Vụ sát hại các nhà báo gây chấn động Ecuador
Bạn bè và người thân đốt nến cầu nguyện cho các nạn nhân
Vụ giết người ghê tởm
Nhiệm vụ của họ là điều tra làn sóng bạo lực do cocaine tại khu vực này. Nhưng Ortega và 2 người đi cùng – phóng viên ảnh Paúl Rivas và người lái xe Efraín Segarra đến từ Báo El Comercio của Ecuador đã không bao giờ trở về nhà để viết bài phóng sự của mình. Ba tháng sau khi đi tới Mataje, những thi thể đầy vết đạn bắn của họ đã được tìm thấy tại 2 ngôi mộ vô danh ở khu vực biên giới. Theo điều tra ban đầu, lực lượng đặc nhiệm Colombia đã phải mất hơn 8 giờ mới đảm bảo an ninh khu vực này. “Tại nhà xác, tôi đề nghị giám đốc… được nhìn mặt cha tôi lần cuối. Ông ấy nói rằng khuôn mặt không thể nhận ra” – Cristian Segarra, con trai người lái xe nhớ lại – “Khi họ để cho tôi nhìn tay cha, cánh tay đã trong tình trạng phân hủy”.
Những vụ giết người ghê tởm này đã gây chấn động xã hội Ecuador, qua đó cho thấy những khó khăn và nguy hiểm của việc cố gắng đưa tin về khu vực hẻo lánh và cô lập này ở Mỹ Latin. Đã 7 tháng kể từ vụ sát hại các nhà báo, bí ẩn vẫn bao trùm xung quanh cái chết của Ortega cùng các cộng sự của ông. Khu vực biên giới mà họ tìm cách đưa tin từ lâu đã được biết đến là một trung tâm sản xuất và buôn lậu cocaine quan trọng, nơi các nhóm phiến quân và lực lượng Chính phủ Colombia tham gia vào cuộc giao tranh đẫm máu nhằm giành quyền kiểm soát. Cocaine sản xuất tại Colombia được chuyển qua khu vực Tây bắc Ecuador trước khi hướng tới bờ biển Thái Bình Dương tới Trung Mỹ và tuồn lậu vào Mỹ.
Nhà báo Ortega cùng phóng viên ảnh Paúl Rivas và người lái xe Efraín Segarra rời nhà trọ vào sáng sớm để tới Mataje, một ngôi làng rơi vào tình trạng vô pháp luật trên biên giới phía Tây bắc của Ecuador với Colombia để điều tra. Tuy nhiên, bài phóng sự không bao giờ được viết, họ đã bỏ mạng với thi thể lỗ chỗ vết đạn.
Thỏa thuận hòa bình đạt được hồi tháng 11-2016 giữa Chính phủ Colombia với nhóm phiến quân lớn nhất nước này, Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (Farc), dường như đã làm trầm trọng thêm tình hình, với khoảng 12 nhóm du kích – một số có quan hệ với những băng đảng ma túy ở Mexico hiện đang hoạt động tại vùng rừng núi hiểm trở này.
Các nỗ lực gần đây của nhà chức trách Ecuador và Colombia nhằm trấn áp những nhóm này đã gây ra làn sóng bạo lực trả thù tại tỉnh Esmeraldas, phía Tây bắc Ecuador, theo Christian Rivadeneira, một công tố viên địa phương. Hồi tháng 1-2018, một vụ đánh bom xe đã xé nát một đồn cảnh sát ở thị trấn San Lorenzo, khu vực mà một số nhà quan sát cho rằng là dấu hiệu các phiến quân cũ của Farc đang mở rộng địa bàn hoạt động của chúng trong lãnh thổ Ecuador.
Những kẻ sát nhân phải bị trừng trị
Những người chỉ trích cho rằng, đây là một thực tế mà chính quyền Ecuador muốn che giấu. Đại tá Mario Pazmiño, cựu Giám đốc tình báo quân sự Ecuador, phân tích: “Tại sao đây lại là một chủ đề cấm kỵ ở Ecuador? Tại sao chính quyền không muốn mọi người nói về nó? Bởi vì nó cho thấy rằng khu vực biên giới này nằm ngoài tầm kiểm soát, rằng số phận cư dân ở đây bị bỏ rơi. Trong những điều kiện này, làm sao bạn có thể mong đợi họ không cộng tác với những kẻ buôn bán ma tuý”.
Chính điều này đã thôi thúc nhà báo Ortega, 32 tuổi, và nhóm của ông muốn phanh phui khi họ đến Mataje vào ngày 26-3 năm nay. Cô Yadira Aguagallo, đồng nghiệp của phóng viên ảnh Paúl Rivas, nhớ lại việc đã khuyên nhiếp ảnh gia 45 tuổi không nên đi đến vùng đất biên giới đầy bạo lực này. “Đừng đi lần này, làm ơn! Tôi nghĩ nó quá nguy hiểm”, cô nhớ lại. “Đó là công việc của tôi”, Rivas trả lời.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Ecuador, những người đàn ông này đã đi qua trạm kiểm soát quân sự cuối cùng của Ecuador trước khi đến Mataje lúc 9h30, băng qua một khu vực do Walter Patricio Arizala (có biệt danh “Guacho”), một phiến quân cũ của Farc kiểm soát. Sau đó, họ mất tích. 8 ngày sau, một đoạn video được phát sóng bởi kênh truyền hình RCN của Colombia cho thấy 3 người đàn ông cầu xin cứu tính mạng của họ. “Tổng thống Lenín Moreno… tính mạng của chúng tôi nằm trong tay ngài”, nhà báo Ortega nói khi cầu xin trực tiếp tới lãnh đạo Ecuador. Đề cập đến nhóm đứng đằng sau vụ bắt cóc họ, Ortega nói thêm: “Tất cả những gì Mặt trận Oliver Sinisterra yêu cầu là trao đổi tù nhân”.
Có thời điểm, dường như các cuộc đàm phán đã thực sự thành công. Vào ngày 28-3, El Tiempo, một trong những tờ báo hàng đầu của Colombia, đã đưa tin sai rằng họ đã được trả tự do. “Mọi người đều khóc. Đó là một niềm vui không thể tin nổi”, Geovanny Tipanluisa, Tổng biên tập Báo El Comercio nhớ lại.
Nhưng vào ngày 13-4, những hy vọng đó đã tan vỡ khi Tổng thống Moreno xác nhận rằng nhà báo Ortega và 2 cộng sự của ông đã chết. “Chúng tôi sẽ không để cho mình bị hăm dọa”, Tổng thống Ecuador nhấn mạnh. Hiện vẫn chưa rõ vì sao cuộc trao đổi tù nhân thất bại và nguyên nhân cái chết của 3 con tin này.
Những tháng sau đó, nhà chức trách Colombia đã bắt giữ một loạt đối tượng liên quan đến “Guacho”, tuy nhiên tên này vẫn đang lẩn trốn. “Những kẻ gây ra cái chết của Paúl, Javier and Efraín phải bị trừng trị”, Yadira Aguagallo nói.
(ANTD)