Vụ hàng trăm học sinh ngộ độc: Sữa bột Milo được pha với sữa đặc trước khi phát cho học sinh

BVD – Loại sữa gây ngộ độc là sữa bột Milo, được pha chế với một loại sữa đặc, cách điểm trường trên 10km. Bước đầu, ngành chức năng đã tạm giữ hai lô sữa trên để điều tra vụ việc…

Hôm nay (28.10), ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc sữa làm hàng trăm học sinh nhập viện cấp cứu.
Theo đó, Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Công an tỉnh và các ngành có liên quan kiểm tra một nhà trọ tại thị trấn Cây Dương (huyện Phụng Hiệp, cách thị xã Ngã Bảy trên 10km). Đây là nơi Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo M.C thuê phòng để chứa sữa và pha chế, rồi đem đi phát miễn phí cho các điểm trường tiểu học.


Một thùng sữa Milo bị ngành chức năng tạm giữ để điều tra (ảnh: P.V)

Tại đây, lực lượng chức năng tìm thấy 400 gói sữa Milo (dạng bột), trên 1.300 lon sữa Ngôi Sao Phương Nam (dạng đặc có đường), 2 loại sữa này được pha với nhau. Loại sữa Milo trên không phải do Cty Nestle trực tiếp phối hợp với ngành chức năng tổ chức phát miễn phí cho các em học sinh mà do Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo M.C nhận ủy quyền thực hiện.
Ông Lê Văn Khởi – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang cho biết: Việc Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo M.C cho pha 2 loại sữa trên với nhau là không ổn. Bởi, nếu pha loại sữa bột với sữa đặc có đường của 2 công ty khác nhau có khả năng gây ngộ độc.
Ngoài ra, cũng không loại trừ nguyên nhân do nước pha sữa đun sôi chưa đạt quy chuẩn hoặc thời gian pha chế, đưa đến trường cách nhau quá xa (10km), dẫn đến việc bảo quản không đúng cách.
Sau khi vụ việc xảy ra, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo Sở GDĐT Hậu Giang cho dừng ngay việc phát sữa để điều tra nguyên nhân vụ việc. Ngoài ra, các em học sinh bị ngộ sẽ được điều trị miễn phí tại bệnh viện.
Như Lao Động đã thông tin, vụ việc xảy ra vào sáng 27.10, gần 500 em học sinh thuộc hai trường tiểu học Lái Hiếu và Nguyễn Hiền (thị xã Ngã Bảy), sau khi uống sữa Milo pha chế sẵn đã bị ngộ độc, nhập viện. Trong đó, chỉ có 39 em có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nôn ói. Những em còn lại được bệnh viên tư vấn ở lại theo dõi khoảng 2 đến 3 tiếng đồng hồ, không thấy dấu hiệu bất thường thì động viên gia đình cho về. Có những em học sinh không uống sữa nhưng vẫn được gia đình đưa đi đến bệnh viện kiểm tra.
Trước đó, Sở GDĐT tỉnh Hậu Giang đã có văn bản gửi Phòng GDĐT các huyện, thị, TP của tỉnh đề nghị tạo điều kiện cho một người tên Trần Minh Phương (đại diện Cty TNHH dịch vụ quảng cáo M.C) đã được Cty Nestle ủy quyền đến các trường học phát sữa…

 

(Laodong)

Related Posts