Nhật – Trung và những mâu thuẫn khó hóa giải

BVD – Hai ngoại trưởng Nhật Bản và Trung Quốc vừa có cuộc hội đàm, trong đó nhất trí thúc đẩy cải thiện toàn diện quan hệ song phương, đồng thời tiến tới thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo. Tuy nhiên, tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) và sự khác biệt trong quan điểm về Triều Tiên cho thấy những vấn đề chưa thể hóa giải trong quan hệ Nhật-Trung.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Tháng 1/2018, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đi thăm Trung Quốc và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đáp lễ trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, với mong muốn “thông qua những bước đi xích lại gần nhau, quan hệ hai nước sẽ có điều kiện để cải thiện sau thời gian dài lạnh nhạt”.

Việc hai nước thúc đẩy cải thiện quan hệ là nhằm chuẩn bị cho các chuyến thăm lẫn nhau giữa nguyên thủ hai nước. Theo kế hoạch, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ thăm Nhật Bản trong tháng 5/2018 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Trung-Hàn, sau đó Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đi thăm Trung Quốc trong năm 2018 và tiếp đó là chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Tập Cận Bình. Mục đích của Thủ tướng Abe là muốn tạo ra dấu ấn trong quan hệ với Trung Quốc để chuẩn bị cho cuộc đua vào chức chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Do vậy, Chính phủ Nhật Bản đã có quan điểm bớt căng thẳng hơn với Trung Quốc trong việc phối hợp giải quyết vấn đề Triều Tiên cũng như tranh chấp trên Biển Hoa Đông, đồng thời mong muốn đẩy mạnh hợp tác về kinh tế.

Về phần mình, Bắc Kinh cũng mong muốn cải thiện quan hệ với Tokyo. Trong bối cảnh quan hệ thương mại với Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, Trung Quốc không muốn đánh mất bạn hàng thương mại cực kỳ quan trọng là Nhật Bản. Ngoài ra, sau khi đã củng cố vững chắc quyền lực, ông Tập Cận Bình cũng muốn thúc đẩy cải thiện quan hệ với Tokyo để làm chuyển hướng sự chú ý và xoa dịu các chỉ trích về việc mọi quyền lực đều tập trung vào tay mình. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn chưa thể có hướng giải quyết như vấn đề tranh chấp tại Senkaku/Điếu Ngư hay nhận thức về lịch sử. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng phải thừa nhận rằng quan hệ Trung-Nhật đối mặt với nhiều vấn đề nhạy cảm và phức tạp.

Trong vấn đề Triều Tiên, hai bên tiếp tục thể hiện quan điểm trái chiều. Nhật Bản tiếp tục chủ trương gây áp lực tối đa với Triều Tiên và mong muốn Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, cùng tham gia gây sức ép với Triều Tiên. Ngoại trưởng Kono tuyên bố sẽ không bao giờ nới lỏng lệnh trừng phạt với Triều Tiên chừng nào Triều Tiên chưa tiến hành phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Lý do mà Nhật Bản đưa ra là vì Triều Tiên từng nhiều lần phá vỡ các cam kết và chưa bao giờ từ bỏ tham vọng hạt nhân, tên lửa.

Ngược lại, Ngoại trưởng Vương Nghị bày tỏ hy vọng Tokyo phát huy vai trò xây dựng và tích cực hơn trong tiến trình giải quyết vấn đề Triều Tiên. Cùng với việc giải thích nội dung hội đàm thượng đỉnh Trung-Triều vào cuối tháng trước qua, Trung Quốc cũng muốn các bên liên quan nới lỏng lệnh cấm vận với Triều Tiên trong bối cảnh nước này chấp nhận đối thoại. Trung Quốc gọi đây là chính sách “hai bánh xe cùng tiến”.

Một số quan chức ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết Trung Quốc đang tính toán phương án nối lại các vòng đàm phán 6 bên và Trung Quốc đóng vai trò chủ tịch vòng đàm phán này. Tokyo hoài nghi về triển vọng của vòng đàm phán 6 bên, cho rằng đây chỉ là hình thức câu giờ của Triều Tiên, trong khi Bắc Kinh đánh giá đàm phán 6 bên là khuôn khổ quan trọng để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Thông qua đàm phán 6 bên, Trung Quốc muốn làm dịu vấn đề Triều Tiên, đồng thời giảm nguy cơ về sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực để tránh gây đe dọa về an ninh với Trung Quốc.

 

(baohaiquan)

Related Posts