200 nghìn sinh viên thất nghiệp: Trách nhiệm thuộc về ai?

BVD – Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cứ đào tạo, còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì loay hoay sắp xếp việc làm, cuối cùng 200.000 sinh viên thất nghiệp. Trách nhiệm này thuộc về ai?
Báo cáo tại Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Giáo Dục và Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… nên còn khoảng 200.000 lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm.
Chất vấn việc 200 nghìn sinh viên thất nghiệp, đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) cho rằng, việc này có nhiều nguyên nhân từ các Bộ, ngành, trong đó, có Bộ GD&ĐT và chính người học. Đại biểu Hoa đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp khắc phục?
Giải pháp nào tìm việc cho 200.000 sinh viên?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, việc thất nghiệp 200.000 sinh viên là có thật nhưng để giải quyết căn cơ vấn đề cần phải nâng cao chất lượng.

 Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

“Chất lượng không phải ở các thầy cô theo kiểm định mà cần chuẩn theo kiểm định quốc tế và thị trường. Nên giải pháp cần phối hợp với thị trường, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo. Vừa rồi, Bộ đã có quyết định để quy định quy chế cho một số ngành như CNTT để đào tạo gắn với thị trường lao động, mở rộng khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình khác nhau trong đào tạo, cùng nhau trong chuỗi nâng cao chất lượng đào tạo…”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Theo Bộ trưởng Nhạ để giải quyết vấn đề thất nghiệp các nhà trường không chỉ đợi thông tin về thị trường lao động mà từng trường phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở ngành đào tạo.
“Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra rất nghiêm công tác đào tạo, các trường không phải muốn mở ngành gì thì mở, mà phải gắn với thị trường, phải có trách nhiệm với học sinh, chứ không thể khi vào thì hứa rất nhiều nhưng khi ra thì bỏ mặc”, Bộ trưởng Nhạ cho hay.
Trả lời đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Bộ trưởng Nhạ cho biết, về cơ bản còn thấp không đáp ứng thị trường lao động. Nguyên nhân trước hết là chương trình đào tạo chưa sát với thị trường, chủ yếu do các thầy cô xây dựng chương trình theo hiểu biết, rồi điều kiện đảm bảo chất lượng, giáo viên, cơ sở vật chất tài chính nhiều vấn đề.
Cơ cấu lao động Việt Nam quá bất hợp lý
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nói về tình trạng sinh viên thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, một năm khoảng 700 nghìn lao động được đưa mới vào thị trường. Trong đó, số lượng người tốt nghiệp đại học thất nghiệp vào khoảng 200 nghìn người.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, không quá lo lắng vấn đề này. Vấn đề đáng lo lắng nhất chính là chất lượng việc làm và chất lượng nguồn nhân lực.
“Nếu chúng ta không làm tốt công tác dự báo, phát hiện cung cầu lao động thì chúng ta đang đào tạo một cái mà nhà trường có chứ không phải đào tạo theo nhu cầu thị trường”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Tranh luận với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) nói rằng, người nông dân mong con vào đại học, có lúc phải cầm cố, thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền cho con ăn học. Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cứ đào tạo, còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì loay hoay sắp xếp việc làm, cuối cùng sinh viên vẫn thất nghiệp. Trách nhiệm này thuộc về ai?
Nói về trách nhiệm trong việc này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, nếu là về quản lý nhà nước nguồn nhân lực thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xin chịu trách nhiệm trước Chính phủ vấn đề này.
“Chúng ta đang “đào tạo cái mà nhà trường có chứ không đào tạo theo thị trường”. Kinh nghiệm vừa qua khi các nước hội thảo ở Việt Nam nói nếu không làm tốt công việc này thì chúng ta sẽ là kiểu vừa đi vừa dò đường “tìm kim đáy bể””, Bộ trưởng Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, cơ cấu đào tạo của chúng ta bất hợp lý.
“Không có nước nào cơ cấu đào tạo là 1; 0,3; 0,63 và 0,38, chúng ta đang có một mô hình đào tạo hình đáy rất to. Sinh viên và các lao động trình độ cao, đáy rất to nhưng bị thắt ở giữa. Thắt ở giữa là chúng ta thiếu công nhân kĩ thuật, kĩ sư thực hành. Trong khi đó, mô hình lý tưởng của các nước mà có nguồn nhân lực theo mô hình củ khoai tây, lực lượng công nhân kĩ thuật, những người lành nghề thì phải nhiều hơn. Chúng ta đang ngược lại một chút chỗ này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
(KIENTHUC)

Related Posts