Công tác cộng đồng và bảo hộ công dân: Cần có cách làm mới

BVD – Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cùng hơn 150 đại biểu là Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Cục Lãnh sự.

Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những việc chưa làm được kể từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay và phương hướng công tác cho giai đoạn 2018-2020. Các Trưởng cơ quan đại diện đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, chỉ ra những thách thức, khó khăn, các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cộng đồng ở nước ngoài và bảo hộ công dân tại địa bàn. Trên cơ sở đó, Hội nghị đã thống nhất biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của các công tác này.

Đối với công tác cộng đồng, kể từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, trên tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển, công tác thu hút nguồn lực đã hòa cùng nhịp thở của thời đại, đặt trọng tâm vào những nhu cầu cấp bách, thiết thực của đất nước trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 để vận động kiều bào đóng góp.

Bên cạnh những nguồn lực “truyền thống” với tổng lượng kiều hối hai năm qua hơn 25 tỷ USD, tổng vốn đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) ước tính khoảng 4 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2017, công tác thu hút nguồn lực kiều bào đã tập hợp được nhiều trí thức, doanh nhân đóng góp vào các vấn đề như khởi nghiệp, blockchain, big data, chính phủ điện tử…; đồng thời hướng tới nhóm kiều bào trẻ – những người được đào tạo, năng động, sáng tạo, có nhiệt huyết với quê hương đất nước. Với bước đột phát mới này, công tác về NVNONN bước đầu đoàn kết, tập hợp được lực lượng thanh niên, trí thức trẻ NVNONN hướng vào những nhiệm vụ phát triển cụ thể của đất nước.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết: Công tác cộng đồng tại Mỹ đã có những bước thay đổi rõ rệt đó là các thế hệ thứ 2, thứ 3 tại Mỹ đã mang lại niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt vì có nhiều em học rất xuất sắc, nhận được học bổng của những trường đại học nổi tiếng. Việc trao đổi văn hóa giữa kiều bào trong nước và nước ngoài ngày càng sôi nổi. Nhiều nghệ sĩ hải ngoại đã về nước biễu diễn thành công, đồng thời cũng có một lượng không nhỏ ca sĩ trong nước qua Mỹ lưu diễn được bà con hoan nghênh khen ngợi vì có giọng hát truyền cảm và hấp dẫn, giúp bà con nhớ về quê hương, yêu quê hương hơn và từ đó có những hành động thiết thực đóng góp cho quê hương cả về vật chất, trí tuệ và tinh thần.

Về vấn đề bảo hộ công dân, hiện nay phát sinh nhiều vụ việc chưa từng có tiền lệ và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn trong tình hình mới nhưng đã kịp thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ 16.351 công dân và 608 tàu/5197 ngư dân bị phía nước ngoài bắt giữ hay gặp khó khăn ở nước ngoài từ sau Hội nghị ngoại giao 29 đến nay, tăng khoảng 57% số công dân và giảm 10,7% số ngư dân so với từ sau Hội nghị Ngoại giao 28 (25.666 công dân và 726 tàu/5752 ngư dân).

Đặc biệt, tại Philippines, các hoạt động cướp có vũ trang tại một số vùng biển có nhiều tàu thuyền của Việt Nam qua lại như vùng biển Sulu, diễn ra phức tạp, đe dọa an ninh an toàn hàng hải, gây thiệt hại về tính mạng thuyền viên và tài sản của ngư dân khiến cho công tác bảo hộ công dân gặp nhiếu khó khăn và thách thức.

Ông Lý Quốc Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Philippines cho biết: Trong công tác này chúng tôi gặp khó khăn nhiều về nhân lực và kinh phí do mỗi cán bộ phải thực hiện kiêm nhiệm nhiều việc, nên việc bảo hộ cho ngư dân đôi khi vẫn còn thiếu sót, đồng thời sự hiểu biết về pháp luật quốc tế của ngư dân còn hạn chế, dẫn đến việc tuyên tuyền các chính sách đúng cho các thuyền viên cũng bị áp lực nhiều.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan đại diện, đồng thời ghi nhận các ý kiến phát biểu, đóng góp sâu sắc của Trưởng các cơ quan đại diện, đưa ra một số gợi ý về những cách làm mới, làm sao để nâng cao công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút và phát huy mạnh mẽ hơn nữa mọi nguồn lực của NVNONN phục vụ phát triển đất nước, bảo đảm tính chính xác, kịp thời và hiệu quả trong công tác lãnh sự và bảo hộ công dân, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến đổi nhanh chóng và khó lường.

 

(quehuongonline)

Related Posts