Nguy cơ tan rã EU do Brexit

Giới chức EU càng ngày càng thừa nhận nguy cơ lớn từ việc Anh rời bỏ EU (Brexit)m trong đó có nguy cơ tan rã khối EU, khi mà ngày 23.06.2016 cử tri Anh bỏ phiếu để Anh ra đi đang đến gần.

Khi Anh đặt ra vấn đề “ra đi” hay “ở lại” Liên minh châu Âu, giới chức khối này ban đầu nhận định, dù có Anh hay không cũng không ảnh hưởng đến sự tồn tại của một Liên minh thống nhất. Nhưng càng ngày, họ càng phải thừa nhận những nguy cơ không hề nhỏ từ Brexit, trong đó có cả nguy cơ tan rã Liên minh châu Âu khi mà xu hướng hoài nghi ngày càng gia tăng ở châu lục này.

Nguy co tan ra EU do Brexit - Anh 1

Ảnh: tomorrowsworld.org.

Người Anh được cảnh báo rất nhiều về những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, chính trị, xã hội của nước này nếu rời khỏi Liên minh châu Âu. Nhưng ngược lại, Liên minh châu Âu dường như vẫn chưa lường hết được những hậu quả của Brexit.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo, việc cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ nước này rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ là sự kiện làm rung chuyển toàn châu lục, đồng thời kêu gọi cần có nỗ lực chung nhằm đảm bảo sự ổn định của khối.

Phát biểu tại cuộc họp báo với người Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault ở Berlin ngày 15/6, ông Steinmeier cho biết, Đức và Pháp hy vọng trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 tới, cử tri Anh sẽ bỏ phiếu chống việc nước này rời EU, cho rằng đó sẽ là một “quyết định đúng đắn”. Theo ông, nếu Brexit xảy ra, EU có thể sẽ mất rất nhiều thứ, những thứ mà giới chức châu Âu còn chưa từng được cảnh báo cho tới hôm nay.

Ông hy vọng, chiến dịch vận động Anh ở lại EU sẽ thành công vào phút chót: “Có một điều mà tôi có thể nói chắc chắn, đó là nếu Anh bỏ phiếu rời EU, thì cái mà EU nhận được sẽ không chỉ là một liên minh 28 trừ 1, mà nó sẽ là một cơn chấn động, và nó đòi hỏi phải có những nỗ lực chung để đảm bảo sự ổn định của khối và đảm bảo tiến trình hội nhập thành công kéo dài hàng chục năm qua sẽ không bị biến thành mây khói”.

Ông Steinmeier nhấn mạnh, Đức và Pháp đóng vai trò đặc biệt vì là những quốc gia trụ cột, cùng với Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, và Italy, thành lập Cộng đồng châu Âu và hai nước sẽ tiếp tục hợp tác nhằm đảm bảo sự phát triển và thành công của EU ngay cả khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi liên minh này, hay còn gọi là Brexit.

Anh gia nhập Cộng đồng châu Âu năm 1973, song đến nay luôn là quốc gia phản đối sự hội nhập chặt chẽ hơn trong khối. Nước này vẫn đứng ngoài khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng như khu vực tự do đi lại Schengen.

Những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, số người ủng hộ Brexit đã vượt số người ủng hộ Anh ở lại EU. Giới phân tích cho rằng, chủ nghĩa hoài nghi đang gia tăng ở châu Âu đã tác động không nhỏ đến quan điểm của các cử tri Anh. Bên cạnh đó, quyết định chỉ mới ngày hôm qua của Quốc hội Thụy Sĩ về việc rút đơn xin gia nhập EU sẽ phần nào tác động đến tâm lý cử tri Anh trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 tới đây.

Thụy Sĩ đệ đơn xin gia nhập EU hồi tháng 5/1992. Tuy nhiên, khi tiến hành trưng cầu dân ý về vấn đề này vào tháng 12/1992, người dân Thụy Sĩ đã phản đối gia nhập không gian kinh tế châu Âu lúc đó.

Vấn đề rút hay không rút lại đơn xin gia nhập đã gây tranh cãi tại quốc gia Bắc Âu này. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận công bố hồi cuối tháng 5 vừa qua, đa số công dân Thụy Sĩ đánh giá cao phương hướng phát triển kinh tế độc lập của nước này và không muốn đất nước họ gia nhập EU. So với năm 2015, số người ủng hộ gia nhập EU đã giảm từ 21% xuống còn 16%, trong khi đó, có đến 95% người dân Thụy Sĩ ủng hộ quy chế trung lập của nước này.

EU sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản Anh rời EU. Trong trường hợp đó, các nước chủ chốt như Đức và Pháp phải thiết lập một liên minh chính trị chặt chẽ hơn để giúp EU tránh được viễn cảnh tan rã./.

Thùy Linh/VOV-Trung tâm Tin

Related Posts