Thương chiến Mỹ – Trung căng thẳng, Hàn Quốc “đổ xô” đầu tư vào ASEAN

BVD – Giữa lúc thương chiến Mỹ – Trung căng thẳng, Hàn Quốc đang mạnh tay đầu tư kinh tế và hỗ trợ tài chính cho nhiều nước trong khối ASEAN.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, hôm 6/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kết thúc chuyến thăm ba nước Đông Nam Á bao gồm Thái Lan, Myanmar và Lào trong tuần này.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Theo giới chuyên gia, việc Tổng thống Hàn Quốc thực hiện chuyến thăm chính thức tới ba nước Đông Nam Á và ký kết nhiều thỏa thuận có giá trị lớn giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa có hồi kết là điều cần thiết và là bước đi khôn ngoan của Seoul đối với khu vực được đánh gia có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Trong đó, nhân chuyến thăm tới Thái Lan, ông Moon đã ký kết một thỏa thuận tình báo quân sự với Bangkok. Hàn Quốc còn trao gói hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD cho Myanmar và xây dựng mối quan hệ đối tác thương mại với Lào. Đáng nói, ông Moon trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên thực hiện chuyến thăm cấp quốc gia tới Lào.

Chuyến thăm tới ba nước Đông Nam Á cũng cho thấy, Hàn Quốc đang mở rộng quy mô chính sách ngoại giao ở châu Á. Trước đây, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc chỉ tập trung vào khu vực Bắc Á và Nga. Nhưng dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Moon Jae-in, Seoul đang tìm cách nâng tầm quan hệ với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm đa dạng hóa mối quan hệ kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Theo giới chuyên gia, chiến lược của Hàn Quốc đã nhận được sự ủng hộ từ phía ASEAN. Thậm chí, nhiều nước ASEAN tin rằng chiến lược xoay trục ASEAN của Hàn Quốc có thể giúp cân bằng động lực phát triển của khu vực. Bản điều tra hồi tháng Một của Viện ISEAS-Yusof Ishak, một tổ chức nghiên cứu ở Singapore cho thấy gần 70% nhà đầu tư Đông Nam Á tin rằng ASEAN “đang trở thành đấu trường cạnh tranh của các nước lớn”.

Lý giải nhận định “ASEAN đang trở thành đấu trường cạnh tranh của các nước lớn”, theo Viện ISEAS-Yusof Ishak, đầu tiên phải kể tới căng thẳng Mỹ – Trung. Thông qua các khoản đầu tư và cho vay quy mô lớn theo “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, Trung Quốc đang nắm ưu thế lớn ở Đông Nam Á cả về mặt chính trị, kinh tế và thương mại. Đây là lý do buộc Mỹ phải triển khai chương trình phát triển tài chính riêng nhằm đối phó với việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Tuy nhiên, giữa lúc cuộc đua mở rộng tầm ảnh hưởng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng trở nên căng thẳng, ASEAN lại chọn cách không đứng về bên nào mà thay vào đó tiếp tục đón nhận những nguồn đầu tư nước ngoài từ nhiều quốc gia khác. Điển hình, Nhật Bản, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, lâu nay giữ vai trò là nhà đầu tư tài chính cho hoạt động phát triển hàng đầu của các nước Đông Nam Á. Giống như Mỹ, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đang đặc biệt quan ngại về việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng.

“Khác với Mỹ và Nhật Bản, các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc không quá quan tâm tới việc cân bằng cán cân sức mạnh với Trung Quốc trong khu vực. Hàn Quốc thường tránh ‘gây thù chuốc oán’ với Trung Quốc và các nước lớn khác ở bất cứ đâu”, ông Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama nhận định.

Trong khi đó, ông Scott Snyder, Giám đốc chương trình chính sách Mỹ – Hàn thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ cho rằng “triển vọng của Hàn Quốc ở ASEAN là tốt đẹp hơn so với Mỹ và Trung Quốc”.

 Bởi theo ông Snyder, Tổng thống Moon đã đáp ứng được yêu cầu lâu nay của các nước Đông Nam Á là tìm kiếm nguồn đầu tư mà không vướng vào sự cạnh tranh chiến lược của những nước lớn như Mỹ và Trung Quốc.

“Đối với sự phát triển kinh tế, ASEAN muốn tìm kiếm thêm nhiều đồng minh với hy vọng giảm sự phụ thuộc vào một đối tác đơn lẻ cũng như tăng khả năng đối phó trước hành vi bắt nạt của những đối tác lớn hơn”, ông Snyder cho hay.

Dù khoản đầu tư của Hàn Quốc bao gồm gói hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD trao cho Myanmar còn quá nhỏ bé so với số tiền 7,7 tỷ USD mà Nhật Bản cam kết hỗ trợ, nhưng Seoul hy vọng được xem đứng ngang hàng với Tokyo trên tư cách là đối tác phát triển đáng tin cậy ở Đông Nam Á.

Ông Herve Lemahieu, Giám đốc Chương trình Ngoại giao và Sức mạnh châu Á tại Viện Lowy ở Sydney thì cho rằng ở khu vực Đông Nam Á, Seoul còn có thể giành ưu thế lớn hơn so với Tokyo.

“Điều thú vị là Seoul không công khai ủng hộ Mỹ hay Trung Quốc như cách Tokyo thể hiện. Do đó, Hàn Quốc hiện được xem là đối tác dễ chịu hơn và trung hòa hơn đối với các nước Đông Nam Á”, ông Lemahieu chia sẻ.

Còn theo nhà nghiên cứu cấp cao Jonathan Berkshire Miller tại Viện Đối ngoại Nhật Bản, “Nhật – Hàn không cần thiết phải cạnh tranh trực tiếp bởi chủ trương của hai bên là xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng và phát triển bền vững”.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, hoạt động đầu tư của Hàn Quốc vào các nước ASEAN không hẳn không mang động cơ chính trị. Khả năng Tổng thống Moon muốn ASEAN ủng hộ Hàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

“ASEAN có tiềm năng giữ vai trò ủng hộ và duy trì cái gọi là ‘tiến trình của Tổng thống Moon Jae-in trên bán đảo Triều Tiên’”, bà Chiew-Ping Hoo, giảng viên cấp cao tại Đại học quốc gia Malaysia chia sẻ hồi tháng Tư.

Cũng theo bà Hoo, Hàn Quốc còn mong muốn ASEAN hỗ trợ để đưa Triều Tiên vào hội nhập với cộng đồng khu vực.

(Infonet)

Related Posts