Pháp, Anh và Đức khẳng định duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran

BVD – Pháp, Anh và Đức tuyên bố sẽ duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran, cho rằng đây là cách tốt nhất để tránh nguy cơ phổ biến hạt nhân, bất chấp quyết định của Mỹ có thể rút khỏi thỏa thuận này vào ngày 12/5.

Phát biểu trước báo giới ngày 7/5 tại Berlin (Đức), Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm cứu thỏa thuận này vì văn bản này sẽ giúp thế giới tránh được nguy cơ phổ biến hạt nhân và đồng thời là cách thức đúng đắn để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.”

Cũng đề cập đến thỏa thuận tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) này, Đức cho rằng không có lý do để chấm dứt thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) và sẽ nỗ lực hết sức để duy trì JCPOA.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục tin tưởng rằng thỏa thuận này khiến thế giới trở nên an toàn hơn và không có thỏa thuận này, thế giới sẽ kém an toàn hơn. Chúng tôi lo ngại rằng thỏa thuận sụp đổ sẽ kéo theo sự leo thang căng thăng.”

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến tranh nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận JCPOA.

Tại cuộc gặp diễn ra ở Washington trong chuyến công du Mỹ cuối tháng 4 vừa qua, Tổng thống Macron đã kêu gọi Tổng thống Trump không rút khỏi JCPOA. Theo ông, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn có thể đưa ra một giải pháp để tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân.

Cho đến nay, Anh, Pháp và Đức vẫn cam kết đảm bảo thỏa thuận hạt nhân Iran, song nhằm giữ Mỹ ở lại JCPOA, những nước này muốn khởi động cuộc đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo và các hoạt động hạt nhân của Iran sau năm 2025 – thời điểm các điều khoản chủ chốt của JCPOA hết hạn, cũng như vai trò của Tehran trong cuộc khủng hoảng Trung Đông như các cuộc xung đột Syria và Yemen hiện nay.

Tổng thống Trump luôn cho rằng JCPOA là một thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử của Mỹ và tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận này từ ngày 12/5 nếu nội dung văn bản không được sửa đổi theo hướng cứng rắn hơn với Iran./.

 

(Vietnam+)

Related Posts