Nông nghiệp VN không còn thời kỳ ” trồng cây gì, nuôi con gì ” ?

 BVD – Theo Vn. Tái cơ cấu nông nghiệp “không phải là xác định trồng cây gì, nuôi con gì vì điều này sẽ do thị trường điều chỉnh, quyết định”, theo tân Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời phỏng vấn của VnExpress về những dự định của ông trên cương vị mới.

 Đâu sẽ là công việc ông ưu tiên chỉ đạo trong thời gian tới?

– Nhiệm kỳ 5 năm tưởng là dài, nhưng thế giới biến đổi không ngừng, mọi thứ thay đổi nhanh chóng theo năm, tháng, thậm chí là hàng tuần, hàng ngày. Vì vậy, tôi nghĩ rằng phải hành động ngay, biến những thách thức mới thành lực đẩy, nắm bắt thời cơ kịp thời, huy động nguồn lực tư duy trong và ngoài bộ máy để góp phần đưa nông nghiệp tiếp tục cất cánh; nông thôn thay đổi theo hướng hiện đại giàu bản sắc, nâng cao chất lượng sống người nông dân.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ diễn ra với tốc độ ngày càng cao hơn. Vì vậy, điều đầu tiên tôi quan tâm là nông nghiệp Việt Nam không bị “lỡ tàu”, và chúng ta không đơn thuần đánh giá sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp chỉ dựa vào năng suất, sản lượng, mà phải dựa vào những giá trị tích hợp, đi vào chiều sâu, có tính bền vững.

Tôi cho rằng phải có những giải pháp để kinh tế tri thức thẩm thấu vào sản xuất nông nghiệp và mỗi nông dân. Nền kinh tế tuần hoàn phải phát triển hơn nữa, biến những phụ phẩm trong nông nghiệp thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Chuỗi giá trị ngành hàng nông sản phải được hình thành, thay cho chuỗi liên kết dễ bị tổn thương do xung đột lợi ích các bên tham gia và biến cố thị trường.

Tôi kỳ vọng trong tương lai không xa, nông nghiệp Việt Nam sẽ tạo dựng thành công thương hiệu nông sản sạch, an toàn và chất lượng cao. Để mục tiêu này trở thành hiện thực thì nỗ lực, mong muốn đơn lẻ của một cá nhân, cho dù là người đứng đầu ngành nông nghiệp sẽ chưa đủ, mà cần sự chung tay, cam kết thực hiện của cả một hệ sinh thái, trong đó có sự tham gia của nông dân, người sản xuất, doanh nghiệp, viện, trường, nhà khoa học, kể cả truyền thông…

Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan . Ảnh: Giang Huy

Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan . Ảnh: Giang Huy

– Từng là Bí thư Đồng Tháp, ông sẽ mang những kinh nghiệm thành công của địa phương vào sự phát triển chung của nông nghiệp cả nước như thế nào?

– Cách đây 5 năm, Đồng Tháp đi vào tái cơ cấu nông nghiệp với quan điểm nhất quán: Đây không phải là loay hoay xác định trồng cây gì, nuôi con gì, trồng bao nhiêu, nuôi bao nhiêu, vì điều này thị trường sẽ điều chỉnh, quyết định. Nhưng dù trồng cây gì, trồng bao nhiêu; nuôi con gì, nuôi bao nhiêu đều dựa trên ba yếu tố cốt lõi là “hợp tác, liên kết, thị trường”.

Hợp tác thể hiện qua việc những người nông dân, cơ sở sản xuất cùng nhau gỡ “nút thắt” manh mún, nhỏ lẻ thông qua các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã, hội quán nông dân… Theo đó, những người nông dân không đứng ngoài cuộc, mà được khuyến khích tham gia cùng nhau để tận dụng sức mạnh của số đông, giảm chi phí, tăng chất lượng, ứng dụng được thành quả của khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ.

Liên kết là sự kết nối giữa người sản xuất với các doanh nghiệp. Đó là yếu tố sống còn vì nông dân không thể nào đi vào sản xuất mà không biết thị trường ở đâu, cần bao nhiêu, cần sản phẩm với quy chuẩn, tiêu chuẩn như thế nào. Những điều này doanh nghiệp lại rất am tường thông qua các kênh đàm phán, nắm bắt thông tin. Khi biết được yêu cầu của thị trường thông qua chia sẻ thông tin, cơ chế liên kết, bà con sẽ chủ động hơn trong sản xuất.

Thị trường quyết định cả bên sản xuất và tiêu thụ, nên người nông dân và doanh nghiệp cần xác định mục tiêu thị trường là ưu tiên hàng đầu. Không thể tối ưu hoá sản xuất khi đầu ra còn mơ hồ, nặng tính đánh đố, lệ thuộc vào sự may rủi của thị trường.

Cái cốt lõi là chọn được mục tiêu. Mục tiêu trước đây là chú trọng đầu cung, cố gắng tạo sản lượng nhiều hơn vì chúng ta nghĩ rằng sản lượng càng nhiều thì lợi nhuận của người nông dân càng cao, sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp càng lớn. Tuy nhiên, kinh tế thị trường không định nghĩa như vậy. Sản xuất ít nhưng chất lượng, giá trị cao hơn, chi phí thấp, thì vẫn có lợi nhuận cao hơn. Ví dự như gạo ST25 so với các giống khác thì năng suất không cao bằng, nhưng giá trị của nó mang lại rất cao.

– Tái cơ cấu nông nghiệp sẽ theo hướng nào khi không còn xác định “trồng cây gì, nuôi con gì”, thưa ông?

– Chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Quan điểm “nông nghiệp là một ngành kinh tế, chứ không chỉ là sản xuất đơn thuần” sẽ kích hoạt đa dạng phương thức tiếp cận mới, tích hợp giá trị cộng thêm, mở ra nhiều cơ hội phát triển.

Bên cạnh đó, nông nghiệp phải tích hợp đa giá trị chứ không phải đơn giá trị nữa vì người mua bây giờ mua hàng còn quan tâm đến giá trị, tính tiện ích của hàng hoá, sản phẩm, chứ không phải chỉ ở giá cả. Thị trường đã thay đổi, chuyển từ nhu cầu “ăn cho no” sang “ăn cho ngon”, “ăn cho sạch, an toàn, nhiều dinh dưỡng”. Do đó, sản xuất cũng phải phân ra nhiều luồng theo nhu cầu của xã hội. Bên cạnh giải quyết bài toán cho số đông, chúng ta phải đáp ứng theo hướng “cá nhân hoá” các nhu cầu của nhóm người dùng có nhu cầu khác biệt.

Chúng tôi đang giao cho bộ phận nghiên cứu, tạo ra chuỗi ngành hàng trong từng xã, Nhà nước sẽ hỗ trợ người nông dân, các hộ sản xuất, hợp tác xã nhà sơ chế, nhà bảo quản, những công nghệ, kỹ thuật phù hợp.

Related Posts