Lễ hội chùa Hương 2018: Trái ngọt đầu mùa

BVD – Lễ hội chùa Hương 2018 (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã chính thức khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng năm Mậu Tuất và sẽ kéo dài trong 3 tháng mùa xuân Âm lịch. Điều đáng nói, những bất cập, hạn chế của mùa trước đã được Ban tổ chức đẩy lùi, xóa sổ ở lần tổ chức này, qua đó hướng đến lễ hội “kỷ cương, văn minh du lịch”.

Bước vào mùa lễ hội chùa Hương 2018, Ban tổ chức đã rất nỗ lực hạn chế, xóa sổ những hình ảnh, hành vi xấu xí từng diễn ra ở các lần tổ chức trước đó. Những hình ảnh từng khiến dư luận dậy sóng trong năm 2017 như tranh cướp lộc, tiếng rao bán hàng hóa hoặc quà lưu niệm bằng loa đài của các hộ kinh doanh gây mất trật tự, người ăn xin, đò chở quá lượng người quy định… đã không còn ở lễ hội năm nay.

Hàng ngàn người tới động Hương Tích khi trẩy hội chùa Hương

Bên cạnh đó, trong mùa lễ hội năm nay, 4.500 đò đã được huy động tham gia phục vụ du khách trên dòng suối Yến để hành hương tới đền Trình, chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn, động Hương Tích… Đặc biệt, Ban tổ chức lễ hội kiên quyết không để xuồng máy, đò gắn động cơ vận chuyển khách trên suối Yến nhằm giữ gìn nét đẹp tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2018 nhấn mạnh, để đảm bảo an ninh trật tự tại lễ hội, lực lượng công an địa phương đã được tăng cường, kế hoạch phân luồng giao thông những ngày đông khách đã được triển khai…

Đồng thời, các tổ kiểm tra liên ngành duy trì hoạt động liên tục trong suốt mùa lễ hội để kiểm soát chặt chẽ và xử lý các đối tượng “cò mồi”, chèo kéo, “chặt chém” giá hay các đối tượng kinh doanh hình thức “vui chơi có thưởng”, bán hàng giá cao, lừa đảo… trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa.

Ngoài ra, năm nay, các nhà vệ sinh công cộng cũng đã được xây thêm và xây mới, để đảm bảo không để xảy ra tình trạng khách hành hương đến với lễ hội chùa Hương đi vệ sinh không đúng nơi đúng chỗ, ảnh hưởng đến môi trường cũng như cảnh quan di tích.

Nhờ vào sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, tăng cường các biện pháp an ninh, xử lý mạnh tay các vi phạm, biến tướng trong lễ hội nên những ngày đầu của mùa lễ hội chùa Hương 2018 đã diễn ra an toàn, đảm bảo truyền thống văn hóa, hướng tới văn minh.

Từ mùng 6 tháng Giêng, hàng chục nghìn du khách từ khắp mọi miền đã hành hương về khai hội chùa Hương. Không khí se lạnh ùa về và cơn mưa lất phất cũng không làm giảm nhiệt với du khách trong những ngày chùa Hương đã mở hội.

Ban tổ chức cho biết, chỉ tính riêng ngày khai hội, lễ hội chùa Hương đã đón hơn 150.000 lượt khách. Tại đây, không còn hiện tượng chen lấn xô đẩy như những năm trước, đường lên chùa Hương rất thông thoáng. Các sọt rác được bố trí dày đặc và liên tục, có nhân viên vệ sinh thu dọn nên quang cảnh rất sạch sẽ. Du khách có thể thoải mái đi bộ vãn cảnh chùa cũng như thực hiện các nghi lễ tâm linh vào dịp đầu năm.

Thành công bước đầu trong những ngày đầu tiên của lễ hội chùa Hương năm 2018 đã đem đến ấn tượng tốt đẹp, trải nghiệm thú vị cho du khách trong và ngoài nước. Quan trọng hơn, điều này còn tạo dấu ấn quan trọng trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm di tích, danh lam thắng cảnh Hương Sơn, đồng thời đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ.

Cần phải khẳng định lại, ở Việt Nam, lễ hội chùa Hương luôn là điểm đến của người dân cả nước mỗi khi qua Tết cổ truyền. Mùa lễ hội năm 2017 đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách về miền đất Phật – nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.

Trước ngày mở hội, tất cả các đền, chùa, đình, miếu ở Hương Sơn đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn. Về phần lễ có nghiêng về “thiền”. Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Vòng là “chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngổn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là “tì nữ tuý Hồng” của sơn thần tối cao.

Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần. Chính vì thế, phần lễ là toàn thể hệ thống tín ngưỡng gần như là cả một tổng thể tôn giáo ở Việt Nam; có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho. Trẩy hội chùa Hương vì cả tâm hồn và thể xác đều được đắm sâu vào trong mây ngàn cỏ nội.

Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng ngàn con thuyền trên dòng suối Yến. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãn cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Chính vì vậy, nói đến chùa Hương là nghĩ đến con đò – một dạng của văn hóa thuyền, của cư dân Việt ngay từ thuở xa xưa. Khi rời con thuyền, giã từ sông nước, con người được hòa nhập vào núi vãn cảnh chùa chiền và bắt đầu hành trình mới – hành trình leo núi chơi hang, chơi động lý thú…

(thoibaonganhang)

Related Posts