Quan chức CIA: Chính Mỹ “dâng hiến” vị thế siêu cường cho Nga

BVD – Thông qua việc sử dụng hiệu quả các chiến dịch “quân sự, ngoại giao và tình báo”, Tổng thống Nga Putin đã giành lại cho nước Nga vị thế siêu cường và củng cố được ảnh hưởng trên toàn cầu. Kết quả này phần nào cũng do sự thiếu quyết đoán của Mỹ.
Nhận định trên được cựu tổ trưởng một tổ tình báo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) là Daniel Hoffman đưa ra trên tờ The Washington Times. Theo đó, do không chịu thay đổi chính sách trong quan hệ với Moscow nên Washington “đang cổ vũ cho các hành động gây hấn của Nga” và “tạo ra các rủi ro cho an ninh quốc gia” của mình.

Daniel Hoffman cho rằng, sau thời kỳ Liên Xô sụp đổ và khoảng thập kỷ kinh tế chìm trong suy thoái, Tổng thống Nga Putin đã bắt đầu thực hiện “chiến lược khôi phục nước Nga với tư cách là siêu cường”. “Những năm tháng làm việc trong CIA đã giúp tôi hiểu rằng: cũng giống như những người tiền nhiệm Liên Xô trước kia, ông Putin luôn coi Mỹ là đối thủ chính của mình. Đây là nguyên tắc làm việc của chính trị gia Nga vì Mỹ đã hỗ trợ mạnh mẽ cho kẻ thù trước đó của Nga là Taliban”- Daniel Hoffman viết.

Sau khi những “trì trệ của Xô viết” bị phá bỏ, Tổng thống Nga Putin đã thành công trong việc khôi phục lại ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô Viết, ở Nam Á, Trung Đông và châu Mỹ La tinh.

 

“Nga đã can thiệp toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia và Ukraine. Nhờ ủng hộ Venezuela, Cuba, cũng như giúp đỡ Bolivia trong việc xây dựng chương trình hạt nhân “vì hòa bình”, Nga đã khôi phục được ảnh hưởng của mình ở châu Mỹ La tinh”- Daniel Hoffman đánh giá, đồng thời bổ sung rằng Nga đã giành lại vị thế của mình tại Trung Đông nhờ “các chiến dịch quân sự, ngoại giao và tình báo” ở Syria, cũng như mở rộng được hợp tác với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Nga Putin còn cố gắng xuất khẩu “ý tưởng Nga” vào Mỹ thông qua việc cố gắng gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

“An ninh quốc gia Mỹ đáng ra đã trở nên vững chắc hơn nhiều nếu như Mỹ chú ý đến các cảnh báo của ông Mitt Romney đưa ra năm 2012 về việc Nga vẫn là đối thủ địa chính trị chính của Mỹ”, Daniel Hoffman nhận định, đồng thời chỉ trích chính quyền Mỹ chậm trễ trong việc thu thập thông tin về “các chiến dịch haker của Nga” trong quá trình bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

“Các động thái đáp trả này phải thực hiện trong từng phút chứ không phải theo tháng”- Hoffman khẳng định. Sau 10 tháng tiến hành điều tra vụ việc này, tình báo Mỹ vẫn chưa thể tìm ra được “dấu vết Nga”.

“Chúng tôi vẫn còn khả năng điều chỉnh chính sách trong quan hệ với Nga. Nếu không làm được điều này, chúng tôi sẽ chỉ có thể khuyến khích Nga tăng cường các hành động và gia tăng các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ”- The Washington Times kết luận./.

 

(Infonet)

Related Posts