Tổng hợp tình hình chiến sự Ukraine ngày 09/08/2023
Nga tuyên bố chặn nhóm biệt kích Ukraine vượt sông Dnieper
Quan chức tỉnh Kherson do Nga bổ nhiệm thông báo lực lượng nước này chặn nhóm biệt kích Ukraine vượt sông Dnieper sang bờ đông.
“Quân ta đã chặn đứng nỗ lực đổ bộ. Không có lính địch trong khu vực gần làng Kazachi Lageri. Bờ đông sông Dnieper nằm dưới sự bảo vệ đáng tin cậy của các đơn vị Nga”, Vladimir Saldo, quyền tỉnh trưởng Kherson do Nga bổ nhiệm, ngày 8/8 thông báo.
Ông Saldo cho biết các thành viên cánh quân Dnepr nổ súng vào hai xuồng của Ukraine đang cố gắng cập bờ, khiến nhiều binh sĩ đối phương rơi xuống nước. Lực lượng Nga sau đó pháo kích khu vực này. Không một binh sĩ Ukraine nào quay lại được bờ tây sông Dnieper sau trận đánh, ông Saldo nói.
Nga bắn rơi hai UAV tấn công Moskva
Quân đội Nga thông báo hai UAV của Ukraine bị bắn rơi trên vùng trời tỉnh Moskva, không có thiệt hại về người và vật chất.
“Âm mưu tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái (UAV) do chính quyền Ukraine tiến hành đã bị ngăn chặn. Hai phi cơ bị lực lượng phòng không bắn hạ trên vùng trời tỉnh Moskva. Không có thương vong hay thiệt hại về người”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm nay.
Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin thông báo hai UAV bị bắn rơi ở khu vực Domodedovo và đường cao tốc Minsk, thêm rằng lực lượng khẩn cấp đã có mặt tại hiện trường.
Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài sang năm thứ hai, các vụ tập kích bằng UAV vào thành phố và thị trấn ở Nga đã gia tăng. Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/7 thông báo chặn UAV Ukraine tấn công thủ đô Moskva, cáo buộc đây là hành vi khủng bố. Trong đó, một chiếc bị bắn hạ, hai chiếc “bị áp chế điện tử” và chệch hướng, lao vào một tòa tháp văn phòng.
Đức muốn gia hạn triển khai hệ thống Patriot ở Ba Lan
“Chúng tôi muốn kéo dài qua mùa hè, có thể đến cuối năm. Tuy nhiên, Đức không có kế hoạch gia hạn sau 2023. Từ năm 2024, các tổ hợp này sẽ đóng góp quan trọng cho lực lượng phản ứng nhanh của NATO, trong khi những tổ hợp còn lại cần được bảo trì”, Bộ Quốc phòng Đức hôm 8/8 cho biết.Đức hồi tháng 1 triển khai ba đơn vị Patriot tới miền đông Ba Lan, sau vụ nổ hồi cuối năm 2022 khiến hai dân thường thiệt mạng, nghi do tên lửa phòng không Ukraine đi lạc vào lãnh thổ Ba Lan. Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến do Mỹ sản xuất ban đầu dự kiến kéo dài tối đa 6 tháng, trong bối cảnh Đức tìm cách đảm bảo kho vũ khí đất nước không bị cạn kiệt.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan ban đầu từ chối đề nghị của Đức, kêu gọi Berlin gửi chúng đến Ukraine, song sau đó đã đồng ý. Đức, quốc gia cung cấp vũ khí chính cho Kiev, sau đó cũng chuyển hệ thống Patriot tới Ukraine.
Bên cạnh các tổ hợp phòng không Patriot, Đức triển khai 300 binh sĩ đồn trú tại thị trấn Zamosc của Ba Lan, cách biên giới Ukraine khoảng 50 km để bảo vệ thị trấn và tuyến đường sắt quan trọng dẫn đến Ukraine.
Bộ Quốc phòng Đức hôm 8/8 nhấn mạnh việc triển khai các hệ thống Patriot gần đây, không chỉ ở Ba Lan mà còn ở Slovakia và Litva, đồng nghĩa cần phải có các biện pháp để đổi mới nhân sự và thiết bị.
Đội quân ‘UAV tử thần’ của Ukraine
Olexsandr cho biết việc điều khiển UAV của anh giống như trò chơi điện tử, nhưng mỗi nút bấm đều có thể đoạt mạng người nơi tiền tuyến.
Trước khi xung đột nổ ra hồi tháng 2/2022, Olexsandr, 32 tuổi, làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại một công ty logistics. Giờ đây, anh đảm nhận vị trí điều khiển một trong những loại máy bay không người lái (UAV) nguy hiểm nhất của Ukraine, với mục tiêu phá hủy xe tăng Nga.
Olexsandr được coi là người điều khiển UAV giỏi nhất Ukraine, nhưng không phải trong lĩnh vực công nghệ, mà dựa trên những lần bấm nút tiêu diệt đối phương trên tiền tuyến, dù anh không phải là một quân nhân chính thức trong biên chế quân đội.
“Đúng là tôi chưa thấy ai phá hủy được nhiều mục tiêu hơn”, Olexsandr thừa nhận.
Olexsandr cho biết những chiếc UAV do anh điều khiển đã phá hủy khoảng 20 phương tiện quân sự Nga, gồm xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu trinh sát và xe vận tải vũ trang. Anh còn làm hư hại 6 xe tăng và 10 xe bọc thép Nga, đến mức chúng bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Olexsandr không muốn nghĩ tới số thương vong trong quá trình tác chiến, nhưng thừa nhận vào sáng 4/8 đã điều khiển UAV chứa chất nổ lao vào chiến hào gần làng Robotyne, tỉnh Zaporizhzhia, khiến hai binh sĩ Nga thiệt mạng và 6 người bị thương.
“Chúng tôi đã làm rất tốt”, Olexsandr nói, nhưng thêm rằng trong chiến tranh không có điều gì đáng để khoe thành tích.
Lý do Nga dồn lực tập kích sân bay trọng yếu của Ukraine
Nga triển khai nhiều đợt không kích dữ dội nhằm vào sân bay Starokostiantyniv ở tỉnh Khmelnitsky, nhằm triệt hạ mối đe dọa từ tên lửa Storm Shadow của Ukraine.
“Lực lượng vũ trang Nga đã tiến hành đòn tấn công hiệp đồng bằng tên lửa tầm xa chính xác cao phóng từ tàu chiến và máy bay, nhằm vào các căn cứ không quân của đối phương ở khu vực Starokostiantyniv thuộc tỉnh Khmetnitsky và vùng Dubno ở tỉnh Rivne đêm 6/8”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết.
Serhiy Tiurin, phó thống đốc tỉnh Khmelnytskyi ở miền tây Ukraine, xác nhận quân đội Nga đã tấn công sân bay Starokostiantyniv, gây ra loạt vụ nổ. Phát ngôn viên không quân Ukraine Yury Ignat cũng cho biết một trong những mục tiêu chính của cuộc tấn công là sân bay Starokostiantyniv, mô tả địa điểm này là “nỗi ám ảnh” của lực lượng Nga.
Sân bay Starokostiantyniv từng nhiều lần hứng chịu các đòn tập kích quy mô lớn của Nga, do đây là căn cứ chủ chốt của không quân Ukraine và là điểm đóng quân của phi đội cường kích Su-24 trang bị tên lửa dẫn đường Storm Shadow/SCALP-EG cho Anh và Pháp viện trợ.
Đòn tập kích sân bay Starokostiantyniv đêm 6/8 được chia thành ba đợt, sử dụng 67 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tự sát. Mở đầu là tên lửa hành trình Kh-101/555 phóng từ oanh tạc cơ Tu-95MS, kết hợp với tên lửa đạn đạo Iskander-M. Đợt thứ hai huy động tên lửa hành trình Kalibr và UAV Geran-2, trong khi đòn kết thúc sử dụng nhiều tên lửa tàng hình Kh-101.
“Đây được cho là đòn tập kích tên lửa lớn nhất nhằm vào một mục tiêu đơn lẻ tại Ukraine. Dường như mục tiêu là cơ sở hậu cần và kho chứa tên lửa, cũng như nhà chứa máy bay Su-24 tại sân bay. Nga hiểu rõ mối đe dọa từ tên lửa Storm Shadow và SCALP-EG, khiến họ quyết tâm phá hủy Starokostiantyniv”, Vijainder Thakur, cựu sĩ quan không quân Ấn Độ, nhận định.