Thông điệp của Trung Quốc khi đề xuất kế hoạch hòa bình Ukraine

Công bố đề xuất hòa bình cho khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc dường như muốn nâng cao vị thế chính trị của mình, nhưng khó tạo đột phá thực tế, theo chuyên gia.

Ngày 24/2, tròn một năm xung đột Nga – Ukraine bùng phát, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố tài liệu 12 điểm mang tên “Lập trường về giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine”. Đề xuất này đưa ra những nội dung như kêu gọi ngừng bắn, nối lại đàm phán hòa bình, tránh rủi ro hạt nhân, giảm tác động từ cuộc khủng hoảng lên kinh tế thế giới và giải quyết các vấn đề nhân đạo.

“Điểm đặc biệt trong kế hoạch hòa bình của Trung Quốc là nếu không nói rõ bên soạn thảo, người đọc sẽ cho rằng đây là lập trường của Ấn Độ, Brazil hoặc Nam Phi. Trung Quốc đã tỉ mỉ xây dựng bản kế hoạch có thể bày tỏ được lập trường tương đồng với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có gần như mọi nước đang phát triển, về chiến sự tại Ukraine”, chuyên gia chính trị quốc tế Ian Bremmer, nhà sáng lập hãng tư vấn Eurasia Group, nói với VnExpress.

Theo ông Bremmer, Trung Quốc chọn tung ra kế hoạch hòa bình vào thời điểm này vì họ nhận ra rằng không quốc gia phương Tây nào đang thúc đẩy đối thoại sau một năm xung đột Nga – Ukraine.

Liên minh phương Tây thời điểm đó đang chú tâm vào bài toán duy trì dòng chảy viện trợ cho Ukraine với mức độ như trong một năm qua. Ukraine không muốn từ bỏ những lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát, trong khi Washington cùng các đồng minh không muốn gây sức ép để Kiev nhượng bộ và ngồi vào bàn đàm phán.

“Trung Quốc đã nhận thấy một khoảng trống trong cuộc khủng hoảng mà họ có thể tham gia”, chuyên gia này đánh giá.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị tại Moskva ngày 22/2. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị tại Moskva ngày 22/2. Ảnh: Reuters.

Trong đề xuất của mình, Trung Quốc tuyên bố ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia “theo luật pháp quốc tế”, khái niệm bao quát và có thể được diễn giải là tôn trọng chủ quyền của Ukraine.

Họ phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân hay vũ khí hủy diệt hàng loạt, vốn là thông điệp mang tính răn đe mà giới chức Nga nhiều lần đưa ra trong một năm qua. Mặt khác, Trung Quốc muốn các đòn trừng phạt kinh tế chấm dứt và các bên ngừng bắn. Đó đều là mong muốn chung của hầu hết những quốc gia ngoài phương Tây và kế hoạch hòa bình này “giúp Trung Quốc ghi điểm địa chính trị”, Bremmer nhận định.

Ông Nguyễn Thành Trung, chuyên gia chính trị học quốc tế tại Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng kế hoạch hòa bình của Trung Quốc là hành động “phá lệ” hiếm hoi khi Bắc Kinh bày tỏ quan tâm giải quyết các vấn đề bên ngoài khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Giới lãnh đạo Trung Quốc trong một năm qua chủ trương xây dựng hình ảnh quốc gia yêu hòa bình, không tán thành bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào trên thế giới và đưa ra diễn ngôn chính trị nhất quán là kêu gọi các bên kiềm chế.

Theo ông Trung, lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Ukraine về bản chất không thay đổi, nhưng đề xuất hòa bình mà họ đưa ra cho thấy Bắc Kinh đang để ngỏ khả năng chủ động đảm nhận vai trò trung gian giữa các bên.

“Khi ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, đến Munich và đề cập ý tưởng Trung Quốc trở thành trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng ở châu Âu, vốn là vùng cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống giữa NATO và Nga, họ đã thể hiện sự tự tin về vị thế quốc gia cũng như khả năng đảm nhận vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh và chính trị toàn cầu”, ông Trung nhận định.

Tuy nhiên, dường như do đề cao yếu tố chính trị, đề xuất hòa bình của Trung Quốc không đề cập đến các nội dung nhạy cảm như kêu gọi Nga rút quân hay yêu cầu phương Tây ngừng bơm vũ khí vào Ukraine. Ngoài chia sẻ nguyện vọng về giải pháp chính trị cho xung đột Nga – Ukraine, Bắc Kinh không đưa ra giải pháp cụ thể cho cuộc khủng hoảng.

Đề xuất của Trung Quốc như một hình thức đánh bóng  và đề cao vai trò chính trị của quốc gia hơn một tỷ dân.

Hà Huy, biên  tập

Related Posts