Thông điệp qan trọng ủa ông Putin trong cuộc họp báo 4 giờ về tình hình thế giới và trong nước

Sau một năm bị hủy, cuộc họp báo thường niên của ông Putin được nối lại trong 4 giờ, với những thông điệp mạnh mẽ về Ukraine, phương Tây, kinh tế Nga.

Trong cuộc họp báo thường niên dài 4 giờ 4 phút ở trung tâm Moskva ngày 14/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin thể hiện tinh thần đầy lạc quan về chiến thắng ở chiến trường Ukraine. “Tôi chắc chắn chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta”, ông Putin nói.

Giới quan sát cho rằng sự lạc quan của ông Putin được tiếp sức bởi những khó khăn mà Ukraine đang đối mặt trên chiến trường và nỗi mệt mỏi vì chiến sự kéo dài đang lan rộng ở phương Tây.

Charles Maynes, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là nhà phân tích của NPR, cho biết chỉ riêng việc ông Putin xuất hiện trở lại tại cuộc họp báo thường niên sau một năm hủy sự kiện đã cho thấy niềm tin ngày càng tăng của giới lãnh đạo Nga về chiến thắng ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo thường niên ở Moskva ngày 14/12. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo thường niên ở Moskva ngày 14/12. Ảnh: Reuters

Năm ngoái, Điện Kremlin liên tục trì hoãn và cuối cùng hủy cuộc họp báo thường niên, trong bối cảnh lực lượng Nga ở Ukraine liên tiếp hứng chịu thất bại, buộc ông Putin phải ban hành lệnh động viên một phần, gây nhiều bất bình trong dư luận, theo Mayners. Tuy nhiên, năm nay, ông Putin chỉ ra cuộc phản công đình trệ của Ukraine và sự suy yếu nền tảng ủng hộ của phương Tây là những dấu hiệu cho thấy chiến thắng của Nga là tất yếu.

“Lực lượng Nga đã cải thiện được vị thế gần như trên toàn bộ chiến trường Ukraine”, ông Putin nói, cho biết 617.000 quân nhân đã được triển khai ở khu vực xung đột dọc chiến tuyến dài hơn 2.000 km.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Nga công bố tổng quân số tham chiến ở Ukraine, kể từ khi phát động chiến dịch tại quốc gia này hồi tháng 2/2022. Ông đảm bảo với công chúng rằng một đợt huy động quân tiếp theo là điều không cần thiết.

Giới phân tích quân sự Ukraine và phương Tây đồng tình rằng chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine gần như đã kết thúc và quân đội Nga đã giành lại thế chủ động trên phần lớn mặt trận, theo Mark Mackinnon, nhà phân tích của The Globe and Mail.

Tuy nhiên, khi được hỏi về triển vọng hòa bình, ông Putin khẳng định điều đó sẽ chỉ xảy ra sau khi “phi phát xít hóa, phi quân sự hóa” Ukraine, hai mục tiêu mà Điện Kremlin đã nêu ngay từ đầu cuộc chiến.

“Sẽ có hòa bình khi chúng tôi đạt được mục tiêu của mình”, lãnh đạo Điện Kremlin nói.

Ông Putin lặp lại quan điểm rằng chính Mỹ và đồng minh đã buộc Nga phải phát động cuộc chiến ở Ukraine, khi có ý định kết nạp Kiev vào NATO. Ông nêu một điều kiện khác để thiết lập lại hòa bình ở Ukraine là Kiev phải duy trì chính sách trung lập.

Ông Putin nói về chiến dịch ở Ukraine trong họp báo ngày 14/12. Video: Reuters

Lãnh đạo Điện Kremlin cũng phàn nàn về “tiêu chuẩn kép” của cộng đồng quốc tế đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine và chiến dịch của Israel ở Gaza. Ông Putin gọi cuộc chiến ở Gaza là “thảm họa” và nói rằng nó đã dẫn tới chủ nghĩa bài Do Thái và chống Hồi giáo gia tăng trên toàn thế giới. Tổng thống Nga ủng hộ quyền tự quyết của người Palestine.

“Hãy nhìn vào chiến dịch quân sự đặc biệt và nhìn vào những gì đang xảy ra ở Gaza, hãy cảm nhận sự khác biệt. Không có điều gì tương tự xảy ra ở Ukraine”, ông Putin nói, đề cập tới cách Nga gọi cuộc chiến ở Ukraine.

Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đã lao dốc nghiêm trọng kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine đầu năm 2022. Tuy nhiên, ông Putin trong cuộc họp báo thường niên ngày 14/12 cho biết sẵn sàng xây dựng quan hệ với Mỹ vì đây là “mối quan hệ quan trọng và cần thiết cho thế giới”.

Lãnh đạo Nga khẳng định Moskva không từ chối thỏa thuận trao đổi tù nhân với Washington, song khẳng định các cuộc đàm phán với Mỹ “khó khăn” vì hai bên chưa đạt được đồng thuận.

“Tôi hy vọng chúng ta tìm được giải pháp. Tuy nhiên, tôi nhắc lại rằng Mỹ phải lắng nghe chúng tôi và đưa ra quyết định phù hợp”, ông Putin nói.

Bình luận của ông Putin đưa ra khi tòa án ở Moskva giữ nguyên phán quyết gia hạn tạm giam chờ xét xử với phóng viên tờ Wall Street Journal Evan Gershkovich ít nhất tới ngày 31/1/2024. Nga trước đó cũng bác đề xuất thả cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan, người đang thụ án 16 năm từ ở Nga. Mỹ cho rằng cả hai công dân nước này “bị giam trái phép” ở Nga.

Dù ông Putin để ngỏ khả năng xây dựng quan hệ với Mỹ, nhà phân tích tài chính và chính trị ở Hong Kong Angelo Giuliano nói với Sputnik rằng quyết định trả lời câu hỏi của phóng viên Xinhua trước phóng viên New York Times trong cuộc họp báo có thể là hành động cho thấy Nga coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc hơn.

“Việc ông Putin chọn phóng viên Xinhua là người đặt câu hỏi đầu tiên thực sự mang tính biểu tượng. Ông ấy có lẽ muốn chứng tỏ Mỹ không còn đóng vai trò chính nữa”, Giuliano nói. “Trung Quốc đã trở thành đối tác chiến lược quan trọng nhất của Nga. Cả hai nước đều bổ sung sức mạnh cho nhau và đều có mục tiêu chung là xây dựng trật tự thế giới công bằng hơn”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 18/10. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 18/10. Ảnh: AFP

Các biện pháp trừng phạt chưa từng có của Mỹ và đồng minh đã không thể khiến nền kinh tế Nga sụp đổ. Bất chấp những biến động ban đầu, lợi nhuận từ dầu mỏ cho phép ông Putin duy trì ngân sách trợ cấp cho người dân, đặc biệt những người chiến đấu ở tiền tuyến và gia đình họ.

“Đến cuối năm, tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 3,5%. Đây là chỉ báo tốt, có nghĩa chúng ta đang phục hồi từ mức giảm năm ngoái”, ông Putin nói. GDP Nga giảm 2,1% trong năm 2022 do các lệnh trừng phạt liên quan chiến dịch ở Ukraine.

Trong họp báo, ông Putin đã trả lời tổng cộng 67 câu hỏi, trong đó có những vấn đề sát sườn và bức xúc của người dân Nga về mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước. Có những lời phàn nàn thậm chí được giải quyết ngay lập tức khi người dân trao đổi với ông Putin.

Một nhóm thanh niên ở Crimea đã gọi điện đến cuộc họp báo, nói với Tổng thống Nga rằng nhà thi đấu thể thao ở địa phương đã xuống cấp. Chỉ vài phút sau, người dẫn chương trình truyền hình Pavel Zarubin cho biết các tình nguyện viên ở bán đảo đã nhận được chỉ đạo và cam kết sẽ tu sửa nó.

Một số người đã gọi cho ông Putin, đề nghị ông can thiệp vào các vấn đề như thiếu sưởi ấm, nước nóng, cơ sở hạ tầng hư hỏng và lạm phát. Tổng thống Putin thậm chí đã công khai xin lỗi một phụ nữ về hưu trên truyền hình sau khi bà phàn nàn về giá trứng tăng.

Giới quan sát cho rằng sau thông báo tái tranh cử tổng thống năm sau, cuộc hỏi đáp của ông Putin với người dân có thể được xem như màn vận động tranh cử ấn tượng, củng cố cơ hội chiến thắng của ông.

Alexander Orlov, một phóng viên truyền hình trẻ ở vùng Viễn Đông Nga, cho biết “tất cả chúng tôi đều ủng hộ quyết định tham gia cuộc bầu cử năm tới của ngài. Bởi vì từ khi tôi bắt đầu có ký ức, ngài đã nắm quyền lực”.

Hà  Huyy, biên  tập

Related Posts