Thủ tướng: Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà phá không biết!

BVD – Chủ trì hội nghị bảo vệ rừng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: ‘Không thể xảy ra phá rừng trên địa bàn anh, xã, huyện, tỉnh anh mà không biết, cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết rừng bị phá’.
Sáng nay 14-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Ảnh: Bảo Trân

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng cho biết cả nước chỉ có 3 tỉnh không có rừng, 60 tỉnh thành còn lại, kể cả TP HCM và Hà Nội đều có rừng. Thực tế, chỉ số ít nơi là có tình trạng phá rừng còn cơ bản là có giải pháp, biện pháp tốt bảo vệ và phát triển rừng, đem lại hiệu qủa kinh tế và sinh kế cho người dân. Không thể thấy một số vụ phá rừng ở địa phương này, địa phương khác mà nói phần lớn công tác bảo vệ rừng làm chưa tốt.

Theo Thủ tướng, cần làm rõ tại sao một số địa phương chưa làm tốt công tác bảo vệ rừng. Thời gian qua có một số ý kiến đề nghị chấm dứt chuyển đổi rừng ven biển, rừng đầu nguồn sang mục đích khác hay chấm dứt chuyển đổi rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Thực tế vừa qua có một số địa phương bị lên án về việc này như phát triển du lịch, có phá rừng ven biển…

“Vậy chủ trương, giải pháp làm sao để rõ những vấn đề này. Rồi việc dừng chuyển mục đích rừng tự nhiên sang các mục đích khác tác động thế nào đến phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Từ những tồn tại, hạn chế, cần phải được chỉ rõ, phân tích nguyên nhân”- Thủ tướng đặt vấn đề.

Điều đáng ngại theo người đứng đầu Chính phủ là những công trình thuỷ điện nhỏ có tác động xấu đến diện tích rừng.

“Những công trình thủy điện nhỏ nhưng lại phá rừng rất lớn, trong khi việc trồng rừng trở lại chưa được bao nhiêu. Phải dứt khoát chuyện này để phát triển thủy điện nhỏ có mức độ” – Thủ tướng nhìn nhận.

Từ hàng loạt vấn đề trên, Thủ tướng đề nghị cần đánh giá đúng thực trạng của công tác bảo vệ và phát triển rừng nhất là những hạn chế, yếu kém, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực, khả thi để bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên. Từ đó, các ngành, địa phương phải chỉ ra trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng.

“Chúng ta có hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, có cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng, rồi quyết tâm chỉ đạo của tỉnh uỷ, uỷ ban rất lớn, nhưng nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, mà cấp uỷ chính quyền chưa đề cao vai trò trách nhiệm chỉ đạo trong vấn đề này”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng trách nhiệm bảo vệ, giữ rừng phải ngấm vào cả hệ thống chính trị, coi phá rừng là việc vi phạm pháp luật là nghiêm trọng, phải nghiêm trị. Chính từ đó xác định trách nhiệm của cơ quan chức năng, cấp uỷ, chính quyền địa phương.

“Không thể xảy ra trên địa bàn anh, xã, huyện, tỉnh anh mà trách nhiệm không rõ, mà không biết. Trách nhiệm của cơ quan đơn vị, người đứng đầu là rất quan trọng. Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết rừng bị phá. Cần xác định kỷ cương, kỷ luật, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các ngành, các địa phương phải thực hiện tốt bài toán kinh tế để người dân thoát nghèo, phát triển bền vững nhờ rừng. Bên cạnh các giải pháp bảo vệ rừng, cần nâng cao cuộc sống của người dân, tránh cuộc sống bấp bênh, để họ có trách nhiệm và gắn bó với rừng hơn.

Nhất là các địa phương phải quản lý việc di dân tự do, làm sao để không có di dân tự do lên Tây Nguyên phá rừng.

“Không thể chỉ thấy cây mà không thấy rừng, phải nhìn tổng quát để có giải pháp căn cơ hơn”- Thủ tướng nói.

 

(NLĐ)

Related Posts