Sếp lớn lần lượt “nhúng chàm’, tương lai nào cho PVC?

BVD –  Doanh thu giảm mạnh hàng nghìn tỷ đồng, khoản lợi nhuận như “muối bỏ bể” khiến PVC chưa thể khắc phục được khoản lỗ 3.200 tỷ đồng mà Trịnh Xuân Thanh và những đồng phạm để lại sau năm 2013.
Liên quan tới vụ việc một số lãnh đạo bị bắt tạm giam, Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã phát đi thông cáo cho biết, đây là vụ việc liên quan đến giai đoạn trước, PVC đã và đang phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra.

“Đồng thời, Tổng công ty cũng bố trí cán bộ thay thế để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng công ty sẽ chủ động có thông tin cụ thể tới các cơ quan báo chí, các cổ đông khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng”, thông báo cho biết.

Ông Trịnh Xuân Thanh (trái) và Vũ Đức Thuận (phải) từng giữ cương vị cao nhất tại PVC, đẩy doanh nghiệp này vào “vũng lầy” thua lỗ.

Trước đó, nhằm tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản” xảy ra tại PVC, Cơ quan An ninh điều tra – bộ Công an đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt lãnh đạo của PVC như Chánh Văn phòng Bùi Mạnh Hiển, nguyên Trưởng phòng Tài chính, Kế toán Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC – ông Nguyễn Đức Hưng. Đồng thời, Tổng giám đốc PVC Nguyễn Anh Minh cũng nhận Quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Cơ quan An ninh điều tra cho biết, các bị can bị khởi tố về hành vi “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn các quyết định tố tụng của Cơ quan An ninh điều tra – bộ Công an. Hiện, vụ án đang được tiếp tục điều tra để xử lý đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, một số lãnh đạo khác của PVC và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng bị bắt giữ liên quan đến hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVC làm tổng thầu.

Những thông tin tiêu cực và biến động nhân sự thời gian qua đã ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của PVC trong 6 tháng đầu năm 2017. Theo đó, số lỗ luỹ kế tính đến ngày 30/6 vẫn còn gần 3.000 tỷ đồng, tức việc khắc phục hậu quả chỉ là “giọt nước trên sa mạc” nếu so sánh với con số lỗ 3.200 tỷ đồng thời Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo (2009-2013).

Theo báo cáo tài chính mới được doanh nghiệp cập nhật, doanh thu nửa đầu năm giảm gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước, từ gần 4.900 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016 xuống còn 1.721 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Sự sụt giảm hầu như do mảng xây lắp các công trình dầu khí phía Bắc.

Doanh thu sụt giảm mạnh tuy nhiên các chi phí trong kỳ vẫn “lớn như thổi”, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng lên 130 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được PVC chỉ ra do Tổng công ty phải tăng cường trích lập các khoản dự phòng phải thu khó đòi, đầu tư tài chính theo quy định.

Bên cạnh đó, PVC vẫn tiếp tục ghi nhận khoản lỗ gần 9 tỷ do các công ty liên doanh liên kết gặp khó khăn, nhất là các đơn vị kinh doanh bất động sản. Khó khăn chồng chất khó khăn, lợi nhuận trong nửa đầu năm 2017 chỉ đạt 5,6 tỷ đồng, bằng 3% so với cùng kỳ năm trước. So với số vốn đầu tư của chủ sở hữu là 4.000 tỷ đồng (trong đó PVN góp 2.178 tỷ đồng – chiếm 54,5% vốn) thì kết quả trên có thể gây thất vọng cho bất kỳ cổ đông nào trót đổ tiền vào doanh nghiệp này.

Cho đến nay, do những biến động nhân sự cấp cao, phải làm việc và hợp tác, cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra,… ngày họp đại hội đồng cổ đông PVC đã bị lùi vô thời hạn. Hàng trăm câu hỏi của cổ đông dành cho tương lai của PVC lúc này vẫn chưa hẹn ngày giải đáp./.

 

(Nguoiduatin)

Related Posts