
TIN TỨC THẾ GIỚI TRONG TUẦN
Nga thu được rocket HIMARS nguyên vẹn của Ukraine
Lực lượng Nga thu được rocket nguyên vẹn của pháo phản lực HIMARS trong nỗ lực đánh chặn tại Donetsk và sẽ chuyển nó về Moskva để nghiên cứu.
“Quả đạn HIMARS bị bắn rơi ở quận Budennovsky thuộc thành phố Donetsk sẽ được chuyển về thủ đô Moskva để các chuyên gia quốc phòng nghiên cứu. Rocket gần như không bị hư hại, phần thân chính và thiết bị điện tử vẫn nguyên vẹn”, Yan Gagin, cố vấn của lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cho biết hôm nay.
Hungary quyết giữ quan hệ với Nga
Thủ tướng Orban tuyên bố Hungary tiếp tục duy trì quan hệ với Nga, cảnh báo châu Âu trên bờ vực sa vào xung đột quân sự với Moskva.
“Chúng tôi sẽ duy trì quan hệ kinh tế với Nga và đây là điều chúng tôi đề xuất với các đồng minh của mình”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói ngày 18/2. “Chính phủ Hungary không tin vào ý kiến cho rằng Nga là mối đe dọa với an ninh Hungary hay châu Âu”.
Thủ tướng Orban cảnh báo châu Âu “đang trên bờ vực sa vào chiến tranh” và “trên thực tế đã có một cuộc chiến gián tiếp với Nga”. “Chúng tôi chỉ có một lựa chọn là đứng ngoài cuộc, điều này không dễ với tư cách thành viên NATO và EU, bởi mọi người ở đó đều ủng hộ xung đột”, ông Orban nói.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong cuộc họp báo tại thủ đô Budapest tháng 12/2022. Ảnh: Reuters.
Sau khi chiến sự bùng phát tháng 2/2022, ông Orban từ chối chỉ trích đích danh Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như không đồng ý gửi vũ khí cho Ukraine như những nước thành viên EU khác, thay vào đó kêu gọi các bên tham chiến lập tức ngừng bắn và ngồi vào đàm phán.
Thủ tướng Orban nhận định các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga khiến Hungary đối mặt đợt lạm phát gần 26%, cao nhất trong liên minh. Ông Orban tuyên bố sẽ chống lạm phát và ví điều này “giống con hổ sẽ ăn thịt bạn nếu bạn không hạ nó”.
NATO lo ngại sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga – Hungary
Đại sứ các nước NATO và Thụy Điển họp để thảo luận về mối lo ngại gia tăng sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Thủ tướng Hungary.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Trung Quốc là chủ đề chính trong cuộc họp của đại sứ các nước thành viên NATO và Thụy Điển ở Budapest ngày 19/10.
“Thật đáng lo ngại khi Hungary chọn duy trì tiếp xúc với ông Putin theo cách này”, Đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman nói. “Ngôn ngữ được Thủ tướng Orban sử dụng để mô tả cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng đáng được đưa ra thảo luận”.
Theo Đại sứ Mỹ, NATO và Thụy Điển, nước đang chờ được Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt để gia nhập liên minh quân sự, đều lo ngại bởi Thủ tướng Orban đã gặp Tổng thống Putin khi Nga đang “gây chiến với Ukraine”.
“Nếu có lo ngại chính đáng về an ninh, chúng tôi sẽ thông báo cho các đồng minh và mong họ xem xét nghiêm túc”, Đại sứ Mỹ nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban gặp nhau tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 17/10. Ảnh: Reuters
Ông Pressman từ chối bình luận về những hậu quả có thể xảy ra sau cuộc gặp của các đại sứ tại Hungary, cũng như đồn đoán về các biện pháp trừng phạt đang được chuẩn bị nhằm vào quan chức Hungary.
“Chúng tôi coi Hungary là đồng minh, nhưng chúng tôi cũng thấy Hungary đang tăng cường quan hệ với Nga bất chấp cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine. Chúng tôi cho rằng điều quan trọng là phải duy trì đối thoại với chính phủ và người dân Hungary về những quyết định này”, ông Pressman nhấn mạnh.
Chính phủ Hungary bác bỏ những chỉ trích của ông Pressman. “Đại sứ Mỹ không có quyền định đoạt chính sách đối ngoại của Hungary, đó là nhiệm vụ của chính phủ Hungary”, Chánh văn phòng của ông Orban, Gergely Gulyas, tuyên bố.
Hungary, Áo nhất trí không chuyển vũ khí cho Ukraine
Budapest và Vienna sẽ không gửi vũ khí tới Kiev và muốn tránh để xung đột leo thang, Bộ trưởng Quốc phòng Hungary cho biết.
“Lập trường của Hungary rất rõ ràng: chúng tôi không chuyển vũ khí đến khu vực xung đột, bởi muốn tránh nguy cơ leo thang, lập trường của Áo cũng vậy”, Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Kristof Szalay-Bobrovniczky khẳng định sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Áo Klaudia Tanner tại Budapest ngày 30/1.
Ông lưu ý rằng cả hai đã thảo luận về tình hình Ukraine. Bộ trưởng Tanner cũng nói nguy cơ xung đột Ukraine lan sang nơi khác ở châu Âu là “mối nguy hiểm lớn nhất”.
“Chúng tôi không chỉ thảo luận về chiến tranh quy ước, mà còn về các mối đe dọa phi truyền thống, như nguy cơ di cư bất hợp pháp trở nên trầm trọng hơn do xung đột”, bà Tanner nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Kristof Szalay-Bobrovniczky (bên phải hàng trước) tiếp người đồng cấp Áo Klaudia Tanner tại thủ đô Budapest, ngày 30/1. Ảnh: MTI.
Quan hệ Kiev – Budapest đã trở nên căng thẳng trong năm qua, khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban không ủng hộ các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Ông Orban được coi là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên EU. Ông nhiều lần tuyên bố liên minh tự hủy hoại chính mình vì áp lệnh trừng phạt với Moskva, hay cảnh báo các biện pháp này có nguy cơ tàn phá nền kinh tế châu Âu.
Israel đẩy mạnh không kích Dải Gaza
Quân đội Israel tuyên bố tăng cường không kích Dải Gaza nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho chiến dịch tấn công trên bộ.
“Chúng tôi sẽ bước sang giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến với những điều kiện tốt nhất, không phải theo những gì người khác nói. Israel đang tăng cường không kích nhằm hạn chế tối đa nguy hiểm. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh các đòn tập kích và kêu gọi cư dân thành phố Gaza tiếp tục sơ tán về phía nam để bảo đảm an toàn”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Israel Daniel Hagari cho biết hôm 21/10.
Nhiều chỉ huy quân đội Israel cùng ngày đến thăm các đơn vị tiền tuyến để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Cột khói bốc lên tại thành phố Gaza sau đòn không kích của Israel hôm 21/10. Ảnh: AFP
“Chúng ta sẽ tiến vào Gaza. Đó là khu vực đông dân cư, đối phương đã chuẩn bị rất nhiều thứ tại đó, nhưng chúng ta cũng sẵn sàng đáp trả. Nhiệm vụ tác chiến này sẽ diễn ra chuyên nghiệp, nhằm phá hủy nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng của Hamas”, Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi nói khi thị sát một lữ đoàn bộ binh triển khai gần Dải Gaza.
Chiến dịch không kích của Israel vào Dải Gaza tới nay đã khiến hơn 4.100 người Palestine thiệt mạng, chủ yếu là dân thường.
Loạt thành phố Israel bị tập kích rocket
Israel cáo buộc các nhóm vũ trang tại Dải Gaza phóng rocket vào một số đô thị nước này, gây ra thiệt hại vật chất.
Giới chức Israel ngày 20/10 cho biết nhiều rocket phóng từ Dải Gaza nhằm vào thành phố Ashkelon, Sderot, Ashdod và một số thị trấn lân cận. Rocket làm hư hại một ngôi nhà và một số ôtô tại Ashkelon, một con phố và một trạm xe buýt ở Sderot, song không gây ra thương vong.
Vụ tập kích rocket xảy ra khi Hamas thông báo thả hai công dân Mỹ bị bắt trong đợt tấn công phối hợp của nhóm nhằm vào Israel. Hai công dân Mỹ này đoàn tụ với người thân tại một căn cứ quân sự ở Israel. Hamas tuyên bố trả tự do cho hai người này “vì lý do nhân đạo” và để đáp lại nỗ lực từ Qatar.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cùng ngày thông báo tập kích nhiều sở chỉ huy và hạ tầng ngầm của Hamas, khiến Mahmoud Sabih, kỹ sư cấp cao đứng đầu đơn vị phát triển vũ khí cho Hamas, thiệt mạng.
IDF cho rằng Sabih là người phụ trách chương trình máy bay không người lái (UAV) của Hamas và “đã trao đổi kiến thức với các nhóm khủng bố khác trên toàn Trung Đông”.

Rocket phóng từ Dải Gaza bị tổ hợp phòng không Vòm sắt đánh chặn trên khu vực thành phố Ashkelon ngày 20/10. Ảnh: AP
Giao tranh trong khu vực leo thang sau khi Hamas ngày 7/10 mở chiến dịch tấn công phối hợp nhằm vào Israel, khiến nước này phong tỏa Dải Gaza và mở các đợt tập kích đáp trả. Hàng nghìn binh sĩ Israel tập trung gần Dải Gaza, có thể tham gia chiến dịch trên bộ quy mô lớn nhằm vào nơi này.
Israel muốn xóa sổ Hamas, lập thể chế mới ở Gaza
Bộ trưởng Quốc phòng Israel đặt mục tiêu xóa sổ Hamas, loại bỏ các ổ kháng cự và thiết lập thể chế an ninh mới ở Dải Gaza.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 20/10 công bố loạt mục tiêu của Tel Aviv trong cuộc chiến ở Dải Gaza, gồm phá hủy năng lực điều hành và quân sự của Hamas để xóa sổ nhóm vũ trang này, tạo dựng “thực tế an ninh” mới trên Dải Gaza.
Thông tin được công bố tại cuộc họp của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Quốc hội Israel, trong đó ông Gallant nêu ba giai đoạn của chiến sự hiện nay.

Bộ trưởng Gallant (áo đen, giữa) trong cuộc họp Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Quốc hội Israel hôm 20/10. Ảnh: BQP Israel
“Chúng ta đang trong giai đoạn đầu tiên, với chiến dịch không kích và sau đó là tiến công đường bộ nhằm tiêu diệt các tay súng, cũng như phá hoại cơ sở hạ tầng để đánh bại Hamas. Giai đoạn hai sẽ là duy trì chiến đấu với cường độ thấp hơn, nhằm loại bỏ những ổ kháng cự còn sót lại”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel cho hay.
Phương Tây có thể gây sức ép để Israel hoãn tấn công Gaza
Mỹ và các nước châu Âu được cho là đang âm thầm gây sức ép để Israel hoãn đưa quân vào Dải Gaza để có thêm thời gian cứu con tin.
Times of Israel hôm nay dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao giấu tên cho biết Mỹ và một số nước châu Âu lo ngại việc Israel mở chiến dịch tấn công quy mô lớn vào Dải Gaza sẽ làm đổ bể mọi nỗ lực đàm phán phóng thích con tin trong tương lai.
Quan chức này nói rằng các nước phương Tây có công dân mất tích trong chiến dịch đột kích của Hamas ngày 7/10 đều đang gây áp lực lên Tel Aviv. Họ không yêu cầu Israel hủy kế hoạch tấn công, nhưng đề nghị chậm lại một nhịp để chờ kết quả từ các nỗ lực ngoại giao để Hamas phóng thích con tin.
Thông tin được đưa ra sau khi Hamas trả tự do cho hai công dân Mỹ bị các tay súng của nhóm bắt làm con tin ở Gaza. Nỗ lực đàm phán với Hamas đang tiếp tục, nhưng các nước phương Tây thừa nhận rằng thời gian càng lâu, cơ hội để con tin được phóng thích càng thấp.
Chính phủ Israel chưa bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, thiếu tá Dorion Spielman, phát ngôn viên quân đội Israel (IDF), cho biết nỗ lực tiêu diệt Hamas của Tel Aviv sẽ “không bị gián đoạn”.

Binh sĩ Isreal tại một khu dân cư gần biên giới với Dải Gaza, ngày 20/10. Ảnh: AP
“Hamas muốn chúng tôi tạm dừng tấn công, nhưng chúng tôi đang trong chiến tranh với họ, sẽ không có chuyện trì hoãn tấn công. Chúng tôi sẽ tiêu diệt Hamas”, phát ngôn viên Spielman nói.