Nghiêm túc về chuyện cải cách chữ viết

BVD – “Ngày xưa, khi phát minh ra quả đất quay, tôi không rõ dân chúng bên Tây có băn khoăn siêu hình không, rằng: Trái đất quay sao các ông không bị ngã?! Nhưng ngày nay, tôi nghĩ: Tác giả cải cách chữ viết đã bị ngã!”. Đây là nhận định của PGS.TS Đào Duy Hiệp về việc cải cách tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền.

Không thể đem ví chuyện điên rồ cải cách toàn bộ chữ viết của ông Bùi Hiền với việc phát hiện ra thuyết nhật tâm, các thiên thể, trong đó có quả đất tròn quay quanh mặt trời để bênh vực được ! Với một vài lí do “cấp tiến” : là nghe làm gì “cái đám quần chúng không hiểu gì cả” ; là nên tôn trọng mọi phát kiến khoa học ; là cần phải có một Hội đồng khoa học mới có quyền thẩm định được (xin thưa : nhiều nhà khoa học thực thụ đã lên tiếng phản bác) ; là mọi người ngại đổi thay, lười suy nghĩ ; rồi ban phát tình thương cải lương, mị dân về tình nhân ái ;… Tôi không biết cá nhân ông Bùi Hiền cho đến khi “phát minh” của ông xuất hiện. Theo đó, sự giễu nhại của tôi không nhằm vào cá nhân ông, mà vào sự lọ mọ phát minh phi lí quá mức của ông.

Khi khoa học chưa phát triển, thì việc phát minh ra quả đất tròn là vĩ đại và theo thời gian loài người nhận ra đó là chân lí dù lúc đầu bị rủa xả. Từ chỗ chưa biết, chưa hiểu, họ đã hiểu và đã biết. Nhưng ông Bùi Hiền đã làm ngược lại, lấy xuất phát điểm nghiên cứu khoa học từ chỗ đã biết, đã hiểu, để tiến tới làm người ta không hiểu, không biết ! Hoặc có biết có hiểu rồi thì lại như một trò chơi nghịch ngợm của tuổi teen, rối mù rối mịt !

PGS.TS Đào Duy Hiệp.

Ngày nay, khi chữ viết đã là quy ước bằng văn bản pháp chế, đã được ổn định trong mọi tầng lớp xã hội, mọi ngành nghề, đã được sử dụng từ hàng trăm năm nay, mà lại đòi thay đổi triệt để, thì có khác gì ông Bùi Hiền bảo quả đất ngừng quay. Đọc một bài viết, viết một văn bản bằng chữ quốc ngữ hiện hành, với những người biết chữ, dễ dàng và tự nhiên như việc hít thở. Khi ông Bùi Hiền (luôn được nhấn mạnh là PGS.TS., cựu hiệu phó trường Ngoại ngữ), lại mưu toan điên rồ làm cái việc bóp ngạt mũi, làm ngừng việc thở tự nhiên của toàn dân (tuy mới chỉ dừng ở mức đề xuất), thì cơn thịnh nộ của mọi người là có lí ! Càng có lí hơn khi ông có mác mỏ đầy mình.

Ngày xưa, khi phát minh ra quả đất quay, tôi không rõ dân chúng bên Tây có băn khoăn siêu hình không, rằng : trái đất quay sao các ông không bị ngã ? Nhưng ngày nay, tôi nghĩ : tác giả cải cách chữ viết đã bị ngã ! Nên nhớ : ngôn ngữ (tiếng nói) là ngàn đời, còn chữ viết có thể thay đổi. Nhưng không thể vin vào đó để thay đổi triệt để được. Không ai và không có quyền uy nào làm được điều đó. (Ngay việc thay đổi có tính chất bộ phận như chữ “i” ngắn với “y” dài, đã thống nhất được tất cả đâu). Thầy Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) và một vài người khác cùng thầy dạo thế kỉ 17 có thể tạo được ra quốc ngữ của chúng ta ngày nay (tất nhiên ban đầu còn nhiều ngọng nghiụ, sai sót), theo tôi nghĩ, là vì : dân số nước ta lúc đó còn quá ít (bạn nào có con số cụ thể xin giúp cho) ; dân trí, người đi học còn quá thưa thớt, nên khi những người được cắp sách đến trường là tiếp thu luôn thứ chữ đó. (Nói dân số nước ta thế kỉ 17 còn quá ít, bởi tôi còn nhớ, quãng giữa những năm 60, câu khẩu hiệu luôn văng vẳng bên tai : “31 triệu đồng bào đua sức. 17 triệu đồng bào miền Bắc thi đua với 14 triệu đồng bào miền Nam”,… Đến giữa thế kỉ 20 còn thế, thì lùi vào quá khứ đến 3 thế kỉ, chắc còn ít hơn nhiều).

Có người thấy chán chuyện cải cách chữ viết lẩm cẩm này, tuyên bố là nói một lần và chấm dứt, thì đi một nhẽ; nhưng nếu đòi hỏi mọi người không được bàn tới, là không được ! Động chạm đến chữ viết, quốc hồn của toàn dân, đến quán tính tư duy, soạn thảo, cùng với bao nhiêu hệ lụy kéo theo nó, sao lại bịt mồm bịt miệng người ta được ! Nên nhớ, Bakhtine nói : giễu nhại là tiếng cười khỏe khoắn của dân gian, mang tính toàn dân, nó khai tử mọi thứ giáo điều, già nua, lụ khụ. Nó chôn vùi và tái sinh. Tiếng cười giễu nhại, là tiếng nói của tinh thần dân chủ./.

 

(Thúy Ngân)

Related Posts