Chống tham nhũng: 5 cán bộ cấp cao của Việt Nam bị khai trừ ra khỏi đảng, kết án tù giam

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị tổng kết chống tham nhũng. 

Sáng 12-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chủ trì hội nghị.

Gần 700 đại biểu là các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, thành viên Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, thủ trưởng các ban, bộ, ngành trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, trưởng Ban Nội chính tỉnh ủy, Thành ủy; giám đốc công an; viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân; chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… dự hội nghị tập trung và gần 5.000 đại biểu tại hơn 80 điểm cầu trên cả nước dự hội nghị trực tuyến.

Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (năm 2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận. 

Nhìn lại, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII ( 2015 – 2020 ) đã có 01 Ủy viên Bộ Chính trị, 4 Uỷ viên Trung ương bị khai trừ Đảng. Đây là hình thức kỷ luật nặng nhất đới với đảng viên.

1- ông Đinh La Thăng, cựu Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, nguyên Ủy viên Trung ương, Phó Ban kinh tế Trung ương. Ông Đinh La Thăng là người đầu tiên của khóa XII bị khai trừ . 

Ông Đinh La Thăng trong lần ra tòa tại Hà Nội năm 2018.Ảnh: TTXVN.

Ông Đinh La Thăng, trước toà

Ngày 9/5/2018, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã xem xét và quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng – Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương, bằng hình thức khai trừ Đảng.

Trước đó, ngày 7/5/2017, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đã kỷ luật ông Đinh La Thăng (lúc đó là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM ) bằng hình thức cảnh cáo, cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, với hơn 90% phiếu đồng ý.

Năm 2018, ông Thăng bị phạt 30 năm tù trong hai vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đại Dương. Hồi đầu năm 2020, ông tiếp tục bị đề nghị truy tố trong vụ án chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng.

Trong tháng 12.2020, TAND TP HCM đang tiếp tục xét hỏi cựu bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng về các cáo buộc sai phạm trong quá trình bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương, dẫn đến việc Đinh Ngọc Hệ (tức Út “Trọc”, 49 tuổi, nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) chiếm đoạt 725 tỷ đồng của nhà nước.

 

2- Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng đồng loã ăn tiền cùng vào tù

3- Trương Minh Tuấn , cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương.

Cả hai cựu bộ trưởng này bị Trung ương khai trừ Đảng ngày 11/10/2019, trong phiên làm việc của hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khoá XII), 7 tháng sau khi nhận quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam trong vụ án hình sự Mobifone mua 95% cổ phần của AVG”.

Cuối tháng 12/2019, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Bắc Son án tù chung thân về tội Nhận hối lộ, 16 năm tù do Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công, tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Cùng tội danh, cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhận mức án lần lượt 8 và 6 năm tù, hình phạt chung 14 năm

 

4- Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu Đô đốc -Tư lệnh quân chủng Hải quân, bị Ban chấp hành Trung ương khai trừ Đảng hồi tháng 5.

Nguyên Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến. 

Cuối tháng 4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khai trừ ông Hiến do “vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong vụ án hình sự xảy ra tại Quân chủng Hải quân”.

Ngày 21/6/2019, ông Hiến bị Bộ Chính trị cách các chức vụ: Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương nhiệm kỳ 2005-2010; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010 (gồm Phó bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy và Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010).

Ba tháng sau, ông bị Thủ tướng xóa tư cách nguyên Tư lệnh Hải quân. Tháng 10/2019, ông bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.

Ông bị cáo buộc gây ra loạt sai phạm khiến Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý 3 lô đất quốc phòng ở trung tâm quận 1 (TP HCM) trong 49 năm, gây thiệt hại 939 tỷ đồng. Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân sau đó tuyên phạt Đô đốc Nguyễn Văn Hiến 4 năm tù.

 

5- Nguyễn Đức Chung – nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Hoàng Phong

Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Hoàng Phong

Ngày 17/12, Ban chấp hành Trung ương khóa XII quyết định khai trừ ông Nguyễn Đức Chung – nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ra khỏi Đảng.

Theo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Chung đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.

Bị kết tội chiếm đoạt tài liệu mật của vụ án Nhật Cường, ngày 11/12, cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị phạt 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, theo điều 337 Bộ luật Hình sự.

Trên đây là những cán bộ cấp cao bị khai trừ ra khỏi Đảng trong thời gian gần đây thuộc nhiệm kỳ XII.

Hà Huy, biên tập

Related Posts