Lệnh bắt cựu Thủ hiến Catalonia: Cơn địa chấn chưa dừng

BVD – Tây Ban Nha chưa thể thoát khỏi cơn khủng hoảng sau khi Catalonia đòi độc lập, cựu Thủ hiến Catalonia lần thứ ba bị phát lệnh bắt giữ quốc tế.

 

Tây Ban Nha vẫn đang đối mặt với những âm ỉ khủng hoảng từ sự kiện đòi độc lập ở vùng Catalonia năm 2017.

Tòa án tối cao Tây Ban Nha ngày 14/10 đã phát lệnh bắt giữ quốc tế mới đối với cựu Thủ hiến Catalonia – ông Carles Puigdemont. 9 cựu quan chức vùng Catalonia cũng bị kết án cùng ngày và chịu mức án từ 9 đến 13 năm tù giam. 

Cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemon.

Đây là lần thứ ba Tòa án Tối cao Tây Ban Nha phát lệnh bắt giữ quốc tế đối với cựu Thủ hiến Puigdemont.

Lần này, thẩm phán Pablo Llarena đã lược bỏ tội danh nổi loạn của ông, chỉ đề cập tới tội danh xúi giục nổi loạn và bổ sung thêm tội lạm dụng công quỹ.

Phán quyết mới nhất của Tòa án tối cao Tây Ban Nha được cho là sẽ có thể làm gia tăng thêm các căng thẳng chính trị ở quốc gia này, đặc biệt là nước này đang chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử vào ngày 10/11 tới.

Đây sẽ là cuộc tổng tuyển cử thứ 4 chỉ trong vòng 4 năm ở Tây Ban Nha sau khi quyền Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhận được quá ít sự ủng hộ từ Quốc hội để thành lập một chính phủ thiểu số, cũng không được ủng hộ để thành lập chính phủ liên minh.

Ông Sanchez đã nhận được nhiều phiếu nhất trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4 để trở thành Thủ tướng Tây Ban Nha nhưng không đủ số phiếu để có đa số tại Quốc hội, buộc ông phải tìm kiếm sự ủng hộ của các đảng khác. Cuộc đàm phán sau đó đã bế tắc.

Kể từ khi ông Carles Puigdemont và đội ngũ của mình tiến hành cuộc bỏ phiếu đòi độc lập với Tây Ban Nha vào năm 2017 và bị đàn áp, cho tới nay, chính trường Tây Ban Nha vẫn chưa thể hàn gắn những rạn nứt nghiêm trọng.Không thành lập được liên minh, ông Sanchez tiếp tục không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm thứ hai tại Quốc hội nước này. Tây Ban Nha sẽ lại tiến hành cuộc bầu Thủ tướng mới vào ngày 10/11 tới đây.

Cựu Thủ hiến Puigdemont cùng 5 cựu quan chức Catalonia khác đã sang sống lưu vong tại Bỉ, Thụy Sĩ và Scotland. Trong số 6 người này, 4 người bị truy nã vì tội nổi loạn và 2 người bị truy nã vì lạm dụng công quỹ.

12 cựu quan chức còn lại dưới thời cựu Thủ hiến Puigdemont vẫn lựa chọn sống tại Tây Ban Nha.

Tháng 6/2018, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy – người ra quyết định giải thể Nghị viện Catalonia – đã bị truất quyền sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, nhường ghế lại cho ông Sanchez. Mang trọng tâm chính sách hội nhập châu Âu, ông Sanchez vẫn không đạt đủ số ghế ủng hộ tại Quốc hội để thành lập một chính phủ.Hồi tháng 10/2017, khi các cựu lãnh đạo Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập, bất chấp sự phản đối của chính phủ, Tây Ban Nha đã phải đình chỉ quy chế tự trị của vùng này, giải tán các cơ quan lập pháp và chính quyền vùng, đồng thời tổ chức cuộc bầu cử địa phương mới vào ngày 21/12/2017.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, quyền Thủ tướng Tây Ban Nha Sánchez nói rằng phán quyết của các thẩm phán thuộc Tòa án Tối cao về những người đã lãnh đạo cuộc nổi loạn tại Catalonia là một ví dụ về quyền tự chủ và minh bạch. Điều đó cũng giúp khẳng định Tây Ban Nha là một trong những nền dân chủ tốt nhất trên thế giới.

Ông nói thêm, trong một nền dân chủ, không ai bị phán xét vì ý tưởng chính trị, nhưng khi nó biến thành hành động thì phải được đặt trong khuôn khổ tư pháp Tây Ban Nha.

Ngay sau khi Tòa án tối cao Tây Ban Nha phát lệnh bắt giữ các cựu lãnh đạo Catalonia đang lưu vong ở nước ngoài, nhiều người biểu tình đã xuống đường ở Thủ đô Barcelona để phản đối phán quyết này. Nhiều người khác tập trung bên ngoài nơi giam giữ các cựu quan chức chính quyền Catalonia.Bất đồng từ việc Catalonia muốn trở thành một quốc gia độc lập với Tây Ban Nha và sự đàn áp của chính quyền Trung ương đã khiến chính trị ở nước này chao đảo.

Trong một tin nhắn được ghi lại từ nhà tù ở Barcelona, Cựu phó Thủ hiến Catalonia Oriol Junqueras – người nhận mức án cao nhất là 13 năm – đã tuyên bố rằng, phán quyết này không phải là công lý, mà là báo thù.

“Đây là hình phạt cho tất cả những người sống ở đây, ở Catalonia và trong xã hội này” – New York Times dẫn lời tuyên bố.

Trong những ngày gần đây, chính quyền Tây Ban Nha đã triển khai các sĩ quan cảnh sát chống bạo động để chuẩn bị cho bất kỳ cuộc biểu tình lớn nào trên đường phố liên quan đến các phiên xử những nhân vật là cựu quan chức chính quyền Catalonia.

Các cuộc biểu tình leo thang vào cuối ngày 14/10, đặc biệt là xung quanh sân bay của Barcelona, ​​nơi hàng ngàn người biểu tình tìm cách chiếm nhà ga chính. Các cảnh quay được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy các sĩ quan cảnh sát Tây Ban Nha với dùi cui đã đụng độ với đám đông.

Các hãng hàng không phải hủy hơn 100 chuyến bay, trong khi những người biểu tình cũng làm gián đoạn giao thông trên một số tuyến đường sắt chính và đường bộ của Catalonia.

Sự mạnh tay của chính quyền trung ương đã làm dấy nên những bất bình của hơn 2 triệu người Catalonia tranh đấu để được đi bỏ phiếu quyết định tương lai tiếp tục phụ thuộc vào Tây Ban Nha hay không.Cho đến nay, châu Âu vẫn đứng ngoài quyết tâm đòi độc lập tại Catalonia. Việc người dân Catalonia bỏ phiếu ủng hộ tách khỏi Tây Ban Nha có thể không thành hiện thực do liên quan đến các quy định trong Hiến pháp. Chính quyền Tây Ban Nha đã sử dụng phương án can thiệp mạnh mẽ vào vùng này.

Cho đến nay, khi chính quyền Tây Ban Nha kiên quyết không thỏa hiệp, không ân xá các tù nhân chính trị Catalonia, cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia châu Âu này càng không có cơ hội được giải quyết trong sớm chiều.

(baodatviet)

Related Posts