Ukraine đã khai hỏa đạn chùm của Mỹ tấn công lực lượng Nga  

Quân đội Ukraine bắt đầu sử dụng đạn chùm Mỹ cung cấp để phá vỡ phòng tuyến kiên cố của Nga ở mặt trận đông nam, theo quan chức Kiev.

Một quan chức Ukraine giấu tên cho biết đạn chùm đã được bắn vào các chiến hào dọc phòng tuyến Nga đang cản trở chiến dịch phản công của Kiev, Washington Post ngày 20/7 đưa tin.

Ngoài các vị trí tiền tuyến ở đông nam Ukraine, đạn chùm cũng dự kiến được sử dụng ở mặt trận gần thành phố Bakhmut, tỉnh Donetsk mà Nga đang kiểm soát.

Phòng tuyến của Nga ở đông và nam Ukraine được củng cố bởi bãi mìn dày đặc. Lực lượng phòng thủ Nga đã thành công trong việc ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine, bắt đầu từ khoảng một tháng trước.

Đầu tuần này, đại tá Oleksandr Bakulin, chỉ huy Lữ đoàn 57 của Ukraine, nói rằng đạn chùm là cần thiết để “gây thiệt hại tối đa cho bộ binh đối phương”, dù chúng sẽ không “giải quyết mọi vấn đề của chúng tôi trên chiến trường”.

Cảnh sát ở Kharkov, Ukraine, xem xét các mảnh vỡ tên lửa thu thập được, trong đó được cho là có cả đạn chùm, tháng 12/2022. Ảnh: AP

Cảnh sát ở Kharkov, Ukraine, đứng cạnh bãi tập kết các loại đạn rocket Nga hồi tháng 12/2022. Ảnh: AP

Quân đội Ukraine hôm 13/7 nói rằng đã nhận được đạn chùm do Mỹ viện trợ. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đây là quyết định “rất khó khăn”, song nhấn mạnh Ukraine cần thêm đạn được để bổ sung vào kho dự trữ đã cạn kiệt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/7 tuyên bố Nga có đủ các loại đạn chùm trong kho dự trữ và “nếu Ukraine dùng loại vũ khí này chống lại chúng tôi, Nga bảo lưu quyền đáp trả tương ứng”.

Nga chưa bình luận về thông tin Ukraine sử dụng đạn chùm và chưa rõ phản ứng trên thực địa của Moskva đối với động thái này.

Hơn 100 quốc gia đã ký Công ước về Bom, Đạn chùm (CCM), trong đó cấm sản xuất, tích trữ, sử dụng và chuyển giao loại vũ khí này. Mỹ, Nga và Ukraine không ký kết CCM.

Đạn chùm không gây sát thương bằng thuốc nổ hoặc đầu đạn xuyên phá thông thường, mà chứa lượng lớn đạn con được phát tán khi đến gần mục tiêu. Cơ chế này cho phép một quả đạn mẹ rải hàng trăm đến hàng nghìn đạn con trên diện rộng, hiệu quả sát thương cao hơn nhiều so với đạn pháo hoặc rocket nổ mảnh thông thường.

Một số quả đạn con có thể gặp trục trặc với ngòi nổ, khiến chúng không kích hoạt và rơi rải rác mà không có bất cứ bản đồ đánh dấu nào. Những đạn con này vẫn giữ nguyên cơ chế kích hoạt và có thể phát nổ khi ai đó chạm vào, ngay cả khi chiến sự đã kết thúc nhiều năm.

Related Posts