Những nhân viên rà bom, mìn của đội khảo sát kỹ thuật trở nên gấp rút, họ nhanh chóng rời bỏ khu vực nguy hiểm để đội trưởng làm các thao tác đánh dấu, xác định trước khi vật liệu nổ được tháo gỡ. Đó cũng là thời điểm nghỉ trưa của cả đội (11-12h).

Tháo bỏ mũ và khăn che, những khuôn mặt hiện ra, họ đều khá trẻ. Cả đội hơn 15 người, chỉ có 3 phụ nữ. Những cô gái rà bom, mìn rụt rè và kiệm lời hơn hẳn. Khi được hỏi về công việc khó khăn, nguy hiểm, họ thường ngập ngừng rồi chỉ cười trừ. Những câu chuyện đời sống khiến họ cởi mở hơn.


Những nhân viên Renew – NPA dùng máy rà kim loại rà phế liệu chiến tranh trên bãi đất trống. Ảnh: Duy Hiếu.

Một ngày của người mẹ trẻ Nguyễn Thị Thu Trang (23 tuổi) bắt đầu từ 4h30. Trang dậy sớm để vỗ về con, cho bé đỡ nhớ hơi mẹ khi chị đi làm một mạch đến tối. Sau đó, cô dọn dẹp nhà và chuẩn bị bữa trưa mang theo để ăn cùng đồng nghiệp. Trang bảo nhiều hôm đi làm sâu vào rừng, nếu không mang cơm theo, sẽ không có gì để ăn.

Sau khi làm xong việc nhà, Trang đến văn phòng để kịp cùng đồng nghiệp chuẩn bị dụng cụ rồi xuất phát đến hiện trường lúc 6h30. Tùy từng hiện trường mà diện tích rà của cả đội khác nhau mỗi ngày.

Trang và những đồng nghiệp của mình làm việc không kể thời tiết. Dù trời nắng gay gắt trên nền cát rát bỏng hay mưa xối xả, bùn ngập chân, cô và đồng nghiệp vẫn lặng lẽ rà bom, mìn trên từng tấc đất quê hương.

Người phụ nữ trẻ tuổi chia sẻ thời gian đầu khi chưa quen công việc, cô cảm thấy khá lo lắng, có đôi chút sợ hãi. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian quen với công việc, cô không cảm thấy sợ hãi hay chán nản trước những khó khăn. Trang bảo hiện tại, cô luôn cảm thấy yêu công việc đã chọn bởi nó mang nhiều ý nghĩa.

Yêu và muốn cống hiến cho công việc đặc biệt này bởi nó mang nhiều ý nghĩa cũng là lời chia sẻ của nhiều nữ đồng nghiệp của Trang. Họ tâm niệm rằng nếu những người gắn bó nhiều năm với công việc như họ nản chí, không làm thì liệu ai sẽ là người giúp tẩy sạch phế liệu chiến tranh khỏi mảnh đất này.


Chị Khánh (trái) và Trang (phải) nghỉ ngơi sau nhiều giờ làm việc. Ảnh: Duy Hiếu.

Chị Nguyễn Hồng Khánh (27 tuổi), đội khảo sát kỹ thuật, tâm sự chị làm công việc này để cống hiến cho đất nước và người dân. Việc rà phá phế liệu chiến tranh sẽ giúp người dân được an toàn và không còn lo sợ.

“Tôi hy vọng những dự án như thế này được kéo dài để giúp tìm hết phế liệu chiến tranh trên quê hương mình”, Khánh chia sẻ.

Hàng ngày, những nữ nhân viên của dự án Renew – NPA như Khánh, Trang, Vân, Ngọc Anh cùng nhiều đồng nghiệp vẫn rong ruổi trên các đường quê Quảng Trị để góp phần xử lý phế liệu chiến tranh. Khánh bày tỏ chị xác định rằng điều quan trọng nằm ở việc bản thân có cố gắng hay không khi đối diện với những khó khăn, khắc nghiệt từ công việc, thiên nhiên…

“Tôi sinh ra ở mảnh đất Quảng Trị đầy nắng gió nên đã quá quen với sự khắc nghiệt của nó. Vì vậy, tôi không hề cảm thấy công việc này khó khăn hay vất vả, những điều đó đã trở thành thói quen rồi”, Khánh cười tươi, làn da trắng ửng đỏ dưới bóng nắng.

Hơn 40 năm trước, ngay khi chiến tranh vừa kết thúc, Quảng Trị đã mở chiến dịch rà phá bom, mìn, huy động gần 3.000 người. Trong quá trình rà phá, nhiều người đã thiệt mạng, có ngày, số thương vong khi làm nhiệm vụ lên đến 15-17 người.

Bên cạnh nỗ lực của địa phương, từ năm 1996, Quảng Trị được Chính phủ cho phép hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện các dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Hơn 20 năm qua, các chương trình, dự án này đã rà sạch trên 11.000 ha đất bị ô nhiễm nặng, di dời và phá hủy trên 430.000 loại bom, mìn./.

 

(Zing)

Related Posts