Tin nhanh thế giới 21/12/23

Ông Putin: Nga sẵn sàng đàm phán về tương lai Ukraine

Tổng thống Putin nói Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, Mỹ và châu Âu về tương lai của Kiev, dựa trên lợi ích quốc gia của Moskva.

“Nếu những người quyết liệt với Nga ở Ukraine, Mỹ và châu Âu có nhu cầu đàm phán, chúng tôi sẽ làm như vậy. Nhưng Moskva sẽ đàm phán dựa trên lợi ích quốc gia, chúng tôi không từ bỏ những gì thuộc về mình và không có ý định gây chiến với châu Âu”, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp với giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng ngày 19/12.

Mỹ ngày càng đơn độc ở Hội đồng Bảo an vì chiến sự Gaza

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) ngày 20/12 một lần nữa thất bại trong nỗ lực thông qua nghị quyết do Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đệ trình, liên quan tới xung đột Hamas – Israel.

Dự thảo nghị quyết này kêu gọi các bên chấm dứt giao tranh để cho phép viện trợ nhân đạo chuyển tới Dải Gaza. Một điểm mới trong văn kiện là triển khai cơ chế cho phép Liên Hợp Quốc giám sát cung cấp viện trợ trong khu vực. Đây là điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán tuần này ở HĐBA, vì giống như Israel, Mỹ từ chối chuyển giao quyền giám sát viện trợ cho LHQ, theo giới quan sát.

Các cường quốc thế giới đã nhất trí nhóm họp lại vào ngày 21/12 để có thêm một ngày thảo luận, chỉnh sửa dự thảo nghị quyết nhằm đảm bảo Mỹ sẽ không bác bỏ.

Phiên bản gần như cuối cùng của dự thảo nghị quyết ủng hộ giải pháp hai nhà nước, trong đó Israel và một nhà nước của người Palestine cùng tồn tại trong hòa bình. Tuy nhiên, điều này cũng có thể trở thành điểm vướng mắc, khi Israel phản đối.

Đại diện các nước nói chuyện tại phòng họp HĐBA ở New York ngày 19/12. Ảnh: Reuters

Đại diện các nước nói chuyện tại phòng họp HĐBA ở New York ngày 19/12. Ảnh: Reuters

Khi thể hiện sự ủng hộ với Israel, Mỹ đang lâm vào thế đối nghịch với cộng đồng quốc tế, điều rất mâu thuẫn với cam kết khôi phục chủ nghĩa đa phương của Nhà Trắng sau bốn năm “Nước Mỹ trên hết” của cựu tổng thống Donald Trump. Những lằn ranh đỏ của Israel, được Mỹ vạch ra chi tiết ở HĐBA, có thể làm chệch hướng dự thảo nghị quyết do UAE đề xuất trong các cuộc thảo luận cuối cùng.

Nga hợp tác quốc phòng toàn diện với Triều Tiên

“Tiến trình hướng tới phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và Ấn Độ đang tiếp tục. Hợp tác toàn diện, tích cực với Triều Tiên đã được thiết lập”, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov hôm nay cho biết trong bài phát biểu cuối năm, đề cập đến hợp tác quốc phòng của Moskva.

Tuyên bố của ông Gerasimov được đưa ra trong bối cảnh Nga và Triều Tiên gần đây tăng cường các chuyến thăm cấp cao. Bộ trưởng Quốc phòng Nga hồi tháng 7 thăm Triều Tiên. Hai tháng sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong chuyến công du đầu tiên kể từ năm 2019, lãnh đạo Triều Tiên đã tới Nga gặp Tổng thống Putin và loạt quan chức cấp cao nước này, cũng như thăm nhiều địa điểm quân sự, công nghệ quan trọng của nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Vostochny Cosmodrome, sân bay vũ trụ hiện đại nhất của Nga, ngày 13/9. Ảnh: KCNA

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Vostochny Cosmodrome, sân bay vũ trụ hiện đại nhất của Nga, ngày 13/9. Ảnh: KCNA

Mỹ cho biết Nga có thể đang giúp Triều Tiên né tránh các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, đặc biệt trong các chương trình tên lửa đạn đạo và kỹ thuật hàng không vũ trụ. Điện Kremlin cho rằng cáo buộc này là “vô căn cứ”.

Ông Putin mở văn phòng tranh cử

Trụ sở chiến dịch tranh cử năm 2024 của Tổng thống Putin mở cửa tại thủ đô Moskva, bắt đầu thu thập 300.000 chữ ký ủng hộ theo yêu cầu.

Trụ sở chiến dịch tranh cử của Tổng thống Vladimir Putin đặt tại tòa nhà Gostiny Dvor, gần Điện Kremlin và sẽ mở cửa cho người dân ghé thăm vào giờ hành chính các ngày trong tuần, đài truyền hình Rossia 1 ngày 21/12 đưa tin.

Các thành viên của chiến dịch sẽ bắt đầu thu thập 300.000 chữ ký của người ủng hộ từ 23/12 đến cuối tháng 1/2024, để ông Putin đủ điều kiện tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm sau.

Tòa nhà Gostiny Dvor ở Moskva. Ảnh: Moscow Times

Tòa nhà Gostiny Dvor ở Moskva. Ảnh: Moscow Times

Theo luật bầu cử Nga, các ứng viên độc lập tham gia tranh cử tổng thống, như trường hợp của ông Putin, phải thu thập tối thiểu 300.000 chữ ký ủng hộ để có tên trên phiếu bầu. Ứng viên đại diện cho các chính đảng chỉ cần thu thập 100.000 chữ ký.

Trụ sở chiến dịch của ông Putin sẽ đóng cửa vào ngày bầu cử, diễn ra ngày 15-17/3/2024. Diễn viên Vladimir Mashkov, bác sĩ Marina Lysenko và trung tá Artem Zhoga, chỉ huy tiểu đoàn Sparta kiêm lãnh đạo hội đồng nhân dân Donetsk do Nga bổ nhiệm, là đồng chủ tịch trụ sở chiến dịch tranh cử của ông Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuôc họp ở Moskva ngày 12/12. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp ở Moskva ngày 12/12. Ảnh: AFP

Ông Putin, 71 tuổi, thông báo tái tranh cử hôm 8/12 với tư cách ứng viên độc lập. Nếu đắc cử, ông sẽ tiếp tục nắm quyền tới năm 2030 và vẫn có thể tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa.

Lính Israel bị cáo buộc ‘hành quyết’ dân thường ở Gaza

Văn phòng nhân quyền LHQ đề nghị Tel Aviv điều tra thông tin binh sĩ Israel sát hại ít nhất 11 người đàn ông Palestine trước mặt gia đình họ ở Gaza.

“Chúng tôi đã nhận được thông tin đáng lo ngại cáo buộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) giết chết ít nhất 11 người đàn ông Palestine không vũ trang trong độ tuổi 20-30”, văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) có trụ sở tại thành phố Ramallah, Bờ Tây ngày 20/12 cho biết trong báo cáo “Những vụ giết người phi pháp ở Gaza City”.

Theo OHCHR, các vụ giết người theo kiểu hành quyết diễn ra ở khu Rimal của Gaza City trong tuần này, khi IDF đột kích căn nhà có ba gia đình đang trú ẩn. Họ tách đàn ông ra khỏi phụ nữ và trẻ em, sau đó bắn chết những người này ngay trước mặt thân nhân.

Lính Israel sau đó dồn phụ nữ và trẻ em vào một căn phòng, bắn vào họ hoặc ném lựu đạn vào phòng, khiến một số người bị thương nặng, trong đó có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. “Sự việc có khả năng là hành vi phạm tội ác chiến tranh”, OHCHR nhấn mạnh.

Xe tăng của quân đội Israel gần biên giới với Dải Gaza hôm 3/12. Ảnh: AFP

Xe tăng của quân đội Israel gần biên giới với Dải Gaza hôm 3/12. Ảnh: AFP

“Chính quyền Israel phải lập tức tiến hành cuộc điều tra độc lập, kỹ lưỡng và hiệu quả về những cáo buộc này. Nếu được chứng minh là sự thật, những người chịu trách nhiệm phải bị đưa ra công lý và Israel phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm nghiêm trọng như vậy tái diễn”, văn phòng nêu.

Chính phủ và quân đội Israel chưa lên tiếng về cáo buộc này.

Hungary chỉ trích Ukraine vì ngăn cựu tổng thống xuất cảnh

Thủ tướng Viktor Orban cho rằng việc Ukraine ngăn cựu tổng thống Petro Poroshenko xuất cảnh sang Hungary đặt câu hỏi về tham vọng gia nhập EU của Kiev.

Tại cuộc họp báo ở Budapest ngày 21/12, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết Ukraine đưa ra các quy định đặc biệt trong thời chiến là “có thể chấp nhận được”, khi ông được hỏi về việc Kiev ngăn cựu tổng thống Petro Poroshenko xuất cảnh hồi đầu tháng này.

“Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là nếu cuộc gặp giữa một công dân Ukraine và Thủ tướng Hungary đe dọa an ninh quốc gia, tại sao họ lại muốn trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU)?”, ông Orban nói.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại một sự kiện ở Budapest ngày 18/11. Ảnh: AFP

Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại một sự kiện ở Budapest ngày 18/11. Ảnh: AFP

Cựu tổng thống Ukraine Poroshenko hôm 1/12 nói ông bị ngăn rời khỏi Ukraine dù có giấy phép và cho rằng điều này mang động cơ chính trị. Ông cho hay dự kiến tới Ba Lan để đàm phán dỡ bỏ lệnh cấm thông quan nông sản Ukraine, sau đó đến Mỹ vận động hỗ trợ quân sự cho nước này.

Hà Huy, bien tập

Related Posts